Những hiểu lầm về dinh dưỡng quanh bệnh tiểu đường typ 1

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Rõ ràng, những người bị tiểu đường typ 1 nên thận trọng về những gì họ ăn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ không thể ăn đa dạng các loại thực phẩm. Có rất nhiều những lời đồn thổi quanh chế độ ăn dành cho người tiểu đường typ 1. Dưới đây là những hiểu lầm thường gặp nhất.

1/ Bạn không bao giờ được phép ăn tinh bột/carbohydrate.

Sự thật: Không chỉ có tinh bột, mà ăn quá nhiều bất cứ loại thực phẩm nào cũng có thể gây hại cho sức khoẻ. Việc bạn bị tiểu đường typ 1 không có nghĩa là bạn không thể ăn tinh bột. Việc bạn phải sử dụng insulin ngoại sinh để giúp bạn chuyển hoá tinh bột trong chế độ ăn không có nghĩa là bạn phải kiêng tinh bột hoàn toàn.

Người bệnh tiểu đường typ 1 có thể kiểm soát tốt lượng đường huyết cho dù họ có sử dụng tinh bột trong chế độ ăn hay không. Bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn có ăn tinh bột hay không. Nếu bạn lựa chọn việc kiêng ăn tinh bột hoàn toàn, bạn có thể sẽ bị thiếu một số chất dinh dưỡng. Ngoài ra, bạn cũng có thể sẽ gặp phải các vấn đề về tiêu hoá như táo bón hoặc trào ngược nếu kiêng hoàn toàn tinh bột.

Với đa số mọi người, một chế độ dinh dưỡng cân bằng, sử dụng lượng tinh bột vừa phải sẽ giúp họ đạt được mục tiêu duy trì đường huyết và kiểm soát được đường huyết tốt hơn là kiêng hoàn toàn.

2/Bạn bắt buộc phải ăn tinh bột nếu bị hạ đường huyết.

Sự thật: Tinh bột và chất béo không nên được sử dụng để làm tăng đường huyết trở lại. Đặc biệt là với những người bị hạ đường huyết nhanh, thì ăn gì cũng được, miễn là loại thực phẩm đó phải được hấp thu nhanh.

Tinh bột trong thực phẩm mất từ 15-20 phút để đi đến ruột non. Ngoài ra, nếu ăn tinh bột kèm với chất béo, chất xơ và protein sẽ càng làm chậm quá trình này và sẽ khiến đường lâu đi vào máu hơn, và do đó, thời gian để đường huyết troẻ về ngưỡng bình thường sẽ lâu hơn.

Theo một số chuyên gia, đường đơn là lựa chọn vàng trong điều trị hạ đường huyết. Một số ví dụ về đường đơn bao gồm nước ép trái cây, mật ong và sữa tách béo. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng, lượng carbohydrate cần thiết để đưa đường huyết trở về ngưỡng bình thường ở mỗi người là khác nhau. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng hạ đường huyết sẽ là yếu tố quyết định bạn cần phải bổ sung bao nhiêu glucose/fructose 

để đưa đường huyết trở về bình thường.

3/ Cần phải thực hiện chế độ ăn không gluten trong bệnh tiểu đường typ 1?

Sự thật: Đa số các sản phẩm không gluten đều đậm độ năng lượng cao, nhiều đường và chất béo. Các loại thực phẩm tươi sống khác đều là lựa chon tốt hơn.

Việc thực phẩm có chứa gluten hay không sẽ không quyết định các lợi ích về sức khoẻ mà thực phẩm đó mang lại. Các loại thực phẩm không gluten nhưng đã trải qua quá trình chế biến như bánh mì, bánh ngọt hoặc bánh quy thường sẽ có năng lượng cao, nhiều đường và ít chất xơ hơn một số loại thực phẩm khác có chứa gluten. Vì chất xơ làm chậm quá trình tăng đường huyết nên nếu bạn sử dụng các sản phẩm không gluten nhưng lại ít chất xơ thì việc kiểm soát đường huyết có thể sẽ trở nên khó khăn hơn. Thực phẩm không gluten lý tưởng cho người bệnh tiểu đường typ 1 là các loại rau, trái cây giàu chất xơ và các loại thực phẩm cung cấp tinh bột chưa qua chế biến.

Có một số người buộc phải tránh ăn gluten vì các tình trạng bệnh lý khác ví dụ như bệnh celiac. Người bị tiểu đường typ 1 thường sẽ có tỷ lệ mắc bệnh celiac (một bệnh tự miễn) cao hơn so với những người bình thường.

4/ Thực hiện chế độ ăn rất ít tinh bột hoặc chế độ keto nghĩa là bạn sẽ không bao giờ bị tăng đường huyết sau ăn?

Sự thật: Tinh bột không phải là chất dinh dưỡng duy nhất bị giáng hoá thành glucose. Không có cách nào loại bỏ được hoàn toàn tình trạng tăng đường huyết sau ăn cả, mặc dù việc hạn chế carb đặc biệt là đường đơn có thể giúp ích trong việc làm giảm tình trạng này. Nhưng kể cả một bữa ăn giàu protein cũng có thể dẫn đến việc tăng đường huyết sau ăn.

Rất nhiều người mắc tiểu đường typ 1 bị tăng đường huyết sau một bữa ăn giàu protein, đặc biệt là nếu bữa ăn đó chứa ít tinh bột. Thông thường, 50-60% protein sẽ được chuyển hoá thành glucose. Cả chất béo và protein đều có thể làm tăng đường huyết, nhưng tác dụng của chúng sẽ lâu hơn vì gan cần thời gian để chuyển hoá các chất này thành glucose. Như vậy có nghĩa là một bữa ăn ít tinh bột và chỉ chứa chất béo/protein sẽ không gây tăng đường huyết ngay lập tức, nhưng bạn có thể sẽ bị tăng đường huyết trong khoảng từ 4-6 tiếng sau bữa ăn.

5/ Sử dụng thực phẩm chức năng và ăn các loại siêu thực phẩm sẽ giúp bảo vệ bạn khỏi các loại bệnh tật?

Sự thật: Vitamin và khoáng chất rất tốt cho bạn, nhưng chúng không giúp bạn tránh khỏi mọi loại bệnh tật.

Ngoài ra, bạn có thể sẽ bị quá liều vitamin đặc biệt là các loại vitamin tan trong dầu như vitamin A, vitamin D và vitamin E. Các loại siêu thực phẩm như rau có lá xanh, các loại quả họ dâu, trứng và curcumin (nghệ) và gừng cũng rất nổi tiếng với các tác dụng chống viêm và chống oxy hoá. Tuy nhiên, sử dụng những loại thực phẩm này với hàm lượng bao nhiêu để thu được lợi ích lại là vấn đề cần được xem xét.

Cũng có rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh của bạn, bao gồm các vấn đề liên quan đến giấc ngủ, kiểm soát căng thẳng…

Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM

Theo Healthline



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY