Tại sao trẻ em nên uống sữa? Và loại sữa nào là tốt nhất cho trẻ?

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Sữa đóng một vai trò quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của trẻ, từ trẻ sơ sinh bú sữa mẹ cho đến trẻ ở độ tuổi mới biết đi hay một thiếu niên. Sữa bò cung cấp nhiều loại vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Các loại sữa

Hầu hết mọi người đều nghĩ đến sữa bò khi họ nghe thấy từ “sữa”, nhưng hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại “sữa” khác nhau và giá trị dinh dưỡng cũng khác nhau ở mỗi loại. 

Các loại “sữa” mà trẻ có thể uống bao gồm:

  • Sữa bò (bao gồm sữa nguyên kem, sữa ít béo loại 1-2%, sữa tách béo, sữa hữu cơ, sữa đặc, sữa bổ sung hương vị như sữa sô cô la)

  • Các sản phẩm sữa hạt (như sữa gạo, sữa hạnh nhân, sữa đậu nành, sữa dừa, sữa hạt điều và sữa yến mạch)

  • Sữa dê

Thành phần dinh dưỡng của sữa

Sữa bò tự nhiên có chứa protein, canxi, kali và vitamin B12. Sữa bò thường được bổ sung vitamin D (thành phần vitamin D được thêm vào sữa bò trong quá trình chế biến) và các loại sữa bò tách béo, ít béo hoặc không béo thường được bổ sung Vitamin A. .

Đây đều là những dưỡng chất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, do vậy, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyên nghị trẻ nhỏ nên uống 2 cốc sữa mỗi ngày và trẻ lớn hơn nên uống 3 cốc. Nếu trẻ không thích sữa tươi, hay không dung nạp đường lactose, hoặc sống trong một gia đình ăn chay thì trẻ vẫn có thể nhận được các chất dinh dưỡng có trong sữa bò qua các loại thực phẩm khác.

Trẻ em vẫn có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày mà không cần sữa thông qua một chế độ ăn uống khoa học bao gồm các thực phẩm khác giàu protein, canxi, kali, các vitamin A và D. Các chế phẩm từ sữa bò như sữa chua, nấm sữa kefir và phô mai, cũng là một lựa chọn để đưa các chất dinh dưỡng từ sữa vào chế độ ăn của trẻ ngay cả khi trẻ không thích sữa tươi.

Sản phẩm sữa thay thế sữa bò

Nếu con bạn thích các loại sữa không chứa lactose, như sữa hạnh nhân hoặc sữa gạo, hãy chọn loại được bổ sung canxi và vitamin D. Bạn cũng cần cung cấp đầy đủ các loại thực phẩm khác giàu protein và dinh dưỡng khác cho trẻ vì các sản phẩm thay thế sữa thường rất ít protein, hoặc các vi chất như vitamin A, kali và vitamin B12.

Khuyến nghị về sữa cho trẻ em

Sữa bò tươi hoặc các chế phẩm từ sữa bò hầu hết đều có lợi cho trẻ từ 12 tháng trở lên (nếu trẻ không bị dị ứng sữa). Hãy nhớ rằng trẻ ở độ tuổi tập đi vẫn đang bú sữa mẹ 2-3 lần một ngày hoặc vẫn đang uống sữa công thức không nhất thiết phải uống sữa bò. Tuy nhiên, trẻ có thể cần thêm vitamin D nếu đang bú mẹ và được bổ sung  vitamin D từ một nguồn khác.

Nhu cầu về sữa của trẻ: 

  • 1 đến 2 tuổi : 2 cốc sữa mỗi ngày

  • 3 tuổi trở lên : 3 cốc sữa mỗi ngày

Tất nhiên, nếu con bạn không uống sữa, bạn có thể thay thế bằng các chế phẩm khác từ sữa, như phô mai và sữa chua hoặc các thực phẩm khác chứa nhiều canxi và vitamin D. Tuy  nhiên bạn nên lưu ý không phải tất cả các loại sữa chua đều được bổ sung vitamin D và hầu hết các loại phô mai thường có lượng vitamin D thấp.

Ngay cả với trẻ trên 12 tháng tuổi có đang uống sữa thì trẻ vẫn cần ăn một số thực phẩm khác giàu canxi và vitamin D để đạt mức khuyến nghị là 600 IU/ngày

Nếu chỉ dựa vào việc cho trẻ uống sữa để bổ sung canxi thì đó không phải một lựa chọn lý tưởng. Uống >3 cốc sữa/ngày có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ cũng như làm mất cân bằng dinh dưỡng. 

Dị ứng sữa và không dung nạp lactose

Nếu con bạn bị dị ứng sữa, thì không nên cho trẻ uống sữa hoặc tiêu thụ các sản phẩm làm từ sữa. Các triệu chứng dị ứng sữa có thể bao gồm từ nổi mề đay đến các triệu chứng nghiêm trọng hơn, như khó thở, thở khò khè, nôn mửa, tiêu chảy hoặc thậm chí là sốc phản vệ. 

Do vậy, trẻ bị dị ứng sữa nên tuyệt đối tránh tất cả các loại sữa và các sản phẩm từ sữa bò. Thay vào đó hãy chuyển sang các nguồn thực phẩm khác để cung cấp đủ canxi và vitamin D cho chế độ ăn uống của trẻ. Ở một số trẻ thì tình trạng dị ứng sữa có thể cải thiện theo thời gian và dần không còn dị ứng sữa. 

Phổ biến hơn dị ứng sữa là tình trạng không dung nạp đường lactose. Trường hợp này trẻ có thể dung nạp một số sản phẩm sữa, nhưng cso thể bị đầy hơi, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn nếu ăn quá nhiều sữa hoặc các sản phẩm chứa đường lactose (lactose có trong sữa động vật). 

Không giống như trong trường hợp dị ứng sữa (trẻ phản ứng với protein trong sữa cho dù chỉ là một lượng rất nhỏ), trẻ không dung nạp đường lactose không có đủ enzyme cần thiết để tiêu hóa đường sữa.

Trẻ không dung nạp đường lactose thường có thể dung nạp và tiêu thụ một số sản phẩm sữa tuy nhiên số lượng phụ thuộc vào từng trẻ. Ví dụ, một đứa trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng không dung nạp nếu chúng uống một ly sữa, ăn pizza phô mai hoặc kem, v.v., nhưng chúng có thể ổn nếu chỉ uống một ít  sữa với ngũ cốc.

Sữa chua thường có ít đường lactose, vì quá trình lên men làm giảm lượng đường này. Phô mai được ủ lâu là những loại phô mai gần như không có đường lactose. Ngoài ra còn có các sản phẩm từ sữa bổ sung enzyme lactase có thể thủy phân được đường lactose, vì vậy những sản phẩm này không chứa đường lactose.

Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM

Theo VerywellFamily

 


| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY