Bỏ bữa sáng làm tăng đường máu ở người bị tiểu đường

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Ngày càng nhiều người trong chúng ta đang bỏ “bữa ăn quan trọng nhất trong ngày” khi không ăn gì cho đến bữa trưa. Xu hướng bỏ bữa sáng này có liên quan đến vấn nạn béo phi và bệnh tim mạch đang gia tăng ở nhiều quốc gia và có thể gây hại cho sức khỏe của người bị tiểu đường.
Cho đến nay ảnh hưởng của việc bỏ bữa sáng đối với sức khỏe của người tiểu đường vẫn chưa được biết nhiều. Một nghiên cứu mới của Đại học Tel Aviv đã hé lộ tác động đáng kể của việc bỏ bữa sáng đối với người bị tiểu đường type 2. “Nhịn ăn” cho đến trưa làm tăng lượng đường trong máu và làm ức chế các phản ứng insulin của người bị tiểu đường type 2 suốt thời gian còn lại trong ngày.
Nghiên cứu trên được tiến hành bởi giáo sư Daniela Jakubowicz và Julio Wainstein thuộc Khoa Tiểu đường của Trung tâm Y tế Wolfson, Đại học Tel Aviv, Israel, giáo sư Oren Froy của Đại học Jerusalem Hebrew, Israel và giáo sư Bo Ahrén của Đại học Lund, Thụy Điển. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Điều trị Tiểu đường và được trình bày tại một hội nghị của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ ở Boston vào tháng 6 năm 2015.

Bữa ăn quan trọng nhất đối với người bị tiểu đường?

Mặc dù có nhiều nghiên cứu trước đó cho thấy lợi ích của bữa sáng giàu calo đối với việc giảm cân và điều tiết hoạt động chuyển hóa glucose, nhưng chưa có nhiều nghiên cứu về tác động của bỏ bữa sáng lên lượng đường trong máu trong cả ngày hôm đó, giáo sư Jakubowicz cho biết. Đáng chú ý là ở người bị tiểu đường type 2, bỏ bữa sáng làm tăng đáng kể lượng đường trong máu trong cả ngày và làm tăng chỉ số HbA1C, biểu thị cho mức glucose trung bình trong máu trong ba tháng trước đó.
Nghiên cứu lâm sàng này được tiến hành trên 22 người bị tiểu đường type 2 có độ tuổi trung bình là 56,9 và chỉ số khối cơ thể BMI là 28,2. Trong hai ngày, những người tham gia tiêu thụ lượng calo và bữa ăn giống nhau – sữa, cá ngừ, bánh mỳ và một thanh sôcôla – cho bữa trưa và bữa tối. Khác biệt duy nhất là một ngày họ ăn sáng và ngày còn lại thì nhịn đến trưa.
“Chúng tôi biết rằng bỏ bữa sáng không tốt cho sức khỏe nhưng rất bất ngờ khi thấy hoạt động chuyển hóa glucose kém đi nhiều chỉ vì không ăn sáng. Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy ở những người tham gia nghiên cứu, mức glucose đạt đỉnh 268 mg/dl sau ăn trưa và 298 mg/dl sau ăn tối vào ngày họ bỏ bữa sáng so với mức tương ứng là 192 mg/dl và 215 mg/dl vào ngày họ ăn sáng. Điều này có nghĩa là giảm lượng tinh bột và đường trong bữa trưa và bữa tối sẽ không có tác dụng giảm lượng glucose bị tăng lên nếu người bị tiểu đường bỏ bữa sáng, giáo sư Jakubowicz cho biết.

Cải thiện “trí nhớ” của tế bào beta

Theo các nhà nghiên cứu, tế bào beta ở tuyến tụy có chức năng sản xuất ra insulin bị mất “trí nhớ” sau một thời gian kéo dài từ bữa tối của ngày hôm trước và bữa trưa của ngày hôm sau. Nói cách khác, chúng quên mất vai trò quan trọng của mình. Vì thế tế bào beta cần thêm thời gian sau bữa trưa để phục hồi, việc này làm chậm các phản ứng insulin và làm tăng lượng glucose trong máu suốt cả ngày. Một yếu tố khác đó là nhịn ăn sáng làm tăng số axit béo trong máu, làm cho insulin mất khả năng giảm lượng glucose trong máu.
Từ nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu khuyến cáo người bị tiểu đường type 2 không nên bỏ bữa sáng vì việc này gây hại cho chức năng của tế bào beta và dẫn đến lượng đường trong máu tăng ngay cả khi người bệnh không ăn bù vào bữa trưa và bữa tối. Các nhà nghiên cứu đang lên kế hoạch tiến hành nghiên cứu tương tự ở người bị tiểu đường type1 vốn cần điều trị insulin hàng ngày.
TS. BS Trương Hồng Sơn
Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM


| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY