Lợi ích và tác dụng phụ của thực phẩm bổ sung Lactoferrin

24/04/2025 -  Kiến thức dinh dưỡng

Lactoferrin là một loại protein có đặc tính kháng virus và kháng khuẩn giúp cơ thể vận chuyển và hấp thụ sắt. Chất bổ sung lactoferrin cũng được sử dụng rộng rãi do mang lại lợi ích chống oxy hóa và chống viêm. Sự thật về những lợi ích này và những tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng chất bổ sung lactoferrin là gì? Cùng tìm hiểu về lactoferrin qua bài viết sau nhé!

Lactoferrin là gì?

Lactoferrin còn có một số tên gọi khác trong các thực phẩm bổ sung như là: Apolactoferrin, bovine lactoferrin, lactotransferrin.

Lactoferrin được tìm thấy tự nhiên trong sữa của người, bò và các loài động vật có vú khác.Lactoferrin cũng được tìm thấy trong các chất dịch cơ thể khác như nước bọt, nước mắt, chất nhầy và dịch mật. Trẻ sơ sinh có thể nhận được lactoferrin tự nhiên từ sữa non của mẹ. Trẻ em và người lớn cũng có thể nhận lactoferrin từ một số loại thực phẩm bổ sung. Lactoferrin được sử dụng trong các chất bổ sung thường có nguồn gốc từ gạo biến đổi gen, tuy nhiên một số thực phẩm bổ sung cũng có thể lấy lactoferrin từ sữa bò.

Liều dùng được đề xuất trong các loại thực phẩm bổ sung chưa có đủ bằng chứng để khuyến nghị liều dùng tiêu chuẩn. Các nghiên cứu lâm sàng đã sử dụng liều dùng từ 100 miligam đến 450 miligam mỗi ngày.

Đọc thêm từ bài viết: Sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ nhỏ

Lợi ích sức khỏe của Lactoferrin

Công dụng của lactoferrin được cho là có đặc tính chống oxy hóa, kháng virus và kháng khuẩn.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng lactoferrin có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu hiện tại đều được tiến hành trong phòng thí nghiệm chứ không phải trên người, do đó vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh hiệu quả của lactoferrin đối với hệ miễn dịch.

Nhiễm trùng do vi khuẩn

Người ta cho rằng lactoferrin bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn thông qua tác dụng liên kết với sắt. Nhờ lactoferrin liên kết với sắt mà vi khuẩn không thể sử dụng sắt để di chuyển trong cơ thể.

Mặc dù tác dụng này còn chưa thống nhất, nhưng lactoferrin đã được nghiên cứu để sử dụng điều trị trong tình trạng nhiễm trùng Helicobacter pylori (H. pylori), một loại nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra loét dạ dày. Trong một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, lactoferrin lấy từ sữa bò được phát hiện có tác dụng ức chế sự phát triển của H. pylori và làm tăng hiệu quả của các loại thuốc thường dùng để điều trị nhiễm trùng. Tuy nhiên, nghiên cứu này được thực hiện trong ống nghiệm chứ không phải trên người, do đó vẫn cần thêm những thử nghiệm trên người để xác nhận lợi ich này của lactoferrin.

Nhiễm trùng do virus

Một số nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng của lactoferrin trong việc bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng do virus như cảm lạnh thông thường, cúm, herpes và viêm dạ dày ruột. Người ta cho rằng tác dụng này của lactoferrin đến từ việc nó có thể ức chế quá trình virus bám vào tế bào và sinh sản nhân lên.

Ngoài ra còn có một số bằng chứng cho thấy lactoferrin có thể ức chế viêm gan C, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng lactoferrin giúp tăng mức interleukin-18, đây là một loại protein được phát hiện có vai trò quan trọng trong việc chống lại viêm gan C.

Tuy nhiên, những nghiên cứu này cũng được thực hiện trên tế bào động vật và người trong phòng thí nghiệm hoặc chưa thống nhất về kết quả, do đó vẫn cần thêm nghiên cứu nữa để chứng minh những tác dụng này của lactoferrin.

Điều đáng quan tâm đặc biệt là khả năng tiềm tàng của lactoferrin trong việc phòng ngừa và điều trị COVID-19. Một số các nhà nghiên cứu tin rằng lactoferrin có thể giúp kiểm soát cả bệnh COVID-19 không triệu chứng và bệnh COVID-19 triệu chứng nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, quy mô trong nghiên cứu này còn nhỏ (chỉ khoảng 92 người). Cần có các nghiên cứu lớn hơn, dài hạn hơn trước khi khuyến nghị sử dụng lactoferrin cho bệnh nhân COVID-19.

Đọc thêm từ bài viết: 6 siêu thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch

Nhiễm nấm

Lactoferrin cũng được cho là có hoạt tính chống nấm.

Nhiều nghiên cứu trên động vật đã xem xét liệu lactoferrin có thể giúp điều trị nhiễm nấm bao gồm nhiễm nấm men hoặc nấm candida hay không. Những con chuột bị nhiễm nấm men trong các nghiên cứu này khi được điều trị bằng lactoferrin đã cho kết quả bị nhiễm nấm ít nghiêm trọng hơn những con chuột không được dùng lactoferrin.

Tuy nhiên vẫn cần có nhiều thử nghiệm trên người hơn về vai trò tiềm năng của lactoferrin trong điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, virus và nấm.

Mụn trứng cá

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người được cho uống sữa bổ sung lactoferrin (hàm lượng 200mg lactoferrin) hàng ngày trong 12 tuần có ít tổn thương do mụn trứng cá và ít bã nhờn (dầu) hơn so với những người chỉ dùng giả dược.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy kết quả tương tự. Những người tham gia trong độ tuổi vị thành niên bị mụn trứng cá thông thường đã dùng viên bổ sung lactoferrin trong 8 tuần. Kết quả cho thấy họ đã giảm tổn thương do mụn trứng cá và tình trạng viêm.

Loãng xương

Trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên chuột, lactoferrin đã được phát hiện có tác dụng kích thích tế bào tạo xương. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng lactoferrin có tác dụng làm giảm các triệu chứng loãng xương thông qua tín hiệu tế bào. Tuy nhiên, chưa có sự chắc chắn chính xác về cách lactoferrin hoạt động để cải thiện tình trạng loãng xương trên người.

Trong một nghiên cứu khác, lactoferrin giúp tăng cường và bảo vệ xương ở những con chuột bị cắt bỏ buồng trứng (việc cắt bỏ buồng trứng được cho là có thể kiểm soát những thay đổi về nội tiết tố). Kết quả này khiến các nhà nghiên cứu tin rằng lactoferrin có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa và điều trị tình trạng mất xương do mất estrogen – một tình trạng phổ biến ở phụ nữ mãn kinh. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều hơn các nghiên cứu trên người để chứng minh tác dụng chống loãng xương của lactoferrin.

Điều hòa sắt

Một số nghiên cứu đã xem xét tác động của lactoferrin lên quá trình chuyển hóa sắt.

Một nghiên cứu đã so sánh việc điều trị thiếu máu do thiếu sắt bằng cách bổ sung lactoferrin với phương pháp điều trị truyền thống bằng cách bổ sung sắt sulfat. Kết quả cho thấy việc bổ sung lactoferrin giúp cải thiện tốt hơn các thông số về sắt trong máu (bao gồm sắt huyết thanh và ferritin) so với sắt sulfat.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có sự giảm đáng kể tình trạng táo bón (một tác dụng phụ phổ biến của việc bổ sung sắt) ở những đối tượng được điều trị bằng lactoferrin.

Ung thư

Các nhà nghiên cứu cho rằng các đặc tính chống oxy hóa của lactoferrin có thể giúp chống ung thư. Việc bổ sung lactoferrin đã cho thấy tác dụng bảo vệ chống lại các bệnh ung thư đại tràng, dạ dày, gan và tuyến tụy. Tuy nhiên, những nghiên cứu này còn rất sơ bộ và cần có nhiều nghiên cứu để chứng minh tác dụng chống ung thư của lactoferrin.

Bệnh liên quan đến tuổi tác

Người ta cho rằng lactoferrin có thể làm chậm quá trình lão hóa do đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và chống ung thư của nó. Về mặt lý thuyết, các đặc tính này sẽ bảo vệ hoặc làm chậm các thay đổi và rối loạn chức năng tế bào của các bệnh lý liên quan đến tuổi tác chẳng hạn như loãng xương, tiểu đường, bệnh thoái hóa thần kinh, bệnh tim mạch và ung thư.

Tuy nhiên vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để chứng minh điều này.

Các công dụng khác

Các công dụng khác được cho là của lactoferrin nhưng ít được nghiên cứu hơn bao gồm:

  • Điều trị nhiễm trùng huyết ở trẻ sinh non
  • Hỗ trợ sinh thường
  • Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Bảo vệ chống lại bệnh nhiễm trùng chlamydia
  • Điều trị thay đổi vị giác và khứu giác do hóa trị liệu

Tác dụng phụ của Lactoferrin

Lactoferrin được coi là an toàn ở liều lượng thường thấy trong thực phẩm. Nhiều nghiên cứu về lactoferrin đã báo cáo không có tác dụng phụ rõ ràng nào khi dùng chất bổ sung này. Tuy nhiên, có thể xảy ra các tác dụng phụ nhẹ khi dùng lactoferrin quá liều. Tác dụng phụ thường gặp bao gồm:

  • Đau dạ dày
  • Nôn mửa
  • Giảm cảm giác thèm ăn (ở trẻ em)
  • Táo bón

Chưa có báo cáo về tác dụng phụ nghiêm trọng nào khi dùng lactoferrin. Tuy nhiên, bạn có thể bị dị ứng với lactoferrin. Bạn hãy ngừng sử dụng lactoferrin và tới gặp bác sĩ nếu bạn nghi ngờ bị phản ứng dị ứng sau khi dùng chất bổ sung lactoferrin.

Liều dùng

Hiện tại không có liều lượng khuyến nghị chuẩn cho lactoferrin. Điều này có nghĩa là liều lượng bổ sung lactoferrin có thể phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe và giới tính. Hiện nay lactoferrin đã được sử dụng với liều lượng từ 100 mg đến 4.500 mg mỗi ngày. Những liều lượng này được nghiên cứu chứng minh không gây ra bất kỳ độc tính nào. Hãy trao đổi với bác sĩ về việc tìm liều lượng lactoferrin phù hợp với nhu cầu và tình trạng cụ thể của bạn.

Mừng sinh nhật 7 tuổi, Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM – Viện Y học ứng dụng Việt Nam dành tặng khách hàng ưu đãi độc quyền diễn ra từ 1/4- 20/4 duy nhất tại VIAM clinic! Liên hệ ngay hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678  hoặc truy cập viamclinic.vn để đặt lịch ngay!

Bs. Đoàn Thu Hồng – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY