Cai sữa là một bước chuyển quan trọng trong sự phát triển những năm tháng đầu đời của bé. Theo các chuyên gia dinh dưỡng và chăm sóc nhi khoa, khi cai sữa cho trẻ, các bậc phụ huynh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng để tránh khiến trẻ bị hụt hẫng và khó chịu do thèm sữa mẹ. Do vậy, việc thực hiện một cách dần dần, từng bước đồng thời tăng dần lượng thức ăn phụ, giảm thiểu số lần cho bú là điểm quan trọng nhất.
Contents
Trẻ cai sữa cần ăn uống thế nào?
Chế độ ăn cho trẻ sau cai sữa
Thông thường, trong khoảng thời gian từ 4 – 6 tháng tuổi trẻ không cần ăn bổ sung thêm gì vì trong sữa mẹ đã có đầy đủ chất dinh dưỡng để trẻ phát triển. Ngoài ra, sữa mẹ còn chứa những yếu tố quan trọng bảo vệ cơ thể mà không một thức ăn nào có thể thay thế được. Khi trẻ ngoài 6 tháng tuổi, có thể tiến hành cho trẻ ăn dặm bằng bột, cháo (phải có thịt, cá, trứng, dầu, mỡ, rau quả tươi để đủ dinh dưỡng). Khi trẻ được 12 tháng tuổi, công năng tiêu hóa của dạ dày và ruột của trẻ dần dần hoàn thiện, có thể cai sữa được. Tuy nhiên, hãy tận dụng nguồn sữa mẹ vì sữa mẹ vẫn là tốt nhất nên các bậc phụ huynh có thể cai sữa cho trẻ từ 18-24 tháng tuổi.
Theo các chuyên gia, đối với trẻ từ 6 – 24 tháng tuổi thì sữa mẹ vẫn là nguồn thức ăn quan trọng, đáp ứng được 70% nhu cầu năng lượng lúc trẻ 6 – 8 tháng tuổi, 55% khi trẻ từ 9 – 11 tháng và 40% khi trẻ 12 – 24 tháng tuổi. Vì vậy, cần tiếp tục cho trẻ bú mẹ kéo dài đến 2 năm cùng với ăn bổ sung.
Mẹo cai sữa cho mẹ
Các bậc phụ huynh nên lưu ý là khi mới cai sữa, không nên ép trẻ ăn quá nhiều vì điều này sẽ khiến trẻ có cảm giác khó chịu, dễ nôn, trớ và có tâm lý sợ ăn. Để bé ăn uống ngon miệng, các bậc phụ huynh hãy chia thành nhiều bữa trong ngày và thường xuyên đổi thực đơn cho bé. Chú ý chế biến cho hợp khẩu vị của trẻ và thường xuyên thay đổi món để trẻ ăn được hết suất. Cai sữa là cả quá trình, do vậy nên thực hiện đồng thời việc giảm cữ bú và tăng các bữa ăn với món ăn cho trẻ sau cai sữa mà trẻ yêu thích, như vậy trẻ sẽ dễ chấp nhận hơn mà không bị sang chấn tinh thần.
Khi cai sữa cho trẻ, mẹ cũng cần chuẩn bị tinh thần để đối mặt với các tình huống như tắc tia sữa, áp xe vú, viêm đầu vú…khi trẻ hờn dỗi, quấy khóc đòi sữa mẹ thì mẹ phải kiên quyết để trẻ tập thích nghi dần.
Phần lớn trẻ ở độ tuổi cai sữa dù đã mọc răng nhưng cơ nhai còn yếu, chưa phát triển toàn diện. Đồng thời, chức năng hệ tiêu hóa của trẻ cũng chưa hoàn chỉnh như người trưởng thành nên thức ăn cho trẻ cần phải nấu nhừ, chín kỹ hoặc xay nhuyễn để bé không bị hóc, tăng khả năng hấp thu tốt và dễ tiêu hóa.
Thực đơn cho trẻ sau cai sữa
Thực đơn của trẻ cũng như thực đơn cho bất kỳ người trưởng thành nào: cần có đầy đủ chất xơ, vitamin, tinh bột, đạm, chất béo và và vi chất dinh dưỡng cần thiết khác. Đặc biệt ở lứa tuổi này, nên bổ sung trọng tâm vào các nhóm chất chất đạm (thịt, cá, trứng, đậu, đỗ…), chất béo (dầu, mỡ) và các loại rau quả chứa nhiều vitamin.
Nhóm tinh bột từ ngũ cốc và khoai củ là nguồn cung cấp năng lượng chính trong khẩu phần.
Nhóm chất đạm từ nguồn đạm động vật và đậu đỗ để cung cấp chất đạm, sắt, kẽm, vitamin A…
Nhóm chất béo từ dầu mỡ là nguồn bổ sung năng lượng, làm cho thức ăn mềm dễ nuốt, đồng thời là dung môi để hòa tan các vitamin tan trong chất béo (vitamin A, D, E, K).
Nhóm vitamin và khoáng chất từ các loại rau củ quả giúp trẻ phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng.
Năng lượng từ thức ăn bổ sung khoảng 200 – 300 kcal/ngày cho trẻ từ 6 – 8 tháng tuổi, 300 – 400 kcal/ngày cho trẻ từ 9 – 11 tháng tuổi và 500 – 700 kcal/ngày lúc trẻ 12 – 24 tháng tuổi. Năng lượng còn lại do sữa cung cấp.
Số bữa ăn và số lượng mỗi bữa tăng dần theo tháng tuổi để phù hợp với dung tích dạ dày của trẻ: 2 bữa/ngày, mỗi bữa 100 – 150ml với trẻ từ 6 – 8 tháng tuổi; 3 bữa/ngày, mỗi bữa 200ml với trẻ từ 9 – 11 tháng tuổi; 3 bữa/ngày, mỗi bữa 250ml với trẻ từ 12 – 24 tháng tuổi.
Cần lưu ý: Không cai sữa cho trẻ khi trẻ bị ốm, nhất là khi trẻ bị tiêu chảy vì thức ăn thay thế lúc này chưa thích nghi được sẽ càng khiến trẻ bị rối loạn tiêu hoá tăng lên, có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Chú ý theo dõi phát triển cân nặng của trẻ trong thời gian cai sữa. Nếu thấy trẻ chậm tăng cân thì phải chú ý xem lại chế độ ăn và khả năng hấp thụ của trẻ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và có các biện pháp xử lý kịp thời.
Cai sữa cho trẻ là một quá trình dài, nhưng điều quan trọng là các bậc phụ huynh cần có chế độ ăn dặm đúng cách và đầy đủ cho bé. Nên tận dụng nguồn sữa mẹ một cách triệt để, và tốt nhất là cai sữa cho trẻ từ 18-24 tháng. Chế độ ăn dặm cho trẻ nên tập trung vào chất đạm, chất béo, giàu vitamin và khoáng chất, cũng như đầy đủ chất xơ và các chất dinh dưỡng khác. Nhìn chung, các bậc phụ huynh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ khi có bất cứ thắc mắc nào.
Làm thế nào để giúp con trẻ có chế độ dinh dưỡng và luyện tập phù hợp để có cơ thể khỏe mạnh, phát triển toàn diện? Liên hệ ngay với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để đăng ký Khám, tư vấn Dinh dưỡng cùng các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam nhé! Đặt lịch khám nhanh và đơn giản tại Hotline: 0935183939 hoặc Fanpage Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM.
BS. Lê Minh Khánh
Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Tổng hợp