Hàng ngày Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM gặp rất nhiều các câu hỏi thắc mắc hoặc đề nghị giải đáp về vấn đề ăn uống với bệnh ung thư. Bài viết này sẽ tổng hợp một số câu hỏi thường gặp và giải đáp từ chuyên gia dinh dưỡng PGs.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh, hy vọng giúp bạn đọc hiểu rõ hơn mối liên quan giữa dinh dưỡng và ung thư.
Contents
1-Acrylamide là gì, chúng liên quan gì với ung thư ?
Acrylamide là một loại hóa chất được sử dụng trong một số quy trình công nghiệp. Chúng cũng được tìm thấy trong một số loại thực phẩm và khói thuốc lá. Acrylamide trong thực phẩm được hình thành khi axit amin asparagine trong thực phẩm phản ứng với một số loại đường khi ở nhiệt độ cao. Nguồn “cung cấp” acrylamide trong chế độ ăn uống của chúng ta chủ yếu là khoai tây chiên, khoai tây lát, bánh quy giòn, bánh mì, bánh quy, ngũ cốc ăn sáng, ô liu đen đóng hộp, nước ép mận và cà phê.
Acrylamide được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) phân loại là “chất có khả năng gây ung thư”, chủ yếu dựa trên các thí nghiệm trên động vật. Tuy nhiên, một số lượng lớn các nghiên cứu trên người không tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ nào cho thấy acrylamide trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư.
Đọc thêm: Acrylamide trong thực phẩm và nguy cơ ung thư | VIAM (vienyhocungdung.vn)
2- Chất chống oxy hóa/Antioxidants giảm nguy cơ ung thư?
Quá trình sống và phát triển, có nhiều tác nhân có hại đến từ môi trường bên ngoài, cũng như được sinh ra trong quá trình chuyển hóa, gây tổn thương đến tế bào và mô của cơ thể. Trong khi có một số chất dinh dưỡng và hợp chất khác lại có tác dụng bảo vệ chống lại tác nhân gây hại trên, giúp bảo vệ và sửa chữa các tổn thương của tế bào. Những chất gây tổn thương tế bào làm tăng nguy cơ ung thư, chất chống oxy hóa thì lại được cho là có tác dụng bảo vệ và chống lại ung thư.
Chất chống oxy hóa trong chế độ ăn uống bao gồm vitamin C, vitamin E, carotenoids và nhiều thành phần thực phẩm khác. Rau xanh và trái cây tươi, nhiều màu sắc là nguồn giàu các chất chống oxy hóa này; ngoài ra rau quả cũng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng khác cho cơ thể.
Tuy nhiên chưa có những chứng minh lâm sàng trên người về tác dụng bổ sung chất chống oxy hóa làm giảm nguy cơ ung thư. Bởi nguyên nhân và diễn biến của ung thư rất phức tạp, kéo dài, có nhiều yếu tố tác động. Bỏi vậy, các lời khuyên sử dụng chất chống oxy hóa trong phòng chống các bệnh mạn tính và ung thư là dựa trên các cơ sở lý thuyết. Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM khuyến nghị bạn có thể bổ sung chất chống oxy hóa thông qua nguồn thực phẩm tự nhiên thay vì thuốc, thực phẩm bổ sung.
3- Asen có phải là nguyên nhân gây ung thư?
Asen được xếp vào nhóm chất gây ung thư cho con người, ung thư phổi, bàng quang và da. Asen là một nguyên tố tự nhiên có trong đá và đất, nước, không khí, thực vật và động vật, cũng như trong các hợp chất công nghiệp và nông nghiệp.
Asen có hai dạng:
- Dạng vô cơ: sử dụng trong công nghiệp và trong các sản phẩm xây dựng, trong nước bị ô nhiễm asen. Đây là những dạng asen độc hại hơn và có liên quan đến ung thư.
- Dạng hữu cơ: được cho là ít độc hơn so với asen vô cơ và được cho là không có liên quan đến ung thư.
Các nguồn tiếp xúc chủ yếu với asen là thực phẩm và nước. Một số quốc gia, khu vực trên thế giới bị nhiễm hàm lượng asen cao trong nước, Việt Nam cũng có một số khu vực có hàm lượng asen cao hơn mức cho phép trong nước uống, nước sông ngòi. Thậm chí một số loại cá sống ở tầng nước đáy hay cua, ốc, thậm chí trong gạo sản xuất ở vùng nhiễm asen, trong thực phẩm đóng hộp.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu về Asen trong thực phẩm dưới góc độ khoa học | VIAM (vienyhocungdung.vn)
Một số khuyến nghị từ các chuyên gia dinh dưỡng:
- Nguồn nước máy công cộng cần kiểm tra định kỳ chỉ tiêu vệ sinh, trong đó có hàm lượng asen.
- Các gia đình sử dụng nước giếng nên kiểm tra mức độ asen tại một phòng thí nghiệm uy tín.
- Người dân miền núi sử dụng nước suối hoặc nước nguồn từ các vùng núi đá cũng nên kiểm tra hàm lượng asen trong nước.
Máy lọc nước thông thường không có hiệu quả loại bỏ asen; người dân sống ở vùng nước ô nhiễm nên sử dụng các nguồn thay thế, tránh tiêu thụ quá nhiều thực phẩm được biết là có chứa hàm lượng asen cao, bao gồm hải sản, gạo và các chế phẩm, nước ép trái cây.
4- Cà phê có ảnh hưởng tới ung thư không?
Cà phê có làm giảm hay làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư khác nhau hay không vẫn là một vấn đề đang nghiên cứu. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng cà phê có thể làm giảm nguy cơ ung thư gan và nội mạc tử cung, mặc dù mối liên hệ với ung thư nội mạc tử cung có thể bị nhầm lẫn với hút thuốc. Một số bằng chứng cho thấy cà phê làm giảm nguy cơ ung thư miệng, họng và thanh quản, cũng như ung thư tế bào đáy của da ở cả nam và nữ.
Một số nghiên cứu lại cho rằng việc tiêu thụ đồ uống rất nóng, chẳng hạn như cà phê và/hoặc trà, có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Do đó, có thể tránh uống cà phê và các loại đồ uống khác ở nhiệt độ rất cao.
Cà phê rang chứa hàng trăm hợp chất có hoạt tính sinh học, bao gồm caffeine, flavonoid, lignan và các polyphenol khác. Những hợp chất này và các hợp chất khác đã được chứng minh là làm tăng mức tiêu hao năng lượng, bảo vệ chống lại tổn thương tế bào, điều chỉnh quá trình sửa chữa DNA, có đặc tính chống viêm và ức chế di căn ung thư. Cà phê cũng ảnh hưởng đến thời gian thức ăn ở trong ruột, chuyển hóa chất gây ung thư ở gan, góp phần làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư tiêu hóa.
5- Thực phẩm biến đổi gen có gây ung thư ?
Cây trồng biến đổi gen được tạo ra bằng cách thêm gen từ các loại cây trồng hoặc sinh vật khác để tăng khả năng chống lại sâu bệnh của cây, làm chậm quá trình hư hỏng hoặc cải thiện khả năng vận chuyển, hương vị, thành phần dinh dưỡng hoặc các phẩm chất mong muốn khác. Nhiều loại thực phẩm biến đổi gen được sử dụng rộng rãi trên nhiều nước từ những năm 1990, bao gồm châu Mỹ, châu Á, trong đó có Việt Nam. Nổi bật là đậu tương, hạt có dầu, chiếm trên 70% các loại thực phẩm chế biến tại các siêu thị Hoa Kỳ—bao gồm pizza, khoai tây chiên, bánh quy, kem, nước sốt trộn salad, xi-rô ngô và bột nở – có chứa các thành phần từ đậu nành, ngô hoặc cây cải dầu biến đổi gen.
Nhiều nước châu Âu chưa chấp nhận sử dụng thực phẩm biến đổi gen, với lý do chúng có thể tác động tiềm ẩn có hại cho cơ thể. Do vậy các nước quy định nhãn sản phẩm phải ghi rõ loại thực phẩm có chứa thành phần biến đổi gen.
Đọc thêm: Thực phẩm biến đổi gen: lợi ích và nguy cơ | VIAM (vienyhocungdung.vn)
Về lý thuyết, những gen bổ sung này có thể tạo ra các chất có thể gây ra phản ứng ở những người nhạy cảm hoặc bị dị ứng, hoặc dẫn đến nồng độ hợp chất cao có thể gây ra các tác động đến sức khỏe. Tuy nhiên, hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy thực phẩm hiện có trên thị trường có chứa thành phần biến đổi gen gây hại cho sức khỏe con người hoặc làm tăng hoặc giảm nguy cơ ung thư. Do vậy Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều Hiệp hội khoa học quốc tế đều cho rằng các bằng chứng hiện tại cho thấy thực phẩm có chứa thành phần biến đổi gen là an toàn.
Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM