Cùng phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM tìm hiểu xem những thực phẩm nào nên tránh khi bạn đang mắc các bệnh viêm khớp nhé!
Viêm khớp là một tình trạng sức khỏe phổ biến liên quan đến tình trạng viêm mạn tính ở khớp của bạn. Bệnh lý này gây đau và tổn thương khớp, xương và các bộ phận cơ thể khác tùy thuộc từng loại.
Viêm xương khớp, không nhiễm khuẩn, là bệnh lý phổ biến nhất trong khoảng hơn 100 loại viêm khớp. Trên thực tế, có đến 40% nam giới và 47% phụ nữ có thể được chẩn đoán mắc bệnh viêm xương khớp trong suốt cuộc đời của họ.
Trong khi đó, viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến là những tình trạng viêm được coi là bệnh tự miễn dịch. Bệnh gút cũng là một loại viêm khớp phổ biến khác.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng những can thiệp trong chế độ ăn uống như là giảm thiểu một số loại thức ăn và đồ uống có thể giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ở những người mắc viêm khớp và viêm xương khớp, cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống chung của họ.
Dưới đây là 8 loại thực phẩm và đồ uống bạn nên tránh sử dụng khi bạn bị viêm khớp.
Contents
Thực phẩm bổ sung đường
Bạn nên hạn chế lượng đường thêm vào trong thực phẩm, nhưng bạn nên đặc biệt hạn chế chúng khi bạn bị viêm khớp. Những thực phẩm bổ sung đường như kẹo ngọt, nước ngọt, kem và nhiều loại thực phẩm khác bao gồm cả những loại ít rõ ràng hơn như sốt thịt nướng…
Một nghiên cứu trên 217 người bị viêm khớp dạng thấp đã chỉ ra rằng trong khoảng 20 loại thực phẩm, nước ngọt và các món tráng miệng có đường làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.
Ngoài ra, đồ uống có đường như nước ngọt có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm khớp cho bạn.
Ví dụ, một thí nghiệm được thực hiện trên 1209 người trưởng thành độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi, những người thường xuyên uống đồ uống có đường fructose 5 lần 1 tuần hoặc nhiều hơn thì có nguy cơ bị các bệnh viêm khớp gấp 3 lần so với những người uống ít hoặc không uống đồ uống có đường fructose.
Hơn nữa, một nghiên cứu lớn thực hiện với 200.000 phụ nữ cho thấy việc uống nước ngọt có đường thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
Thực phẩm chế biến sẵn và thịt đỏ
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể làm tăng triệu chứng của bệnh viêm khớp.
Ví dụ, chế độ ăn nhiều thịt đã qua chế biến và thịt đỏ cho thấy mức độ cao của các yếu tố gây viêm như interleukin-6 (IL-6), protein phản ứng C (CRP) và homocysteine.
Nghiên cứu ở 217 người bị viêm khớp dạng thấp nói trên cũng cho thấy rằng thịt đỏ thường làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, một nghiên cứu ở 25.630 người đã xác định rằng ăn nhiều thịt đỏ có thể là một yếu tố nguy cơ gây ra bệnh viêm khớp.
Ngược lại thì chế độ ăn nhiều thực vật và không bao gồm thịt đỏ đã được chứng tỏ rằng giúp cải thiện tình trạng viêm khớp.
Thực phẩm chứa gluten
Gluten là một nhóm các protein có trong lúa mỳ, lúa mạch, lúa mạch đen, tiểu hắc mạch (cây lai giữa lúa mỳ và lúa mạch đen). Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên kết giữa gluten với việc gia tăng thêm chứng viêm và cho thấy rằng không ăn gluten có thể làm dịu các triệu chứng viêm khớp.
Thêm nữa, những người mắc bệnh celiac có nguy cơ rất cao phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp. Tương tự như vậy, những người mắc bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp có tỷ lệ mắc bệnh celiac cao hơn những người bình thường.
Đáng chú ý là, một nghiên cứu kéo dài trên 1 năm của 66 người mắc viêm khớp dạng thấp đã tìm ra rằng chế độ ăn chay không gluten giúp giảm mạnh mẽ các hoạt động của bệnh và cải thiện tình trạng viêm.
Mặc dù những nghiên cứu này đầy hứa hẹn nhưng vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận liệu chế độ ăn không gluten có mang lại lợi ích cho những người bị viêm khớp hay không.
Thực phẩm chế biễn sẵn
Những món chế biến sẵn như đồ ăn nhanh, ngũ cốc ăn sáng, bánh nướng thường chứa nhiều ngũ cốc tinh chế, đường bổ sung, chất bảo quản và các thành phần có khả năng gây viêm khác, tất cả những thức ăn này đều có khả năng làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp.
Nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn phương Tây giàu thức ăn chế biến sẵn có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp bởi góp phần vào chứng viêm và các nguy cơ gây béo phì.
Ngoài ra, trong một nghiên cứu ở 56 người bị viêm khớp dạng thấp, những người ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn cho thấy các yếu tố nguy cơ làm bệnh tim tăng lên, bao gồm cả làm tăng mức độ của glycated hemoglobin (HbA1c) – một dấu hiệu kiểm soát lượng đường trong máu lâu dài.
Rượu
Rượu làm trầm trọng thêm triệu chứng viêm khớp, bất kỳ người nào đang bị viêm khớp đều nên hạn chế hoặc tránh uống chúng.
Một nghiên cứu trên 278 người bị viêm cột sống trục (một bệnh lý viêm khớp ảnh hưởng chủ yếu đến tủy sống và các khớp xương cùng), uống rượu làm tăng tổn thương cấu trúc cột sống.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng uống rượu có thể làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn gút.
Hơn nữa, uống rượu mạn tính còn có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xương khớp, mặc dù không phải tất cả các nghiên cứu đều tìm thấy mối liên hệ đáng kể.
Một số loại dầu thực vật
Chế độ ăn nhiều acid béo omega-6 và ít omega-3 có thể làm tăng các triệu chứng viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp.
Những chất béo này đều cần thiết cho sức khỏe, tuy nhiên, sự mất cân bằng tỷ lệ giữa omega-6 và omega-3 trong hầu hết chế độ ăn phương Tây có thể làm tăng chứng viêm.
Thực phẩm nhiều muối
Cắt giảm lượng muối trong chế độ ăn có thể là một lựa chọn tốt cho những người bị viêm khớp. Thực phẩm chứa nhiều muối bao gồm các món thịt xào, các món canh, món hầm, thịt chế biến sẵn và nhiều món khác.
Một nghiên cứu trên chuột cho thấy rằng bệnh viêm khớp nặng hơn ở những con chuột được ăn chế độ ăn nhiều muối hơn so với những con có chế độ ăn với hàm lượng muối bình thường.
Ngoài ra, một nghiên cứu trên chuột kéo dài 62 ngày cho thấy rằng chế độ ăn ít muối làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm khớp dạng thấp so với chế độ ăn nhiều muối. Chuột ở chế độ ăn ít muối ít có sự phá vỡ sụn và phá hủy xương, cũng như các dấu hiệu viêm thấp hơn so với những con chuột ở chế độ ăn nhiều muối.
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra gợi ý rằng lượng natri cao có thể là một yếu tố nguy cơ đối với các bệnh tự miễn như viêm khớp. Một nghiên cứu ở 18.555 người cho thấy lượng natri cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
Thực phẩm giàu AGEs (sản phẩm glycat hóa bền vững)
Sản phẩm cuối cùng của quá trình glycat hóa bền vững là các phân tử được tạo ra thông qua các phản ứng giữa đường và protein hoặc chất béo. Chúng tồn tại tự nhiên trong thực phẩm là động vật chưa nấu chín và được hình thành thông qua một số phương pháp nấu ăn.
Thực phẩm động vật giàu protein, chất béo cao được chiên, quay, nướng, ướp là một trong những nguồn giàu AGEs nhất trong chế độ ăn uống. Chúng bao gồm thịt xông khói, bít tết áp chảo hoặc nướng, gà quay hoặc chiên và xúc xích nướng…
Khoai tây chiên, pho mát Mỹ, bơ thực vật và sốt mayonnaise cũng là những thực phẩm rất giàu AGEs.
Khi AGEs tích tụ với số lượng cao trong cơ thể của bạn, stress oxy hóa và viêm nhiễm có thể xảy ra. Stress oxy hóa và sự hình thành AGE có liên quan đến sự tiến triển của bệnh ở những người bị viêm khớp.
Trên thực tế, những người bị viêm khớp đã được chứng minh là có lượng AGEs trong cơ thể cao hơn những người không bị viêm khớp. Sự tích tụ AGEs trong xương và khớp cũng có thể đóng một vai trò trong sự phát triển và tiến triển của bệnh viêm xương khớp.
Việc thay thế các loại thực phẩm có AGEs cao bằng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, toàn phần như rau, trái cây, các loại đậu và cá có thể làm giảm tổng lượng AGEs trong cơ thể bạn.
Hãy đến với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Mọi thông tin xin liên hệ Hotline: 0935.18.3939 hoặc Fanpage Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM.
BS. Đoàn Hồng
Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM
Theo Healthline