Không thể thu xếp hay cắt bớt các hoạt động trong ngày, nhiều người cố gắng lồng ghép các trận đấu World Cup vào lịch trình của mình để vẫn tận hưởng không khí bóng đá.
Anh Khánh (phải) và Hoàng Anh tranh thủ xem một trận đấu World Cup ngay tại phòng tập.
(Ảnh: Quốc Toàn)
Hòa cùng nhịp độ thi đấu của các cầu thủ tại World Cup 2022, anh Nguyễn Đình Khánh (28 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cố gắng bố trí thời gian để theo dõi các trận cầu hấp dẫn của giải đấu bóng đá 4 năm mới có một lần này, bất chấp quỹ thời gian eo hẹp.
“Năm nay, các trận đấu được chia ra nhiều khung giờ, chủ yếu vào buổi tối nên việc bố trí xem cũng không quá khó khăn. Tuy nhiên, với các trận sớm, nhất là lúc 17h, tôi thường tranh thủ nghe trực tiếp trên đường hoặc lúc đi tập”, anh Khánh nói.
Theo ghi nhận của Zing tại một số phòng tập trên địa bàn quận Đống Đa, nhiều người cũng có chung giải pháp với anh Vũ. Việc xem bóng đá trên phòng gym thậm chí đã trở thành thói quen mới của nhiều người từ sau ngày khai mạc kỳ World Cup 2022.
“Xem bóng đá thế này lại hay”
Chia sẻ với PV, anh Khánh cho hay chưa từng bỏ lỡ bất cứ kỳ World Cup nào kể từ khi có nhận thức và bắt đầu yêu thích môn thể thao này từ thời điểm còn học cấp 2.
“Khi còn đi học, việc theo dõi từng diễn biến của giải đấu dễ dàng hơn nhiều. Giờ ra trường, sống tự lập, tôi còn nhiều việc phải làm nên cũng khó thu xếp thời gian hơn”, nam thanh niên này kể.
Vốn là người thích thể thao, lại gặp một số vấn đề như thường xuyên đau mỏi cổ, thừa cân nên dù bận rộn, Khánh đã quyết định đi tập gym đến nay được hơn một năm.
Anh Khánh tập luyện vào buổi tối, trùng với khung giờ của của các trận đấu World Cup.
(Ảnh: Quốc Toàn)
Tuy nhiên, sự xuất hiện của World Cup vừa qua phần nào đã ảnh hưởng tới sự quyết tâm cũng như lịch trình của Khánh. May mắn, phòng tập nơi nam thanh niên này đăng ký cũng tổ chức phát các trận đấu lên màn hình để phục vụ khách.
Khánh chia sẻ: “Nghĩ đến việc tới phòng tập cũng theo dõi được các trận đấu, tôi lại có động lực hơn. Chưa kể đến đây còn có nhiều người xem cùng, hô hào cổ vũ. Xem bóng đá thế này lại hay”.
Tại một phòng tập khác trên đường Nguyễn Chí Thanh, các màn hình từ lớn đến nhỏ cũng được bố trí ở nhiều khu vực khác nhau để khách hàng tiện theo dõi các trận cầu thuộc World Cup 2022.
Với một số trận đấu tâm điểm với sự xuất hiện của các đội bóng lớn, một nhóm đông người tập và cả huấn luyện viên cũng cùng theo dõi, tạo nên không khí sôi nổi.
Tuy vậy, sau khi kết thúc tình huống nguy hiểm, hầu hết người tập nhanh chóng quay lại buổi tập của mình.
Anh Nguyễn Hoàng Anh (28 tuổi, ở Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: “Nhiều lúc mải xem, tôi cũng bị kéo dài khoảng thời gian nghỉ giữa hiệp tập, có khi lên đến 1-2 phút. Tôi liên tục phải tự nhắc bản thân tập trung hơn”.
Không chỉ tận dụng thời gian tập, nhiều người còn tranh thủ xem các trận đấu World Cup khi ăn tối. Trên thực tế, các trận cầu diễn ra lúc 20h cũng trùng đúng với thời gian ăn tối phổ biến tại những thành phố lớn.
Tan làm và trở về nhà lúc 19h30, Bùi Huy Vũ (25 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) tranh thủ nấu nhanh trước khi trận đấu trong bắt đầu đầu lúc 20h.
“Bình thường, khi không có World Cup, tôi có thể dành nhiều thời gian cho việc nấu nướng hơn. Giờ thì khác, tôi cố gắng chọn những món đơn giản để tranh thủ ăn ngay trong lúc theo dõi các trận đấu”, nam thanh niên chia sẻ.
Huy Vũ lựa chọn theo dõi World Cup song song với bữa tối.
(Ảnh: Quốc Toàn)
Dù vậy, Vũ cho biết thói quen này cũng không quá bất tiện, thậm chí tạo cảm giác thoải mái và thư giãn khi các bữa ăn bớt nhàm chán hơn.
Mặt khác, nam thanh niên này cho biết vẫn cố gắng tự nấu thay vì ăn ngoài hay gọi đồ về. Do không có nhiều thời gian để tập luyện thể dục thể thao, Vũ coi việc tự chuẩn bị đồ ăn, đầu tư cho dinh dưỡng là giải pháp để vẫn duy trì được sức khỏe.
Lưu ý khi làm nhiều việc cùng lúc
Trao đổi với Zing, TS. BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, đánh giá cao việc vẫn duy trì tập luyện song song với khoảng thời gian World Cup diễn ra.
Cụ thể, vị chuyên gia khẳng định tập thể dục thường xuyên có thể mang tới hàng loạt lợi ích như giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, cao huyết áp, loãng xương, tiểu đường, béo phì; giữ khớp xương, gân và dây chằng linh hoạt; giảm quá trình lão hóa; giữ tinh thần sảng khoái, hạn chế căng thẳng; hỗ trợ giấc ngủ ngon…
Do đó, dù tần suất của các trận cầu tại World Cup khá dày, mọi người vẫn nên dành ra một khoảng thời gian để vận động, từ đó giải tỏa áp lực, mệt mỏi trong ngày. Việc tranh thủ tập luyện trong khi xem các trận đấu cũng là một phương pháp tốt.
TS. BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam.
(Ảnh: NVCC)
Đồng tình với TS Sơn, BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp Việt – Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, cũng nhận định tập thể dục đều đặn là biện pháp quan trọng để tăng cường sức khỏe, giúp đầu óc thư thái, cơ bắp được vận động và thư giãn, lưu thông máu tốt hơn, tăng cường trao đổi chất và chuyển hóa.
“Nếu vì World Cup, mọi người bớt thời gian cho việc tập hoặc thậm chí bỏ hẳn, những lợi ích này của việc tập đương nhiên không còn nữa”, vị chuyên gia nói.
BS Hoàng cũng gợi ý để khắc phục trong thời gian này là chúng ta nên chia nhỏ thời gian tập.
Ông nêu ví dụ trước đây, một người có thể tập mỗi ngày một lần, kéo dài 60 phút nhưng khi không đảm bảo được thời gian, chúng ta nên chia ra thành 2-3 lần, mỗi lần tập 20-30 phút.
“Mặt khác, thay vì chọn các môn mất nhiều thời gian chuẩn bị áo, quần, thiết bị… mọi người cũng có thể chuyển sang tập các môn sử dụng tay không, tập tại nhà, tập theo các bài hướng dẫn trên Internet…”, BS Hoàng nói thêm.
Tuy nhiên, về việc tranh thủ ăn tối trong khi xem bóng đá, TS Sơn cảnh bảo việc này có thể dẫn đến nhiều nguy cơ gồm:
- Không kiểm soát được lượng thức ăn đưa vào cơ thể: Lúc này, tâm trí của chúng ta bị phân tâm do xem tivi, không để ý đến việc mình đang ăn gì và ăn bao nhiêu. Mặt khác, chúng ta cũng không nhận ra mình đã no hay chưa nếu vừa ăn vừa xem TV. Hệ quả là lượng thức ăn nạp vào cơ thể sẽ nhiều hơn dự tính.
- Rối loạn tiêu hóa: Thông thường, men tiêu hóa sẽ được thần kinh điều phối cho dạ dày tiết ra. Tuy nhiên, nếu xem TV trong khi nhai, hệ thần kinh sẽ dễ bị chi phối, cơ chế tiết men tiêu hóa không đủ có thể dẫn đến việc ăn không ngon miệng, lâu dần đánh mất vị giác hoặc nuốt mà không nghiền nát thức ăn, dễ gây rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng xấu cho dạ dày.
- Gây đau dạ dày và các bệnh lý đường ruột: TS Sơn lưu ý việc ăn khi xem TV sẽ khiến một phần lớn máu được đưa về não nên không thể hỗ trợ dạ dày tiêu hóa tốt thức ăn. Những thức ăn chưa được tiêu hóa hết sẽ tồn đọng lại và trở thành môi trường lý tưởng để các loại vi khuẩn sinh sôi, gây ra nhiều bệnh lý ở dạ dày và ruột như viêm dạ dày, viêm đường ruột…
Hãy đến với Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Mọi thông tin xin liên hệ Hotline: 0935.18.3939 hoặc nhắn tin tới Fanpage.
TS. BS Trương Hồng Sơn
Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Theo Quốc Toàn – Zing News