Ngủ đủ giấc và những lợi ích đối với việc giảm cân

16/04/2024 -  Kiến thức dinh dưỡng

Giấc ngủ và cân nặng là hai yếu tố rất quan trọng có liên quan đến sức khỏe tổng thể. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, một giấc ngủ chất lượng có thể giúp việc giảm cân trở nên dễ dàng hơn. Và ngược lại, tình trạng thiếu ngủ có thể dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe, trong đó có những ảnh hưởng tiêu cực đến cân nặng và chỉ số BMI. Bài viết dưới đây sẽ đề cập tới mối quan hệ giữa cân nặng – giấc ngủ và cách một giấc ngủ chất lượng tác động đến quá trình giảm cân.

Ngủ đủ giấc đem tới những lợi ích gì đối với việc giảm cân?

Ngủ đủ giấc là yếu tố cần thiết để duy trì hoạt động thể chất, tinh thần và cảm xúc lành mạnh. Ngủ 7-9 tiếng mỗi đêm được coi là khoảng thời gian hợp lý đối với người lớn từ 18-60 tuổi và 7,5 tiếng là mức trung bình.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ở những người thiếu ngủ sẽ thường xuyên xảy ra tình trạng thèm ăn và từ đó, nạp vào cơ thể lượng calo lớn hơn. Ngoài ra, nguy cơ béo phì sẽ tăng 41% cùng với sự tích tụ mỡ bụng và tăng chỉ số vòng eo ở những người ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm. Do đó, ngủ đủ giấc có thể giúp dễ dàng kiểm soát tình trạng tăng cân và lượng calo nạp vào cơ thể mỗi ngày.

Đi ngủ sớm hơn cũng hạn chế tạo ra những cơ hội để ăn một bữa nhẹ vào ban đêm. Trong khi đó, ăn khuya có liên quan trực tiếp đến việc tăng cân, chỉ số BMI cũng như giảm oxy hóa chất béo (phân hủy tế bào mỡ thành năng lượng) – nguyên nhân dẫn đến việc giảm cân trở nên khó khăn.

Đồng thời, giấc ngủ luôn được coi là liều thuốc phục hồi của não. Khi ngủ đủ giấc, não bộ sẽ trở nên minh mẫn, sáng suốt và đưa ra các quyết định hợp lý, giúp việc lựa chọn thực phẩm trở nên lành mạnh hơn.

Đọc thêm tại bài viết: Những lợi ích của việc ngủ đủ giấc

Vậy, giấc ngủ ảnh hưởng tới quá trình giảm cân như thế nào?

Cảm giác no – đói được điều hòa bởi 2 loại hormone chính là Ghrelin và Leptin. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng giấc ngủ có tác động mạnh mẽ đến quá trình tuần hoàn của 2 loại hormone này. Cụ thể, thiếu ngủ liên quan đến sự gia tăng hormone Ghrelin, kích thích cơn đói và giảm hormone Leptin, báo hiệu cảm giác no.

Ngoài ra, nồng độ cortisol cũng tăng lên trong khi độ nhạy về glucose và insulin giảm. Nhìn chung, khi không ngủ đủ giấc, sự điều hòa các hormone này bị rối loạn, kết quả là tăng lượng thức ăn nạp vào cơ thể để giải tỏa cảm xúc căng thẳng cũng như sự mệt mỏi.

Ngoài cơ chế điều chỉnh sự thèm ăn, giấc ngủ kém chất lượng còn làm hạn chế khả năng thành công của việc giảm cân bằng cách tăng cảm giác thèm những thực phẩm giàu calo hoặc carbohydrate lên 33%.

Đặc biệt, khi thực hiện các chế độ ăn kiêng, nếu không kết hợp với việc ngủ đủ giấc, hiệu quả giảm cân sẽ giảm bởi giảm tốc độ trao đổi chất và tăng chỉ số hô hấp – yếu tố dự báo của quá trình oxy hóa carbohydrate thay vì chất béo.

Đọc thêm tại bài viết: Bạn “đốt” được bao nhiêu calorie trong khi ngủ?

Một nghiên cứu cắt ngang cũng chỉ ra mối quan hệ giữa giấc ngủ và chế độ ăn thông qua việc lựa chọn thực phẩm. Những đối tượng không ngủ đủ giấc sẽ có xu hướng thích ăn đồ ăn vặt nhiều hơn cùng với các món ăn nhẹ chứa hàm lượng carbohydrate và chất béo lớn, trong khoảng thời gian từ 7 giờ tối tới 7 giờ sáng. Qua đó, năng lượng nạp vào tổng thể sẽ lớn hơn và tốc độ giảm cân sẽ chậm đi.

Bài viết này cho thấy tầm quan trọng của một giấc ngủ chất lượng đối với những nỗ lực của việc giảm cân. Vì vậy, để giảm cân trở nên dễ dàng hơn, ngoài việc thực hiện một chế độ ăn lành mạnh, những thay đổi về lối sống cũng rất quan trọng, trong đó, việc có một giấc ngủ chất lượng là không thể thiếu. 

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Hải Yến– Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY