Thời tiết mùa hè là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây hại có trong thực phẩm sinh sôi và gây bệnh. Bảo quản thực phẩm đúng cách trong tủ lạnh là một biện pháp thiết yếu để giữ thực phẩm không bị hư hỏng, đảm bảo an toàn thực phẩm và giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra ngộ độc.
Mùa hè tuy chỉ mới bắt đầu nhưng trên cả nước đã ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc tập thể với những hậu quả không mong muốn. Trong đó, nguyên nhân được xác định chủ yếu là do một loại vi khuẩn có khả năng phát triển mạnh ở nhiệt độ từ 35 đến 37 độ C. Điều này có thể cho thấy, thời tiết oi bức chính là điều kiện rất thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi nảy nở, gây ra hàng loạt các vấn đề liên quan đến ngộ độc thực phẩm.
10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
Tổ chức Y tế thế giới cũng đã đưa ra những khuyến cáo về việc phòng chống mất an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách thực hiện 10 nguyên tắc cơ bản sau:
1. Lựa chọn thực phẩm an toàn.
2. Nấu chín kỹ thức ăn.
3. Ăn ngay sau khi nấu.
4. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín.
5. Nấu lại thức ăn thật kỹ.
6. Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn.
7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác.
8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn.
9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác.
10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn.
Theo đó, để đảm bảo an toàn thực phẩm, người nội trợ trong gia đình cần thực hiện đúng các nguyên tắc ngay từ khâu lựa chọn, sơ chế, chế biến và đặc biệt, bảo quản thực phẩm.
Bảo quản thực phẩm đúng cách có thể ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật cũng như giữ cho thực phẩm không bị biến chất, hư hỏng trong một khoảng thời gian nhất định. Với thời tiết oi bức, nóng nực của mùa hè, lý tưởng nhất là nên bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh. Tuy việc làm này không thể tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn nhưng với nhiệt độ bảo quản lạnh đúng, sự phát triển của đa số các loại vi khuẩn trong thực phẩm có thể bị ức chế.
Đọc thêm tại bài viết: Bệnh từ thực phẩm: Nguyên nhân và cách phòng tránh
Vậy, chúng ta có thể thực hiện những biện pháp nào để bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh an toàn, giúp đảm bảo sức khỏe của cả gia đình?
Các biện pháp bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách
1. Nhiệt độ làm lạnh
Nhiệt độ làm lạnh là một trong những yếu tố quan trọng để làm chậm sự phát triển của các vi khuẩn gây hại. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo tủ lạnh nên giữ ở nhiệt độ dưới 4 độ C (khoảng 40 độ F) để đảm bảo hoạt động làm lạnh tốt. Và ngăn đông phải ở mức nhiệt là dưới -17,7 độ C (khoảng 0 độ F).
Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế Thế giới, thức ăn đã qua chế biến muốn bảo quản cần được giữ nóng liên tục ở nhiệt độ trên 60 độ C hoặc lạnh dưới 10 độ C.
Chi tiết xem tại bài viết: Tủ lạnh và bảo quản thực phẩm an toàn
2. Thời gian bảo quản
Tất cả các thực phẩm khi bảo quản trong một thời gian dài có thể diễn ra hiện tượng tự chuyển hóa các chất hoặc tự phân hủy và kết quả là hao hụt một số chất dinh dưỡng. Nếu cấp đông thực phẩm tươi sống ở nhiệt độ từ -18 đến -30 độ C, thực phẩm có thể bảo quản lên tới một năm. Với nhiệt độ -36 độ C, thời gian bảo quản là 18 tháng.
3. Sơ chế, phân loại và bao gói kĩ thực phẩm
Tất cả các thực phẩm khi mua về cần được sơ chế, loại bỏ các phần dư thừa, dập nát, rửa sạch sẽ và để ráo nước. Sau đó, bao gói cẩn thận bằng túi hoặc hộp đậy kín. Đồng thời, trong quá trình đóng gói, nên tiến hành chia thực phẩm thành các phần nhỏ để bảo quản, phù hợp với khẩu phần từng bữa của gia đình mình. Tránh việc bảo quản khối lượng lớn và phải rã đông nhiều lần.
Một nguyên tắc cũng đặc biệt quan trọng là tách riêng giữa thực phẩm sống và chín để phòng tránh việc ô nhiễm chéo. Để làm tốt điều này, người nội trợ trong gia đình nên sắp xếp các vị trí bảo quản trong tủ lạnh thật hợp lý, tùy theo nhiệt độ, thời gian cũng như cách phân loại thực phẩm.
Đọc thêm tại bài viết: Cách bảo quản tốt nhất để giữ dinh dưỡng cho 5 nhóm thực phẩm
4. Không dự trữ đầy ắp tủ lạnh
Không khí lạnh cần phải lưu thông xung quanh các thực phẩm để làm lạnh. Nếu các ngăn chứa chật kín sẽ chặn luồng lưu thông của không khí lạnh, dẫn tới hiệu quả bảo quản kém.
5. Kiểm tra hạn sử dụng
Mỗi loại thực phẩm đều có thời gian bảo quản và thời hạn sử dụng nhất định. Do đó, ngay từ khâu đóng hộp, bao gói nên ghi rõ ngày bảo quản và ưu tiên sử dụng những thực phẩm cũ nhất trước tiên.
6. Thường xuyên vệ sinh tủ lạnh
Loại bỏ thường xuyên các vết bẩn có trong tủ lạnh, đặc biệt là các chất lỏng từ thịt. Điều này sẽ ngăn chặn việc sản sinh các mầm bệnh cũng như hiện tượng vi khuẩn lây nhiễm chéo giữa các thực phẩm.
Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh chính là một biện pháp hữu hiệu để phòng tránh các nguy cơ ngộ độc trong mùa hè này. Bằng cách tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc trên, người nội trợ hoàn toàn có thể bảo vệ sức khỏe của gia đình mình khỏi các bệnh liên quan đến thực phẩm một cách hiệu quả.
Mừng Tết thiếu nhi, Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM gửi tới cha mẹ chương trình VIAM Kids’s Day – Dinh dưỡng đong đầy với vô số phần quà ý nghĩa và giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo. Cùng VIAM clinic tìm hiểu chi tiết về chương trình Tại đây. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Hải Yến – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM