Uống nước cốt chanh hàng ngày – trào lưu cực kỳ nguy hiểm!

19/05/2025 -  Kiến thức dinh dưỡng

Không khó để bắt gặp một người uống nước cốt chanh vào buổi sáng – lý do cho hành động này theo như họ nói là “uống cốt chanh lúc dạ dày rỗng để thanh lọc, giải độc, tăng cường hệ miễn dịch và sức khỏe”. Tuy nhiên, đây có phải là sự thật hay không? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây!

Chanh có giá trị dinh dưỡng như thế nào?

Tuy được coi là thần dược trong trào lưu “uống cốt chanh lúc đói”, nhưng thực ra trong 1 quả chanh vàng cỡ vừa (khoảng 48 gram) có chứa hàm lượng dinh dưỡng như sau:

  • Năng lượng: 10,6 kcal
  • Vitamin C: 18,6 mg (miligram)
  • Vitamin B9 (Folate): 9,6 mcg (microgram)
  • Kali: 49,4mg
  • Vitamin B1: 0,01 mcg
  • Vitamin B2: 0,01 mcg
  • Vitamin B3: 0,06 mcg

Như vậy chúng ta có thể thấy rằng, trong chanh có chứa rất ít calo, giá trị dinh dưỡng của chanh chủ yếu tới từ hàm lượng cao của vitamin C với 18,6 mg trong mỗi quả chanh cỡ vừa – chiếm khoảng 21% lượng khuyến nghị vitamin C hàng ngày.

Đọc thêm tại bài viết: 8 lợi ích khi uống nước chanh vào buổi sáng

Chanh có mang lại lợi ích dinh dưỡng không?

Câu trả lời là có, nhờ hàm lượng vitamin C – một chất chống oxy hóa mạnh mẽ – mang lại những lợi ích sức khỏe như sau:

  • Cải thiện hệ miễn dịch: Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch nhờ kích thích cơ thể sản xuất các tế bào bạch cầu giúp chống lại các nhiễm trùng và bệnh tật.
  • Tăng cường sức khỏe tim mạch: Nhờ vào chức năng chống oxy hóa mạnh mẽ của vitamin C giúp chống lại các gốc tự do, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Vitamin C cũng giúp cơ thể hấp thụ chất béo tốt (HDL) và giảm lượng chất béo xấu (LDL), tốt cho tim mạch.
  • Ngăn ngừa sỏi thận: trong chanh có chứa hàm lượng cao axit citric giúp tăng thể tích nước tiểu, tăng độ pH, giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.
  • Đẹp da: Vitamin C giúp kích thích sản xuất collagen làm da săn chắc và đàn hồi hơn.
  • Tiêu hóa tốt hơn: Axit citric giúp kích thích hệ tiêu hóa sản sinh ra enzyme giúp tiêu hóa tốt hơn, tăng hấp thu chất dinh dưỡng.
  • Hấp thu sắt tốt hơn: Vitamin C trong chanh giúp tăng hiệu quả hấp thu sắt từ thực phẩm.

Chanh uống sai cách có hại như thế nào?

Chanh mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, tuy nhiên khi dùng sai cách thì chanh lại gây ra những tác hại đối với sức khỏe. Việc uống sai ở đây có thể là uống cùng lúc 10 -20 quả chanh dưới dạng cốt nguyên chất, không pha với nước; uống cốt chanh lúc đói; uống trực tiếp không dùng ống hút;… Từ đó dẫn đến những bất lợi thay vì lợi ích sức khỏe.

Những tác hại này bao gồm:

  • Các vấn đề về tiêu hóa: hàm lượng axit trong chanh là rất cao, nếu uống nhiều và uống lúc đói có thể gây viêm loét dạ dày, trào ngược, ợ nóng,…
  • Gây mòn men răng: nếu bạn uống cốt chanh trực tiếp, uống không pha loãng,… khi axit trong chanh tiếp xúc với men răng có thể làm bào mòn men răng, khiến răng nhạy cảm, ê buốt, yếu răng, dễ sâu răng, ố răng,… Nếu bạn đang bị loét miệng, chanh cũng khiến các vết loét đó lâu lành hơn.
  • Gây ra chứng đau nửa đầu: Một tác hại mà ít người biết đến đó là trong chanh có chứa axit amin tyramine, khi uống quá nhiều nước chanh sẽ gây dư thừa loại axit này và khiến máu đột ngột dồn lên não gây ra các cơn đau nửa đầu.

Đọc thêm tại bài viết: 3 nhóm người nên hạn chế ăn chanh

Bạn nên uống chanh như nào để có lợi nhất?

Bạn có thể thấy rằng, uống nhiều cốt chanh chỉ gây hại chứ gần không được lợi gì về sức khỏe. Vậy bạn nên uống chanh đúng cách như thế nào để đảm bảo nhận được các lợi ích về sức khỏe? Hãy tham khảo cách sau đây:

  • Uống số lượng vừa phải: 1-2 quả chanh mỗi ngày là đủ để bạn bắt đầu ngày mới và nhận được các lợi ích từ lượng vitamin C dồi dào từ chanh mà không gây tác dụng phụ.
  • Uống bằng nước ấm và pha loãng: Bạn nên pha loãng cốt chanh bằng nước ấm để không gây hại cho men răng và hệ tiêu hóa.
  • Không uống trực tiếp: Bạn nên dùng ống hút để uống chanh thay vì uống trực tiếp để hạn chế sự tiếp xúc của men răng và nước chanh.
  • Uống sau bữa sáng 15-30 phút: Đây là thời điểm thích hợp nhất để uống nước chanh, vừa giúp cơ thể tiêu hóa bữa sáng tốt hơn, vừa không gây hại cho dạ dày.

Bạn cũng cần lưu ý nếu bị bệnh dạ dày như viêm loét, trào ngược,… cần hạn chế uống nước chanh. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để biết mình có thích hợp để uống chanh hàng ngày và nên uống với lượng bao nhiêu. Hãy hiểu đúng và không nghe theo những trào lưu vô căn cứ trên mạng để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình bạn!

Bs. Đoàn Thu Hồng – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY