Các loại thịt cần nấu ở nhiệt độ bao nhiêu để đảm bảo an toàn?

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Nguồn protein từ động vật như thịt lợn, thịt bò, thịt gà là vô cùng giá trị. Chúng không chỉ cung cấp một lượng protein chất lượng cao mà còn rất nhiều khoáng chất, vi chất cần thiết khác cho cơ thể. Tuy nhiên, thịt sống cũng ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm, với các loại vi khuẩn khác nhau và có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng khi chúng ta nấu chúng không đúng cách. Vậy nhiệt độ nấu phù hợp với các loại thịt là bao nhiêu?

Thịt sống có thể ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn, như Salmonella, Campylobacter, E. Coli hay Listeria monocytogenes. Theo các chuyên gia, để giữ an toàn vệ sinh thực phẩm, thịt cần được nấu đủ lâu và ở nhiệt độ đủ cao để có thể tiêu diệt hết các vi sinh vật gây hại.

Nhiệt độ phù hợp với từng loại thịt

Đối với từng loại thịt khác nhau, việc chế biến theo các cách khác nhau cũng sẽ mang tới những mức nhiệt độ khác nhau. Tuy nhiên, bạn nên đảm bảo ở một mốc nhiệt an toàn để tránh các nguy cơ có hại khi sử dụng.

Thịt gia cầm

Thịt gia cầm là nhóm thịt phổ biến nhất, bao gồm các loại như thịt gà, thịt vịt, thịt ngỗng, thịt gà tây, gà lôi, hay chim cút. Thịt gia cầm cũng bao hàm tất cả các bộ phận của các loại động vật kể trên mà chúng ta có thể ăn được như cánh, đùi, ức,…

Thịt sống có thể bị nhiễm Campylobacter – gây ra tiêu chảy, sốt, nôn mửa hay đau nhức cơ. Salmonella và Clostridium perfringens cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự. Theo các chuyên gia, nhiệt độ an toàn để nấu thịt gia cầm (dù nấu cả con hay từng phần) là 75 độ C dù bất cứ nấu theo phương pháp nào.

Thịt bò

Các dạng chế biến thịt bò (bao gồm cả thịt viên, xúc xích…) đều cần đạt đến một nhiệt độ nhất định là 70 độ C đối với phần thịt ở bên trong. Đối với bit-tết hay thịt bê, nhiệt độ cần đạt được là 65 độ C với phần thịt ở bên trong.

Các sản phẩm như thịt xay đều trải qua một quy trình gia công, do vậy nguy cơ nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng cũng cao hơn. Đặc biệt đối với thịt bò – nguồn lây nhiễm ưu thích của chủng E. Coli, sử dụng thịt bò nhiễm bệnh có khả năng khiến cơ thể gặp phải các vấn đề nghiêm trọng. Thậm chí, việc nhiễm độc còn có thể gây suy thận, xuất huyết giảm tiểu cầu hay các cục máu đông khắp cơ thể.

Một chứng bệnh khác có tên Creutzfeldt-Jakob cũng được tìm thấy trong thịt bò bị ô nhiễm. Đây là chứng bệnh ở não gây chết ở những con bò trưởng thành và có thể lan sang người nếu ăn phải thịt từ những con bò này.

Thịt cừu

Thịt cừu có nhiều dạng sử dụng khác nhau, có thể từ những con cừu non hay cừu già đều được. Thịt cừu thường được hun khói theo văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới, và đôi khi chúng cũng thường được ăn ngay mà chưa cần chế biến.

Trong thịt cừu, một số mầm bệnh có thể xuất hiện như Staphylococus aureus, Salmonella, Escheriachia và Campylobacter. Chúng có thể gây ra các nhiễm khuẩn nghiêm trọng trong thực phẩm. Để tiêu diệt những vi khuẩn này, thịt cừu nên được nấu chín ở ít nhất 70 độ C. Đối với sườn cừu, nhiệt độ có thể là 65 độ C là đảm bảo.

Thịt lợn – jambon

Một số bệnh như bệnh nhiễm trùng Trichinosis có thể mắc phải khi ăn thịt lợn và các sản phẩm làm từ thịt lợn còn sống, chưa được nấu chín. Nhiễm trùng Trichinosis có thể gây buồn nôn, sốt, đau cơ. Các triệu chứng có thể kéo dài tới 8 tuần và trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong.

Thịt lợn tươi và jambon nên được chế biến ở mức tối thiểu là 65 độ C. Nếu các sản phẩm được chế biến sẵn, bạn nên hâm nóng lại ở mức 75 độ C để đảm bảo an toàn. Một số loại thịt xông khói được thái mỏng nên khó xác định nhiệt độ vừa đủ, tuy nhiên bạn có thể đảm bảo nấu đến khi thịt chín giòn là chúng thường đã chín cả bên trong lẫn bên ngoài.

Thịt động vật hoang dã

Một số người có sở thích sử dụng các loại thịt động vật hoang dã, như thịt nai, thịt trâu hay thịt thỏ. Mỗi loại thịt cũng sẽ có mức nhiệt độ nấu an toàn khác nhau, nhưng thông thường chúng cũng tương tự như các loại thịt truyền thống.

Theo đó, thịt nai xay – sơ chế trước cần chế biến ở khoảng 70 độ C, trong khi các miếng thịt được nướng nguyên miếng cần đạt 65 độ C. Khi đạt nhiệt độ này, bạn có thể sử dụng mà không cần lo lắng vì màu bên trong thịt vẫn còn hồng chẳng hạn. Đối với thịt thỏ hay thịt trâu rừng, phần thịt bên trong cần được nấu chín ở mức 70 độ C, trong khi dạng bít-tết cần được phải nấu ở mức nhiệt 65 độ C.

Mẹo bảo quản và hâm nóng thịt

Khoảng nhiệt độ nguy hiểm của các loại thịt là từ 40 – 60 độ C. Trong khoảng nhiệt độ này, vi khuẩn phát triển rất nhanh. Đối với các thịt được nấu chín, bạn cần duy trì nhiệt độ tối thiểu là 60 độ C để sử dụng ngay và cần được bảo quản lạnh ngay trong vòng 2 giờ kể từ khi nấu nếu chưa dùng đến.

Tương tự với các loại thịt nguội, jambon, cần giữ ở nhiệt độ 5 độ C hoặc thậm chí là thấp hơn. Các loại thịt nếu ở trong nhiệt độ phòng quá 2 giờ cũng nên loại bỏ, hoặc chỉ sau 1 giờ là loại bỏ nếu nhiệt độ phòng cao hơn 35 độ C. Các món ăn có thịt như súp, món hầm nên được hâm nóng ở mức 75 độ C bằng các cách như chảo, lò vi sóng, lò nướng…

Tổng kết

Nếu bạn chế biến và sử dụng các sản phẩm từ thịt, điều quan trọng là bạn cần nắm được mức nhiệt độ an toàn để giảm các nguy cơ gặp phải ngộ độc hay các bệnh lý nguy hiểm khác. Thông thường, nhiệt độ nấu an toàn dao động tùy thuộc vào từng loại thịt khác nhau, nhưng phổ biến là trong khoảng 65 độ C đối với thịt tươi và 70–75 độ C đối với thịt được sơ chế như thịt xay… Bạn cũng lưu ý bảo quản thịt đúng cách ngoài môi trường và hâm nóng lại ở mức đảm bảo để an toàn khi sử dụng.

Hãy đến với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Mọi thông tin xin liên hệ Hotline: 0935.18.3939 hoặc Fanpage Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM.

Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM

Theo Healthline



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY