“Sữa mát” có thật sự tốt cho hệ tiêu hóa?

20/04/2024 -  Kiến thức dinh dưỡng

Sữa là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ trong những năm tháng đầu đời. Vì vậy, chất lượng sữa ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển của trẻ.

SỮA MÁT

Gần đây, khái niệm “sữa mát” được truyền tai nhau trong cộng đồng các bà mẹ đang nuôi con nhỏ, với nhận thức chung rằng sữa mát là sữa có vị nhạt, dễ tiêu hóa, giúp ngăn ngừa táo bón và hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh, từ đó thúc đẩy quá trình tăng trưởng của trẻ. Tuy nhiên, không có khái niệm khoa học nào cho “sữa mát”, thông thường, các bà mẹ tin rằng sữa công thức mát là sữa có vị nhạt, dễ hấp thu, tiêu hóa tốt và giúp trẻ tăng cân tốt.

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa là hơn 47% trong tổng số trẻ tới tư vấn và khám bệnh tại đây. Còn thống kê tại Bệnh viện Nhi Trung Ương Hà Nội, tỷ lệ này lên tới 59% ở trẻ dưới 12 tháng tuổi và 40% ở trẻ từ 1 – 2 tuổi. Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ em rất đa dạng, cụ thể có các nguyên nhân chính như do sức đề kháng của trẻ còn yếu, do khẩu phần ăn không hợp lý, do thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, do dùng thuốc kháng sinh, do các bệnh lý của cơ thể như viêm đại tràng, viêm dạ dày, viêm ruột… Để cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa và chậm tăng cân ở trẻ, nhiều bà mẹ đã tìm đến các sản phẩm sữa công thức được gắn mác là “sữa mát” giúp con tiêu hóa tốt, tăng cân khỏe mạnh.

Tuy nhiên, không có loại sữa công thức nào là “sữa mát” hay “sữa nóng”. Khi lựa chọn sữa công thức cho con, các mẹ nên chọn sữa từ những công ty sữa bột lớn và uy tín, có chất lượng sản phẩm đã được kiểm định bởi cơ quan nhà nước. Không sử dụng những loại sữa bột kém phổ biến, có thương hiệu và nguồn gốc không rõ ràng.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần lựa chọn sữa theo đúng lứa tuổi của con. Để chọn được loại sữa công thức phù hợp, cha mẹ cần nắm rõ nhu cầu và đặc điểm thể trạng của con mình. Sau đó, dựa vào bảng thành phần có trên bao bì lon sữa, cha mẹ có thể biết loại sữa nào là phù hợp nhất và có thể mang lại những công dụng như ba mẹ mong muốn.

Các dưỡng chất thiết yếu thường được liệt kê trong danh mục thành phần bao gồm: chất béo, protein, carbohydrate, các vitamin và khoáng chất,… Ngoài ra, nhiều sản phẩm còn bổ sung cho trẻ một số dưỡng chất đặc biệt khác chẳng hạn như DHA, FOS, Choline… Dưới đây là những dưỡng chất thường thấy trong bảng thành phần sữa công thức cho trẻ và công dụng cụ thể của chúng:

  • Vitamin A, C, E, Kẽm, Selen và các loại vitamin B: hỗ trợ hệ miễn dịch khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng.
  • Kẽm, Magie, Vitamin A và Photpho: giúp chuyển hóa các chất trong cơ thể, từ đó bé có thể phát triển tốt cả về chiều cao lẫn cân nặng.
  • Canxi, vitamin D: giúp hệ xương và răng của bé phát triển chắc khỏe, đồng thời hỗ trợ tăng chiều cao.
  • Prebiotics (FOS): cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cho bé tiêu hóa khỏe và giảm nguy cơ bị táo bón.
  • DHA, ARA: giúp cải thiện tế bào thần kinh và phát triển võng mạc, cho đôi mắt sáng khỏe.
  • Choline, Taurine: hỗ trợ bé phát triển khả năng nhận thức và tăng cường trí nhớ.

Thêm vào đó, cần kiểm tra kỹ càng hạn sử dụng của sữa, pha sữa theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, không dùng sữa để quá một giờ đồng hồ, bình và núm cần được rửa sạch sẽ trước và sau khi sử dụng.

Đọc thêm tại bài viết: Nên dùng sữa non hay sữa công thức, khác nhau như thế nào?

Để dự phòng rối loạn tiêu hóa, bảo vệ sức khỏe đường ruột của trẻ em, ngoài những lưu ý về sữa công thức nói trên, các mẹ cần áp dụng theo những khuyến cáo sau:

  • Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu: trong thời gian này các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ và giúp trẻ nâng cao hệ miễn dịch, từ tháng thứ 6 trở đi mới cần cho trẻ ăn dặm, không nên ăn dặm quá sớm và không nên dùng sữa công thức để thay thế cho sữa mẹ. Về nguyên tắc, khi tập ăn thì cần cho trẻ ăn từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều. Tránh thực phẩm thô, việc dung nạp thức ăn thô sớm khiến hệ tiêu hóa của bé còn non nớt dễ tổn thương và rối loạn.
  • Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, cân đối theo lứa tuổi: bữa ăn cần cân đối 4 nhóm thức ăn bao gồm: nhóm chất bột đường (gạo, ngô, khoai, sắn,.. ), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua và các loại đậu), nhóm chất béo (mỡ động vật và dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả…).
  • Đảm bảo ăn chín, uống sôi: thực phẩm tươi sạch, rõ nguồn gốc. Không ăn thức ăn không biết rõ nguồn gốc, thức ăn để trong tủ lạnh quá lâu hay những thức ăn đường phố không rõ xuất xứ, thức ăn nhanh, hạn chế đồ ăn chiên, cay,…

Tóm lại, khái niệm “sữa mát” không có cơ sở khoa học rõ ràng, mà chỉ là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong cộng đồng các bà mẹ dựa trên nhận thức chủ quan về sản phẩm sữa công thức dễ tiêu hóa. Thực tế, không có loại sữa công thức nào được gắn mác là “sữa mát” hay “sữa nóng”. Khi lựa chọn sữa công thức, các bà mẹ nên ưu tiên những sản phẩm từ các công ty sữa lớn, uy tín và đảm bảo chất lượng, kiểm tra kỹ hạn sử dụng và tuân thủ đúng hướng dẫn pha chế.

Ngoài việc lựa chọn sữa công thức phù hợp, để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa và đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho trẻ, các bà mẹ cần cho con bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, khi trẻ ăn dặm cần cung cấp chế độ ăn đầy đủ, cân đối các nhóm chất dinh dưỡng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sự phát triển khỏe mạnh của trẻ là mối quan tâm hàng đầu, vì vậy các bà mẹ cần tìm hiểu kỹ thông tin từ các nguồn tin cậy để đưa ra quyết định lựa chọn thức ăn và chăm sóc nuôi dưỡng con một cách khoa học và phù hợp nhất.

Đọc thêm tại bài viết: Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa công thức có bị còi xương không?

Tháng 4 này, Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM – Viện Y học ứng dụng Việt Nam hân hoan chào mừng sinh nhật lần thứ 6 với vô vàn ưu đãi và quà tặng khi khám dinh dưỡng. Chương trình ưu đãi áp dụng từ ngày 01/04/2024 đến hết ngày 30/04/2024. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Hà Linh – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY