Bắt đầu cho trẻ ăn dặm – Phần 2

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Những thực phẩm đầu tiên

Những thực phẩm đầu tiên mà trẻ làm quen sẽ rất quan trọng để hình thành thói quen ăn uống tốt và để trẻ làm quen với nhiều loại thực phẩm khác nhau. Do vậy, số loại thực phẩm trẻ được làm quen sẽ quan trọng hơn là khối lượng trẻ ăn được bao nhiêu. 

Hãy cố gắng làm cho những bữa ăn đầu tiên của trẻ là một trải nghiệm tích cực và cho trẻ chơi, chạm vào và nếm thử nhiều loại thực phẩm mới. Trong những ngày ăn dặm đầu tiên, trẻ vẫn sẽ nhận được phần lớn chất dinh dưỡng từ sữa mẹ và sữa công thức, nên bạn đừng lo trẻ sẽ bị đói. 

Sau khi bú sữa khoảng 1 tiếng, khi mà trẻ chưa quá mệt mỏi chính là thời điểm tốt để cho trẻ tập ăn dặm. Hãy trộn các loại thực phẩm với một chút sữa mẹ hoặc sữa công thức để trẻ dễ chấp nhận hơn.

Các loại thực phẩm phù hợp với trẻ trong giai đoạn này bao gồm:

  • Các loại rau mềm, đã được nấu chín: bông cải xanh, bí xanh, cà rốt, khoai tây, khoai lang, bí đỏ, củ dền, các loại đậu. Những loại thực phẩm này có thể đã được nghiền nhuyễn hoặc cắt nhỏ bằng ngón tay và hấp chín nhừ.
  • Các loại trái cây mềm: chuối, xoài, dâu, trái bơ, lê hoặc táo đã nấu chín, mận, đào. Những loại hoa quả này cũng nên nghiền nhuyễn hoặc cắt nhỏ bằng ngón tay.
  • Ngũ cốc trộn với sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Hãy bắt đầu cho trẻ ăn thử khoảng vài thìa hoặc vài miếng một ngày trong khoảng 1 tuần để xác định xem trẻ muốn ăn nhiều hơn hay ít hơn.

Hãy cho trẻ làm quen các loại thực phẩm mới mỗi ngày, và bạn có thể phối hợp nhiều loại thực phẩm cùng với nhau, ví dụ như trộn bơ với chuối hoặc táo với lê. Mỗi loại thực phẩm nên nhắc lại 1 vài bữa để xác định xem trẻ có bị dị ứng với thực phẩm đó hay không.

Bạn cũng có thể cho trẻ làm quen với việc uống nước ở trong cốc.

Tăng dần các loại thực phẩm cứng

Khi trẻ đã đủ 6 tháng và bắt đầu quen với việc ăn dặm, bạn có thể cho trẻ làm quen với nhiều loại thực phẩm hơn và tăng dần số bữa ăn dặm lên 3 bữa/ngày. Hãy đảm bảo rằng bạn cho trẻ làm quen với nhiều loại thực phẩm với nhiều cấu trúc khác nhau và theo dõi xem trẻ đã no hay chưa.

Bạn có thể bổ sung thêm các thực phẩm như:

  • Thịt lợn, thịt gia cầm và cá: đảm bảo những loại thực phẩm này được nấu chín, đủ mềm và loại bỏ toàn bộ xương, da (nếu có).
  • Trứng: đảm bảo rằng trứng đã được nấu chín kỹ.
  • Các sản phẩm từ sữa nguyên kem: sữa chua trắng và phô mai là những lựa chọn tốt.
  • Các loại hạt: đảm bảo rằng các loại hạt đã được nghiền nhỏ hoặc đã được chế biến dưới dạng bơ hạt. Các loại hạt còn nguyên không nên cho trẻ ăn nếu trẻ chưa đủ 5 tuổi. Theo dõi kỹ các phản ứng của trẻ nếu gia đình bạn có tiền sử dị ứng với các loại hạt.

Khi trẻ đủ 7-9 tháng, rất nhiều trẻ có thể ăn được 3 bữa ăn dặm mỗi ngày. Cố gắng cho trẻ ăn đủ protein, carbohydrate và chất béo mỗi bữa.

Khi trẻ đủ 9-11 tháng, rất nhiều trẻ đã có thể ăn các loại thức ăn cắt nhỏ. Khi đó, trẻ đã có thể ăn các loại thực phẩm cứng hơn, ví dụ như bánh quy, táo, cà rốt, bánh mỳ…Giai đoạn này, trẻ có thể ăn được khoảng 3 bữa ăn dặm/ngày và cộng thêm một bữa tráng miệng, ví dụ như sữa chua và/hoặc trái cây.

Khi trẻ được 1 tuổi, đa số các trẻ đã có thể ăn được các bữa cùng với gia đình. Trẻ có thể ăn được 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ/ngày.

Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng, mỗi trẻ sẽ có một sự phát triển khác nhau, và con bạn có thể sẽ ăn nhiều hoặc ít hơn những trẻ khác, tuỳ theo nhu cầu.

Các loại thực phẩm nên tránh

Mặc dù trẻ nên được làm quen với nhiều loại thực phẩm, nhưng có một số loại thực phẩm nên tránh:

  • Mật ong: không nên cho trẻ dưới 12 tháng sử dụng mật ong vì có nguy cơ ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn botulism có trong mật ong.
  • Trứng chưa nấu chín: có thể sẽ chứa vi khuẩn Salmonella
  • Các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng: quá trình tiệt trùng sẽ giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn trong các sản phẩm từ sữa
  • Đồ ăn, thức uống nhiều đường, muối hoặc chế biến quá nhiều: đây là những sản phẩm rất ít dinh dưỡng. Đường có thể sẽ làm hỏng răng của trẻ và thận của trẻ sẽ không xử lý được nếu bữa ăn có quá nhiều muối. Bạn cũng không nên cho quá nhièu muối vào bữa ăn của gia đình.
  • Các sản phẩm sữa ít béo: trẻ nhỏ cần nhiều chất béo trong chế độ ăn hơn là người trưởng thành.

Một số mẹo để quá trình ăn dặm thành công hơn

Trẻ nhỏ thường thích vị ngọt hơn, do vậy hãy cố gắng cho trẻ thử ăn rau trước khi ăn trái cây để làm giảm nguy cơ trẻ sẽ từ chối món rau.

Cho trẻ ăn mỗi món một chút, nhưng cho trẻ làm quen với nhiều món. Tránh cho trẻ ăn cùng một thực phẩm lặp đi lặp lại quá nhiều lần. Nếu trẻ không thích một loại thực phẩm nào đó, hãy cố gắng trộn loại thực phẩm đó với một loại thực phẩm khác mà trẻ yêu thích cho đến khi trẻ chấp nhận loại thực phẩm kia.

Không ép trẻ ăn nhiều nếu trẻ không muốn, vì thường thì khi trẻ không ăn nữa nghĩa là trẻ đã no.

Cố gắng cho trẻ tham gia vào các bữa ăn gia đình. Trẻ thường sẽ ăn nhiều hơn khi trẻ thấy mọi người xung quanh cũng ăn.

Bạn có thể cho thức ăn của trẻ vào từng khay hoặc vào từng hộp nhỏ và cho vào ngăn đá nếu không muốn nấu lại hàng ngày. Hãy nhớ ghi rõ ngày bạn cất giữ những thức ăn này trên hộp đựng để đảm bảo rằng thức ăn của trẻ không bị để quá lâu. Những thức ăn này cần được nấu chín kỹ lại khi cho trẻ ăn.

Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM

Theo Healthline



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY