AST là một loại enzyme có nhiều ở các tế bào gan và thận, một lượng nhỏ khác tồn tại ở cơ tim và cơ bắp. Khi chỉ số AST cao sẽ báo hiệu tổn thương tế bào gan và có thể là các cơ quan khác như thận, hay cơ tim.
Contents
- 1 Xét nghiệm AST là gì?
- 2 Khi nào cần xét nghiệm AST?
- 3 Quy trình lấy mẫu và những lưu ý khi làm xét nghiệm AST
- 4 Đánh giá về kết quả xét nghiệm
- 5 Một số nguyên nhân làm chỉ số xét nghiệm AST tăng?
- 6 – Một số nguyên nhân khiến chỉ số AST tăng cao hơn mức bình thường: viêm gan mãn tính, xơ gan, tắc đường mật, ung thư gan…
- 7 Nên làm gì khi kết quả xét nghiệm cho chỉ số AST cao?
Xét nghiệm AST là gì?
AST là aspartate aminotransferase (còn có tên gọi khác là SGOT, là viết tắt của glutamic – oxaloacetic transaminase), là một loại enzyme có nhiều ở các tế bào gan và thận, một lượng nhỏ khác tồn tại ở cơ tim và cơ bắp. Khi chỉ số AST tăng cao báo hiệu tổn thương tế bào gan và có thể là các cơ quan khác như thận hay cơ tim.
Gan đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất mật để hỗ trợ cơ thể phân hủy thức ăn, loại bỏ các chất độc hại khỏi máu và sản xuất các loại protein giúp máu đông. AST là một loại men được sản xuất chính bởi gan và lượng AST trong máu thường thấp. Khi gan xuất hiện tổn thương, lượng AST trong máu tăng. Do đó, xét nghiệm AST là một trong những xét nghiệm quan trọng giúp đánh giá chức năng gan, phát hiện các tổn thương hoặc bệnh lý tại gan. Ngoài ra, xét nghiệm AST còn giúp theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhân trong quá trình điều trị các bệnh về gan để sớm có điều chỉnh phù hợp.
Khi nào cần xét nghiệm AST?
Khi cơ thể có xuất hiện một số biểu hiện các triệu chứng biểu hiện của rối loạn chức năng gan thì cần thực hiện xét nghiệm AST để kiểm tra, đánh giá tình trạng tổn thương. Một số biểu hiện như:
– Buồn nôn, nôn.
– Bụng đau hoặc sưng, có biểu hiện đau vùng hạ sườn phải.
– Xuất hiện vàng da lòng bàn tay, móng tay, vàng mắt,…
– Cơ thể mệt mỏi, sức khỏe yếu.
– Chán ăn, ăn không ngon miệng,…
– Da nổi mẩn ngứa.
– Phân có màu nhạt, nước tiểu đậm màu.
Dấu hiệu vàng mắt
Bên cạnh đó, xét nghiệm AST cũng được thực hiện cùng các xét nghiệm khác để đánh giá tình trạng sức khỏe trong một số trường hợp có nguy cơ mắc các bệnh về gan như:
– Người thừa cân, béo phì.
– Người mắc bệnh tiểu đường, các bệnh lý về tim mạch.
– Gia đình có tiền sử mắc các bệnh lý về gan.
– Người nghiện bia rượu nặng, thường xuyên sử dụng nhiều bia rượu.
– Những người mắc bệnh viêm gan do virus.
Quy trình lấy mẫu và những lưu ý khi làm xét nghiệm AST
Bệnh nhân được lấy máu tĩnh mạch cho vào ống nghiệm chuyên dụng và đem đi phân tích.
Một số lưu ý khi làm xét nghiệm:
– Bạn không cần phải nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm nhưng nên nhịn ăn sáng để có thể làm thêm một số xét nghiệm khác liên quan để không bị ảnh hưởng.
– Nên ngừng sử dụng rượu bia và các loại thuốc (thuốc kháng sinh, bổ gan..) trước khi đi xét nghiệm khoảng vài ngày.
– Kết quả xét nghiệm có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: mẫu xét nghiệm bị vỡ hồng cầu, huyết thanh đục, người bệnh sử dụng một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai,…
Đánh giá về kết quả xét nghiệm
Giá trị bình thường:
– Sơ sinh và trẻ em: < 55 U/L
– Người lớn: < 40 U/L
Một số nguyên nhân làm chỉ số xét nghiệm AST tăng?
– Một số nguyên nhân khiến chỉ số AST tăng cao hơn mức bình thường: viêm gan mãn tính, xơ gan, tắc đường mật, ung thư gan…
– Một số nguyên nhân khiến chỉ số AST tăng rất cao: viêm gan siêu vi cấp tính, hoại tử tế bào gan, xơ gan, gan ứ mật, tổn thương gan do tác hại của thuốc hoặc các chất độc khác, tắc nghẽn lưu lượng máu đến gan…
– Một số nguyên nhân khác không liên quan đến bệnh lý gan có thể làm tăng chỉ số AST: đau tim, vận động mạnh, chấn thương cơ xương, loạn dưỡn cơ tiến triển, viêm da cơ, mang thai, viêm tụy cấp tính, co giật, phẫu thuận, tắc mạch phổi, bệnh huyết tán…
– Hoạt độ AST tăng nhẹ hoặc có thể gặp sau dùng thuốc như penicillin, salicylat hay thuốc phiện.
Ngoài ra, một số loại thuốc có thể cho kết quả “Dương tính giả” cho xét nghiệm AST như: Thuốc chữa DKA (diabetic ketoacidosis), một số loại kháng sinh (erythromycin estolate hoặc Paser).
Nên làm gì khi kết quả xét nghiệm cho chỉ số AST cao?
Xét nghiệm AST là một trong những chỉ số giúp đánh giá tình trạng tổn thương gan. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào chỉ số này thì không thể đánh giá chính xác. Khi xét nghiệm AST cho kết quả tăng bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm một số xét nghiệm và phương pháp chuẩn đoán liên quan để đưa ra kết luận chính xác những bệnh lý nguy hiểm tại gan, bao gồm:
– Xét nghiệm ALT (Alanine aminotransferase). Tương tự như AST, chỉ số ALT tăng cao khi gan bị tổn thương, trong một số trường hợp chỉ số ALT phản ánh chính xác tình trạng tổn thương hơn so với AST.
– Xét nghiệm GGT (Gamma glutamyl transferase).
– Xét nghiệm ALP (Alkaline phosphatase).
– Xét nghiệm Albumin, Bilirubin, tiểu cầu, thời gian prothrombin (PT),…
– Siêu âm gan
Làm thế nào để có một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh, phù hợp cho sức khỏe cả gia đình? Liên hệ ngay với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để đăng ký Khám, tư vấn Dinh dưỡng cùng các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam nhé! Đặt lịch khám nhanh và đơn giản tại Hotline: 0935183939 hoặc Fanpage Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM.
KTV. Bùi Thị Thương – Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM