Skinny fat – Gầy nhưng nhiều mỡ, bạn đã biết?

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Nhiều người có một hiểu lầm là những người nhỏ người hoặc gầy sẽ là những người có sức khoẻ tốt. Tuy nhiên, với những người thuộc tạng skinny fat- tỷ lệ mỡ cao, tỷ lệ cơ thấp, thì kể cả khi họ có chỉ số khối cơ thể bình thường thì những người này vẫn có nguy cơ mắc các vấn đề sức khoẻ sau đây:

– Kháng insulin

– Tăng cholesterol

– Tăng huyết áp

Skinny fat trông như thế nào?

Skinny fat không có một định nghĩa cụ thể và không phải là một thuật ngữ y khoa, do vậy, mọi người sử dụng thuật ngữ này theo nhiều cách khác nhau.

Ngoài việc chỉ những người có tỷ lệ cơ bắp thấp hơn so với tỷ lệ mỡ, skinny fat còn dùng để chỉ những người có thân hình đẹp nhưng không khoẻ mạnh. Những người có tạng người skinny fat còn có thể có tỷ lệ mỡ nội tạng lớn và không có quá nhiều cơ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng skinny fat

Mỗi người đều là một cá thể khác biệt. Một số người sẽ mang gen khiến họ có tỷ lệ mỡ cao hơn so với tỷ lệ cơ bắp. Ngoài yếu tố gen, thì các yếu tố khác như thói quen dinh dưỡng và luyện tập, tuổi tác, lượng hormone cũng có thể góp phần tạo ra những sự khác biệt về tạng người.

Thói quen luyện tập và ăn uống

Khi bạn luyện tập cơ thể bạn sẽ giải phóng ra các hormone kích thích việc xây dựng cơ bắp. Luyện tập cũng sẽ làm tăng khả năng nhạy cảm với insulin, từ đó giúp làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường của bạn. Thường xuyên luyện tập cũng có thể giúp bạn tránh được những sự thay đổi hormone có ảnh hưởng tiêu cực đến thành phần cơ thể và khiến bạn dễ bị tích mỡ hơn. Chế độ ăn giàu đường tinh chế cũng có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến thành phần cơ thể. Nghiên cứu năm 2019 đã chỉ ra mối liên quan tích cực giữa việc tiêu thụ quá nhiều đường và tình trạng thừa cân béo phì.

Giới tính

Bất cứ ai cũng có thể có tạng người skinny fat. Nhưng do không có chỉ số đo lường cụ thể, nên không xác định được skinny fat phổ biến hơn ở nam giới hay nữ giới.

Tuổi

Người cao tuổi cũng có nguy cơ mất cơ cao hơn và làm tăng tỷ lệ mỡ, do thay đổi hormone ở người cao tuổi sẽ khiến họ khó duy trì khối cơ hơn. Mất cơ liên quan đến tuổi cũng thường đi kèm với việc tăng tỷ lệ mỡ cơ thể.

Mất cân bằng hormone

Mất cân bằng hormone có thể góp phần làm tăng tỷ lệ mỡ và thay đổi dự trữ mỡ của cơ thể. Ví dụ, suy giảm estrogen sau khi mãn kinh sẽ dẫn đến tăng khối mỡ và tăng dự trữ mỡ nội tạng ở khoang bụng.

Ai sẽ có nguy cơ rơi vào tình trạng skinny fat?

Những người không thường xuyên luyện tập thể thao hoặc có chế độ dinh dưỡng không hợp lý sẽ bị tăng nguy cơ mắc phải các tình trạng như tiểu đường, đột quỵ và bệnh tim mạch. Thuật ngữ y khoa chỉ những người gầy nhưng có nguy cơ phát triển các bệnh lý chuyển hoá sẽ được gọi là những người béo chuyển hoá, nhưng có cân nặng bình thường (metabolically obese, normal weight).

5 yếu tố nguy cơ cho tình trạng này bao gồm:

– Tăng huyết áp

– Tăng đường máu

– Thừa mỡ ở quanh hông

– Tăng triglyceride

– Giảm HDL cholesterol

Những người bị béo phì chuyển hoá với cân nặng bình thường ở độ tuổi trên 65 sẽ làm tăng nguy cơ tử vong vì bất cứ nguyên nhân nào, bao gồm cả tử vong vì bệnh tim mạch. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có khối mỡ lớn cùng với việc có tỷ lệ mỡ thấp và sức mạnh kém cũng sẽ liên quan đến suy giảm chức năng nhận thức.

Chế độ ăn có khiến bạn bị bị skinny fat hay không?

Khi bạn thực hiện chế độ ăn nhiều đường, đường huyết của bạn sẽ tăng lên và cơ thể sẽ sản xuất ra insulin để chuyển hoá đường thành mỡ và cơ thể dự trữ. Tăng insulin mãn tính có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin, là lúc cơ thể sẽ không đáp ứng lại với insulin nữa. Kháng insulin có liên quan đến tăng lượng mỡ cơ thể, đặc biệt là quanh bụng. Cơ thể bạn cần protein và nhiều chất dinh dưỡng khác để có thể xây dựng khối cơ hiệu quả. Không bổ sung đu các chất dinh dưỡng cần thiết trong chế độ ăn sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng xây dựng cơ bắp của bạn.

Chế độ ăn khuyến cáo

Dưới đây là một số khuyến cáo về chế độ ăn giúp cải thiện các thành phần cơ thể.

– Hạn chế carbohydrate đơn và tập trung vào các loại carbohydrate phức hợp như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau xanh

– Bổ sung nhiều protein trong chế độ ăn

– Hạn chế sử dụng đường hoặc các đồ uống giàu calo như soda, đồ uống có cồn và nước trái cây.

– Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn sáng ngọt như ngũ cốc và kẹo cứng.

– Ăn nhiều thực phẩm giàu protein sau khi luyện tập.

Thay đổi lối sống

Lối sống đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định thành phần cơ thể và sức khoẻ nói chung của bạn. Cùng với chế độ ăn và luyện tập, giấc ngủ kém và quá căng thẳng cũng góp phần làm tăng lượng mỡ cơ thể. Dưới đây là những điều nên và không nên làm để cải thiện thành phần cơ thể.

Nên:

– Tìm cách hạn chế căng thẳng trong cuộc sống và dành thời gian choc ác hoạt động giảm stress

– Ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm

– Luyện tập thể thao hàng tuần

– Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng và hạn chế đường tinh chế

– Thường xuyên đứng dậy đi lại nếu công việc của bạn phải ngồi lâu.

Không nên:

– Tuân theo một chế độ dinh dưỡng hà khắc để giảm cân

– Ngủ ít hơn 7 tiếng một ngày

– Tiêu thụ nhiều đồ uống có cồn, kể cả trong một thời gian dài hoặc uống nhiều một lúc

– Tiêu thụ caffeine gần giờ đi ngủ

– Sử dụng nhiều đồ ăn nhanh

Luyện tập có tác dụng gì không?

Tăng khối lượng luyện tập có thể giúp cải thiện thành phần cơ thể của bạn. Cho dù bạn có đọc được thông tin gì trên các website, thì cũng không có bất cứ bài tập nào giúp bạn làm giảm thành phần cơ thể của những người skinny fat. Thay vào đó, hãy luyện tập bài tập mà bạn yêu thích và thực hiện hàng ngày. Theo khuyến nghị, bạn nên luyện tập ít nhất 150-300 phút bài tập cường độ trung bình mỗi tuần. Luyện tập tạ cho tất cả các khối cơ chính ít nhất 2 lần mỗi tuần. Các bài tập cường độ trung bình bao gồm: đi bộ nhanh, đạp xe, chạy bộ, tennis, khiêu vũ, leo núi.

Làm thế nào để có một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh, phù hợp cho sức khỏe cả gia đình? Liên hệ ngay với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để đăng ký Khám, tư vấn Dinh dưỡng cùng các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam nhé! Đặt lịch khám nhanh và đơn giản tại Hotline: 0935183939 hoặc Fanpage Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM.

ThS. Lưu Liên Hương – Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Theo Healthline



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY