Lời khuyên hỗ trợ bé phát triển tối ưu trong giai đoạn ăn dặm

08/01/2024 -  Kiến thức dinh dưỡng

Trẻ đủ 6 tháng tuổi là thời điểm quan trọng, khi sữa mẹ không còn cung cấp đủ nhu cầu và trẻ bắt đầu làm quen với những thực phẩm khác ngoài sữa mẹ. Tuy nhiên, đi kèm với sự thay đổi lớn trong cả chế độ ăn và sinh hoạt là những khó khăn trong việc cho bé ăn dặm mà rất nhiều mẹ gặp phải. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những lời khuyên hữu ích, giúp hỗ trợ trẻ tăng trưởng trong giai đoạn này.

Nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển trong giai đoạn ăn dặm

Ăn dặm là giai đoạn trẻ có nhiều sự biến chuyển về cả tâm sinh lý và hành vi. Đặc biệt, khi nhu cầu của trẻ tăng lên, việc làm quen với các thực phẩm mới là rất cần thiết. Trẻ sẽ chuyển dần từ chế độ ăn lỏng sang đặc dần và cuối cùng là thô cứng. Cùng với đó là sự tăng dần về số lượng. Tuy nhiên, có rất nhiều trẻ gặp tình trạng lười nhai, chỉ thích ăn thức ăn mềm, loãng, dễ nuốt, một phần vì quen với chế độ ăn lỏng trước đó hoặc có các vấn đề về răng miệng. Cũng có những trẻ hiếu động, tò mò, khám phá thế giới xung quanh nên không tập trung vào các bữa ăn dặm. Chính điều này đã dẫn tới việc trẻ không được cung cấp đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết. Đây là nguyên nhân chính khiến trẻ chậm phát triển chiều cao, cân nặng thậm chí rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng trong khi đây là giai đoạn rất quan trọng để tạo nền móng cho sức khỏe của trẻ trong tương lai.

Ngược lại, có những trẻ tuy ăn rất tốt, lượng ăn đủ so với nhu cầu nhưng trẻ không có những cải thiện đáng kể. Điều này có thể do trẻ có các vấn đề về đường tiêu hóa hoặc tình trạng sức khỏe không ổn định, dị ứng hoặc đề kháng yếu dẫn tới hấp thụ kém, không dung nạp được các chất dinh dưỡng cần thiết. Với trường hợp này, mẹ nên cho trẻ thăm khám bác sỹ để chẩn đoán và có các phương pháp điều trị thích hợp.

Các phương pháp hỗ trợ trẻ trong giai đoạn ăn dặm

Để đảm bảo cung cấp cho trẻ đủ nhu cầu về năng lượng lẫn các chất dinh dưỡng thiết yếu, dưới đây là một số lời khuyên hữu ích mà cha mẹ cần chú ý:

1. Với trẻ dưới 1 tuổi, sữa vẫn là nguồn cung cấp năng lượng chính.

Nhiều cha mẹ cảm thấy lo lắng khi con ăn rất ít trong giai đoạn mới chuyển sang ăn dặm vì nghĩ rằng thức ăn cho bé ăn dặm là nguồn thực phẩm chính. Tuy nhiên, quan điểm này là không đúng vì trẻ cần thời gian để làm quen với thức ăn và điều này cũng không ảnh hưởng quá lớn nếu trẻ vẫn duy trì uống sữa đủ. Thậm chí, theo nhiều phong cách ăn dặm, trong giai đoạn từ 6-9 tháng, bữa ăn dặm chỉ chiếm 30% nhu cầu của trẻ. Do đó, quá tập trung vào ăn dặm mà quên đi việc uống sữa không những gây áp lực cho hệ tiêu hóa mà còn khiến trẻ không hứng thú và sợ ăn.

2. Áp dụng các nguyên tắc ăn dặm.

Nên cho trẻ ăn theo thứ tự từ loãng đến đặc dần và từ ít đến nhiều. Bắt đầu với những món bột loãng, hạn chế việc cho gia vị, thậm chí hoàn toàn không cho. Sau đó, tăng dần độ đặc, các loại thực phẩm và có thể cho thêm một chút gia vị. Tăng dần theo độ tuổi là sự gia tăng về nhu cầu của trẻ, do đó, việc thêm thức ăn vào các món bột, cháo, bữa ăn dặm giúp đảm bảo đáp ứng nhu cầu và cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ.

3. Thay đổi thực đơn, mở rộng phạm vi tiếp xúc với thực phẩm của trẻ.

Mẹ nên chuẩn bị thực đơn đa dạng, vừa kích thích cảm giác thèm ăn, vừa giúp trẻ tiếp xúc với đa dạng thực phẩm. Ngoài ra, mẹ cũng có thể sáng tạo, kết hợp những món trẻ đặc biệt thích và những loại thực phẩm trẻ không hứng thú để đảm bảo trẻ vẫn ăn đủ các loại thực phẩm, không có ấn tượng xấu với bất kì món ăn nào và đặc biệt là ăn đủ các nhóm chất.

4. Thực đơn đa dạng, khoa học.

Trẻ cần được cung cấp đủ và cân đối giữa các nhóm chất, bao gồm chất bột đường ( bột, cháo, cơm, bún, phở, mỳ, miến, đậu, ngô, khoai… và các sản phẩm ngũ cốc), chất đạm (thịt, tôm, cá, trứng, sữa và các chế phẩm) và chất béo (dầu, mỡ, bơ, các loại hạt,…). Đặc biệt, tăng cường bổ sung cho trẻ nhóm thực phẩm cung cấp các Vitamin và khoáng chất. Nên chọn những thực phẩm lành mạnh, rõ nguồn gốc và quá trình chế biến cho trẻ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

5. Loại bỏ những yếu tố gây xao nhãng trong bữa ăn của trẻ.

Nhiều mẹ vì muốn con ăn ngoan nên dùng các thiết bị điện tử như ti vi, ipad, điện thoại, đồ chơi,…Điều này sẽ khiến trẻ không hoàn toàn tập trung vào bữa ăn, không cảm nhận được mùi vị cũng như các cảm giác của bản thân. Nguy hiểm hơn, việc làm này sẽ gây ra thói quen xấu cho trẻ, nếu không có những thiết bị này, trẻ sẽ ăn kém hơn hoặc từ chối ăn. Vì vậy, mỗi bữa ăn chỉ nên kéo dài tối đa là 30 phút.

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

 Hải Yến – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY