10 thực phẩm chống viêm hàng đầu nên có trong căn bếp của mọi gia đình

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Ngày nay, các bệnh viêm nhiễm đã trở thành những vấn đề khá phổ biến đối với sức khỏe con người. Về căn bản, viêm là hiện tượng cơ thể đáp ứng với các tác nhân lạ từ môi trường, đây vốn là một phần của hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể mà không có nó thì các vết thương sẽ khó lành được. Tuy nhiên, tình trạng stress cường độ cao cũng như việc tiêu thụ quá nhiều các thực phẩm chế biến sẵn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm mãn tính gây mất cân bằng trong cơ thể dẫn tới mụn nhọt và dị ứng, cho tới các bệnh đường ruột, rối loạn thần kinh, các bệnh tự miễn và viêm khớp.

Có một số biện pháp khá đơn giản, dễ làm có thể giúp đẩy lùi các triệu chứng viêm nhiễm đó là điều chỉnh bằng chế độ dinh dưỡng: tiêu thụ ít các thực phẩm chế biến sẵn đồng thời tích cực ăn các loại thực phẩm có chứa những hoạt chất kháng viêm gây ra do các gốc tự do và độc tố từ môi trường.

Chế độ ăn ngăn ngừa tăng huyết áp

Dầu olive

Dầu olive là nguồn cung cấp dồi dào các hợp chất polyphenol vừa có hoạt tính chống viêm, vừa chống oxy hóa rất mạnh. Hơn 70% thành phần chất béo chứa trong dầu olive là các acid béo không bão hòa đơn chủ yếu là acid oleic, có khả năng giúp hạ huyết áp, giảm các cholesterol xấu LDL và tăng cholesterol tốt HDL, cùng với các tác dụng tốt cho tim mạch.

Các loại gia vị và thảo mộc

Các loại gia vị và thảo mộc chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng từ thực vật tốt cho sức khỏe, chúng tạo thêm mùi vị hấp dẫn cho các món ăn và có thể sử dụng để thay thế muối hoặc đường – là hai thành phần phụ gia có thể thúc đẩy phản ứng viêm của cơ thể.

Một số loại gia vị nổi bật với các đặc tính tốt: quế làm giảm chứng đầy hơi và làm giảm lượng đường trong máu; nghệ với hoạt tính kháng viêm và chống ung thư; oregano (cây  kinh giới vùng Địa Trung Hải) với hoạt tính kháng sinh; hương thảo và oải hương có tác dụng giảm đau, giảm căng thẳng.

Hành và tỏi

Những loài thực vật chứa những fructo-oligosaccharide chuỗi ngắn (scFOS) như hành, tỏi, tỏi tây, cần tây, actisô… vừa giúp tăng hương vị cho món ăn lại vừa cung cấp ít năng lượng. Do những thực phẩm này sẽ không được tiêu hóa hoàn toàn trong hệ tiêu hóa nên những phần còn lại sẽ có tác dụng nuôi dưỡng những lợi khuẩn đường ruột, tạo ra một hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh. Do vậy ăn nhiều hành, tỏi sẽ có tác dụng kích thích miễn dịch đường ruột và giảm thiểu các triệu chứng viêm.

Sô cô la đen

Sô cô la đen với hàm lượng cacao trên 70%  là món tráng miệng cực kỳ có lợi cho sức khỏe. Nghiên cứu đã chứng minh sô cô la đen có thể tăng cường lưu lượng máu, giúp hạ huyết áp và cải thiện đáp ứng của cơ thể đối với các bữa ăn giàu tinh bột bằng cách tăng độ nhạy của cơ thể với hormon insulin. Do đó sô cô la đen có tác dụng phòng bệnh tiểu đường khi được tiêu thụ với lượng nhỏ đều đặn vào khoảng gần 30 gram/ngày.

Quả bơ

Bơ có rất nhiều tác dụng là nhờ vào những thành phần dinh dưỡng tuyệt vời của nó: các chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa, phytosterol, acid alpha-linolenic và carotenoid.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trái bơ có hiệu quả giảm viêm, hạ đường huyết và cholesterol huyết, làm giảm đau trong các bệnh viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp. Quả bơ cũng là một nguồn thay thế tuyệt vời cho các loại dầu và chất béo khác.

Các loại rau họ cải

Các loại rau họ cải bao gồm arugula, cải thìa, súp lơ xanh, cải brussel, bắp cải, súp lơ, cải rổ, su hào, cải xoăn, cải đắng và cải xoong. Những loại rau này chứa rất nhiều các hợp chất sulforaphane thể hiện hoạt tính kháng viêm bằng cách tăng cường khả năng loại bỏ độc tố của gan. N

hững nghiên cứu khác cũng cho thấy một nhóm hợp chất có tên glucosinolate có trong những loại rau này cũng có khả năng chống ung thư.

Trái cây họ cam quýt

Những loại quả có vị chua như cam, quýt, bưởi, chanh và chanh vàng vẫn được coi là những chiến binh bảo vệ cho sức khỏe của con người. Do hàm lượng nước khá cao, những trái cây này cũng cung cấp nước và điện giải khi cơ thể cảm thấy khát. Thành phần flavonoid trong những loại quả này cũng có tác dụng trung hòa các gốc tự do, ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư. Với các đặc tính chống viêm thể hiện từ vỏ quả, nước quả và cả phần thịt quả, đừng phí phạm mà vứt đi bất cứ bộ phận nào của những trái cây này nhé.

Thịt gà, lợn, cừu và bò được nuôi tự nhiên

Những gia súc, gia cầm được chăn thả tự nhiên sẽ khỏe mạnh hơn và do đó thịt của chúng sẽ có giá trị dinh dưỡng cao hơn. Trên thực tế, những đàn gà, đàn lợn, cừu và bò được nuôi nguồn thức ăn tự nhiên sẽ có hàm lượng acid béo omega-3 với hoạt tính chống viêm cao hơn và nồng độ acid béo omega-6 tiền viêm thấp hơn những động vật được nuôi công nghiệp. Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng những người tiêu thụ “thực phẩm sạch” từ thiên nhiên sẽ ít mắc bệnh tật hơn hẳn những người ăn thịt nuôi công nghiệp.

Trứng

Nhiều chuyên gia gọi trứng là một loại “thực phẩm hoàn hảo” bởi hàm lượng cao của protein, các vitamin A, B và biotin. Trứng giúp đẩy lùi quá trình viêm là nhờ các hoạt chất nhóm carotenoid là zeaxanthin và lutein (cả hai chất đều có lợi cho thị giác), cũng như là choline (tốt cho não và chức năng tim mạch). Tuy nhiên, một lưu ý khi mua trứng là hãy lựa chọn các loại trứng gà sạch được nuôi chăn thả tự nhiên bởi những trứng loại này chứa hàm lượng các acid béo omega-3 cao hơn.

Cá béo

Một người trưởng thành nên tiêu thụ khoảng ba bữa cá biển một tuần như cá hồi, cá mòi, cá cơm, cá trích bởi chúng là nguồn cung cấp rất dồi dào các acid béo không bão hòa đa. Những thành phần acid béo omega-3 này đã được chứng minh có thể làm giảm viêm nhiễm và tăng cường sức khỏe tim mạch, cải thiện các bệnh tự miễn và các rối loạn về tâm trạng cũng như tốt cho da và móng.

Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM

Theo Prevention



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY