Dưới đây là 9 lầm tưởng phổ biến về chất béo và cholesterol trong chế độ ăn uống. Cùng Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM tìm hiểu về vấn đề này ngay nhé!
Trong nhiều thập kỷ, mọi người đã tránh các món giàu chất béo và cholesterol, chẳng hạn như bơ, các loại hạt, lòng đỏ trứng và sữa nguyên kem, thay vào đó chọn các sản phẩm thay thế ít chất béo như bơ thực vật, lòng trắng trứng và sữa không béo với hy vọng chúng sẽ tốt hơn cho sức khỏe và giúp giảm cân.
Điều này là do quan niệm sai lầm rằng ăn thực phẩm giàu cholesterol và chất béo có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.
Tham khảo: Gói khám dinh dưỡng tổng quát cho người trưởng thành.
Trong khi các nghiên cứu gần đây đã bác bỏ quan điểm này, thì những lầm tưởng xung quanh chế độ ăn giàu cholesterol và chất béo vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trên các diễn đàn trao đổi, và nhiều cơ sở y tế tiếp tục khuyến nghị chế độ ăn ít chất béo cho người dân.
Dưới đây là 9 lầm tưởng phổ biến về chất béo và cholesterol trong chế độ ăn uống cần được xem xét lại.
Contents
- 1 Ăn chất béo dẫn đến tăng cân?
- 2 Thực phẩm giàu cholesterol không tốt cho sức khỏe?
- 3 Chất béo bão hòa gây ra bệnh tim?
- 4 Nên tránh thực phẩm giàu chất béo và cholesterol khi mang thai?
- 5 Ăn chất béo làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường?
- 6 Bơ thực vật và các loại dầu giàu Omega-6 tốt cho sức khỏe hơn?
- 7 Mọi người đều phản ứng với cholesterol trong chế độ ăn uống giống nhau?
- 8 Thực phẩm nhiều chất béo không tốt cho sức khỏe?
- 9 Nên lựa chọn các sản phẩm không chứa chất béo?
Ăn chất béo dẫn đến tăng cân?
Một lầm tưởng về chế độ ăn uống phổ biến là ăn thực phẩm nhiều chất béo khiến bạn tăng cân. Mặc dù đúng là ăn quá nhiều bất kỳ chất dinh dưỡng đa lượng nào, bao gồm cả chất béo, sẽ khiến bạn tăng cân, nhưng tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo như một phần của chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh không dẫn đến tăng cân.
Ngược lại, tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo có thể giúp bạn giảm cân và giúp bạn cảm thấy no giữa các bữa ăn.
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn thực phẩm giàu chất béo, bao gồm cả trứng, bơ, các loại hạt và sữa nguyên kem, có thể giúp tăng hiệu quả giảm cân và tạo cảm giác no. Hơn nữa, chế độ ăn giàu chất béo, bao gồm chế độ ăn keto và chế độ ăn low carb đã được chứng minh là có tác dụng tăng hiệu quả giảm cân.
Tất nhiên, về vấn đề chất lượng, nếu bạn ăn các thực phẩm đã qua chế biến giàu chất béo, chẳng hạn như đồ ăn nhanh, đồ nướng nhiều đường và đồ chiên rán, vẫn có thể làm tăng nguy cơ tăng cân.
Thực phẩm giàu cholesterol không tốt cho sức khỏe?
Nhiều người cho rằng thực phẩm giàu cholesterol, bao gồm cả trứng, động vật có vỏ, thịt nội tạng và sữa nguyên kem là không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng.
Mặc dù đúng là một số thực phẩm giàu cholesterol, chẳng hạn như kem, đồ chiên và thịt chế biến sẵn, nên được hạn chế trong bất kỳ chế độ ăn uống lành mạnh nào, thì hầu hết mọi người không cần phải tránh các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng có hàm lượng cholesterol cao.
Tham khảo: Mất bao lâu để giảm nồng độ cholesterol trong máu?
Trên thực tế, nhiều loại thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao rất giàu dinh dưỡng. Ví dụ, lòng đỏ trứng có hàm lượng cholesterol cao và cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng, bao gồm B12, choline và selen, trong khi sữa chua nguyên chất béo có hàm lượng cholesterol cao chứa nhiều protein và canxi.
Ngoài ra, chỉ 30 gam gan sống giàu cholesterol (hoặc 19 gam nấu chín) cung cấp hơn 50% lượng vitamin A và B12 khuyến nghị hàng ngày. Hơn nữa, nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ thực phẩm lành mạnh, giàu cholesterol như trứng, cá béo và sữa nguyên kem có thể cải thiện nhiều khía cạnh của sức khỏe.
Chất béo bão hòa gây ra bệnh tim?
Trong khi chủ đề này vẫn đang được tranh luận sôi nổi giữa các chuyên gia, thì các nghiên cứu gần đây đã cho thấy không có mối liên hệ nhất quán nào giữa lượng chất béo bão hòa và bệnh tim mạch.
Đúng là chất béo bão hòa làm tăng các yếu tố nguy cơ bệnh tim chẳng hạn như tăng cholesterol LDL (xấu) và apolipoprotein B. Tuy nhiên, tiêu thụ chất béo bão hòa có xu hướng làm tăng số lượng các hạt LDL lớn, mịn, nhưng làm giảm số lượng các hạt LDL nhỏ hơn, dày đặc hơn có liên quan đến bệnh tim. Thêm vào đó, nghiên cứu đã chứng minh rằng một số loại chất béo bão hòa có thể làm tăng cholesterol HDL bảo vệ tim.
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu lớn đã không tìm thấy mối liên hệ nhất quán giữa lượng chất béo bão hòa và bệnh tim mạch hoặc tử vong liên quan đến bệnh tim. Tuy nhiên vẫn cần có nhiều nghiên cứu hơn về vấn đề này.
Hãy nhớ rằng có nhiều loại chất béo bão hòa khác nhau, mỗi loại lại có những tác động khác nhau đối với sức khỏe. Chế độ ăn uống của bạn nói chung – chứ không phải từng chất dinh dưỡng – sẽ là yếu tố quan trọng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bạn
Thực phẩm giàu chất dinh dưỡng có nhiều chất béo bão hòa như sữa chua béo, nước dừa không đường, pho mát và thịt gia cầm sẫm màu chắc chắn có thể được đưa vào một chế độ ăn uống lành mạnh và toàn diện.
Nên tránh thực phẩm giàu chất béo và cholesterol khi mang thai?
Phụ nữ mang thai thường được khuyên rằng họ nên tránh các thực phẩm giàu chất béo và cholesterol trong thai kỳ. Trong khi nhiều phụ nữ nghĩ rằng theo một chế độ ăn uống ít chất béo là tốt nhất cho sức khỏe của họ và thai nhi, thì việc ăn chất béo vẫn là điều cần thiết khi mang thai.
Trên thực tế, nhu cầu về các chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo, bao gồm vitamin A và choline, cũng như chất béo omega-3 tăng lên trong thời kỳ mang thai. Ngoài ra, não của thai nhi, chủ yếu được cấu tạo bởi chất béo, cần chất béo trong chế độ ăn uống để phát triển đúng cách.
Axit docosahexaenoic (DHA) – một loại axit béo có nhiều trong cá béo, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển trí não và thị lực của thai nhi, và nồng độ DHA trong máu của mẹ thấp có thể dẫn đến suy giảm sự phát triển thần kinh ở thai nhi.
Một số loại thực phẩm giàu chất béo cũng vô cùng bổ dưỡng và cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe của bà mẹ và thai nhi mà khó có thể tìm thấy ở các loại thực phẩm khác.
Ví dụ, lòng đỏ trứng đặc biệt giàu choline, một chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển trí não và thị lực của thai nhi. Hơn nữa, các sản phẩm từ sữa nguyên kem cung cấp một nguồn canxi và vitamin K2 tuyệt vời, cả hai đều cần thiết cho sự phát triển của hệ xương.
Ăn chất béo làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường?
Nhiều chế độ ăn được khuyến nghị để điều trị bệnh tiểu đường type 2 và tiểu đường thai kỳ là ăn ít chất béo. Điều này là do quan niệm sai lầm rằng tiêu thụ chất béo trong chế độ ăn uống có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Mặc dù tiêu thụ một số thực phẩm giàu chất béo chẳng hạn như chất béo chuyển hóa, đồ chiên nướng nhiều chất béo và thức ăn nhanh thực sự có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại thực phẩm giàu chất béo khác có thể bảo vệ chống lại sự phát triển của bệnh tiểu đường.
Ví dụ, cá béo, sữa nguyên kem, bơ, dầu ô liu và các loại hạt là những thực phẩm giàu chất béo đã được chứng minh là có thể giúp cải thiện lượng đường trong máu và mức insulin và có khả năng bảo vệ chống lại sự phát triển của bệnh tiểu đường.
Trong khi một số bằng chứng cho thấy rằng việc tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa hơn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, các nghiên cứu gần đây không tìm thấy mối liên hệ nào.
Yếu tố quan trọng nhất trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường là chất lượng tổng thể của chế độ ăn uống của bạn, chứ không phải số lượng từng chất dinh dưỡng riêng lẻ
Bơ thực vật và các loại dầu giàu Omega-6 tốt cho sức khỏe hơn?
Mọi người thường nghĩ rằng tiêu thụ các sản phẩm làm từ dầu thực vật như bơ thực vật và dầu hạt cải thay cho mỡ động vật sẽ tốt hơn cho sức khỏe. Tuy nhiên, dựa trên kết quả nghiên cứu gần đây, điều này có thể không đúng.
Bơ thực vật và một số loại dầu thực vật, bao gồm dầu hạt cải và dầu đậu nành, có nhiều chất béo omega-6. Mặc dù cả chất béo omega-6 và omega-3 đều cần thiết cho sức khỏe, nhưng chế độ ăn ngày nay thường có quá nhiều chất béo omega-6 và quá ít omega-3.
Sự mất cân bằng giữa lượng chất béo omega-6 và omega-3 có liên quan đến việc gia tăng chứng viêm và phát triển các tình trạng sức khỏe bất lợi. Trên thực tế, tỷ lệ omega-6 trên omega-3 cao hơn có liên quan đến các tình trạng sức khỏe như rối loạn tâm trạng, béo phì, kháng insulin, tăng các yếu tố nguy cơ bệnh tim và suy giảm tinh thần.
Dầu hạt cải được sử dụng trong nhiều hỗn hợp dầu thực vật, chất thay thế bơ và nước sốt ít chất béo. Mặc dù nó được bán trên thị trường như một loại dầu tốt cho sức khỏe, nhưng các nghiên cứu cho thấy lượng dầu ăn vào có thể có tác hại đối với nhiều khía cạnh của sức khỏe.
Ví dụ, các nghiên cứu ở người chỉ ra rằng ăn dầu hạt cải có thể liên quan đến tăng phản ứng viêm và hội chứng chuyển hóa, là một nhóm các tình trạng làm tăng nguy cơ bệnh tim.
Ngoài ra, nghiên cứu quan sát thấy rằng việc thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo giàu omega-6 không có khả năng làm giảm bệnh tim và thậm chí có thể làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim.
Mọi người đều phản ứng với cholesterol trong chế độ ăn uống giống nhau?
Đối với phần lớn mọi người, chất béo bão hòa và thực phẩm giàu cholesterol có thể là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Khoảng hai phần ba dân số có phản ứng rất ít hoặc không phản ứng với việc ăn vào một lượng lớn cholesterol trong chế độ ăn và được gọi là nhóm người bù đắp hoặc phản ứng chậm với cholesterol.
Ngoài ra, một tỷ lệ nhỏ dân số được coi là những người tăng đáp ứng hoặc không bù trừ, vì họ nhạy cảm với cholesterol trong chế độ ăn uống và bị tăng cholesterol trong máu lớn hơn nhiều sau khi ăn thực phẩm giàu cholesterol.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng, ngay cả ở những người tăng đáp ứng, tỷ lệ LDL-HDL vẫn được duy trì sau khi ăn cholesterol, có nghĩa là cholesterol trong chế độ ăn uống không có khả năng dẫn đến thay đổi lipid máu làm tăng nguy cơ tiến triển bệnh tim.
Điều này là do sự thích nghi diễn ra trong cơ thể, bao gồm việc tăng cường một số con đường loại bỏ cholesterol, nhằm tăng bài tiết cholesterol dư thừa ra khỏi cơ thể và duy trì mức lipid trong máu khỏe mạnh.
Mặc dù vậy, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị tăng cholesterol máu gia đình, một chứng rối loạn di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, sẽ bị giảm khả năng loại bỏ cholesterol dư thừa ra khỏi cơ thể.
Như vậy có thể thấy, phản ứng với cholesterol trong chế độ ăn uống được cá nhân hóa và có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là di truyền. Tốt nhất bạn nên nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có thắc mắc về khả năng dung nạp cholesterol trong chế độ ăn uống .
Thực phẩm nhiều chất béo không tốt cho sức khỏe?
Thực phẩm nhiều chất béo thường bị đánh giá là xấu, và ngay cả những thực phẩm giàu chất béo bổ dưỡng cũng bị gộp chung vào danh mục “thực phẩm xấu”. Điều này thật đáng tiếc vì nhiều thực phẩm giàu chất béo chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa và có thể giúp bạn ăn ngon miệng và hỗ trợ kiểm soát cân nặng hiệu quả.
Ví dụ, sữa nguyên kem, lòng đỏ trứng, thịt gia cầm còn da và dừa là những thực phẩm giàu chất béo thường bị những người đang cố gắng giảm cân hoặc đơn giản là để duy trì sức khỏe tránh xa mặc dù những thực phẩm này chứa các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần để hoạt động tối ưu.
Tất nhiên, ăn quá nhiều bất kỳ loại thực phẩm nào, bao gồm cả các loại thực phẩm trên vẫn có thể làm chậm quá trình giảm cân. Tuy nhiên, khi chúng được thêm vào chế độ ăn uống theo những cách lành mạnh, những thực phẩm giàu chất béo này có thể giúp bạn đạt được và duy trì cân nặng hợp lý đồng thời cung cấp một nguồn chất dinh dưỡng quan trọng.
Trên thực tế, ăn các thực phẩm giàu chất béo như trứng, bơ, các loại hạt và sữa nguyên kem có thể giúp giảm cân bằng cách giảm các hormone kích thích cảm giác đói và tăng cảm giác no.
Nên lựa chọn các sản phẩm không chứa chất béo?
Nếu bạn dạo quanh siêu thị, rất có thể bạn sẽ thấy vô số sản phẩm không chứa chất béo, bao gồm nước xốt salad, kem, sữa, bánh quy, pho mát và khoai tây chiên. Những mặt hàng này thường được bán trên thị trường cho những người muốn cắt giảm lượng calo từ chế độ ăn uống của họ bằng cách chọn thực phẩm có lượng calo thấp hơn.
Mặc dù thực phẩm ít chất béo có vẻ là một lựa chọn thông minh, nhưng những thực phẩm này không tốt cho sức khỏe tổng thể. Không giống như thực phẩm không chứa chất béo tự nhiên, chẳng hạn như hầu hết các loại trái cây và rau, thực phẩm không chứa chất béo đã qua chế biến chứa các thành phần có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trọng lượng cơ thể, sự trao đổi chất và nhiều khía cạnh sức khỏe khác.
Mặc dù có ít calo hơn so với các loại thực phẩm có chất béo thông thường, nhưng thực phẩm không chứa chất béo thường có lượng đường bổ sung cao hơn nhiều. Tiêu thụ một lượng lớn đường bổ sung có liên quan đến sự tiến triển của các bệnh mạn tính như bệnh tim, béo phì và tiểu đường.
Ngoài ra, ăn thực phẩm giàu đường bổ sung có thể ảnh hưởng tiêu cực đến một số hormone trong cơ thể bạn, bao gồm cả leptin và insulin, khiến bạn tiêu thụ nhiều calo hơn nói chung, điều này cuối cùng có thể dẫn đến tăng cân. Hơn nữa, nhiều sản phẩm không chứa chất béo có chứa chất bảo quản, màu thực phẩm nhân tạo và các chất phụ gia khác mà nhiều người muốn tránh vì lý do sức khỏe.
Thay vì cố gắng cắt giảm lượng calo bằng cách chọn các sản phẩm đã qua chế biến không có chất béo, hãy thưởng thức một lượng nhỏ các nguồn chất béo toàn phần, bổ dưỡng vào các bữa ăn chính và đồ ăn nhẹ để tăng cường sức khỏe tổng thể.
Hãy đến với Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Mọi thông tin xin liên hệ Hotline: 0935.18.3939 hoặc nhắn tin tới Fanpage.
BS. Đoàn Hồng
Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM
Theo Healthline