Cách phòng tránh thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ em

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Thiếu hụt sắt ở trẻ em có thể ảnh hưởng tới sự phát triển và dẫn tới thiếu máu. Hãy xem con bạn cần bổ sung bao nhiêu sắt và tìm hiểu thêm về những thực phẩm giàu sắt.

Liệu con bạn đã bổ sung đủ lượng sắt từ chế độ dinh dưỡng hay chưa? Hãy tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng thiếu sắt ở trẻ em, cách nhận biết và phòng tránh.

Tầm quan trọng của sắt đối với trẻ em

Sắt là nguyên tố vi lượng thiết yếu đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Sắt trong hồng cầu giúp mang oxy từ phổi đến các cơ quan khác trong cơ thể, giúp cơ dự trữ và tiêu thụ oxy. Nếu con bạn bị thiếu sắt, trẻ sẽ bị mắc phải một số vấn đề khá nghiêm trọng.

Thiếu sắt ở trẻ em diễn ra ở nhiều mức độ, từ thiếu nguồn sắt dự trữ cho tới bệnh thiếu máu (tình trạng mà cơ thể không thể sản sinh đủ hồng cầu trưởng thành). Trẻ bị thiếu sắt nếu không được điều trị có thể sẽ chậm phát triển về thể chất và trí tuệ.

Nhu cầu sắt ở trẻ em

Trẻ khi sinh ra đã có một lượng dự trữ sắt nhất định trong cơ thể, tuy nhiên cần thiết phải bổ sung thêm sắt để thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Bảng dưới đây tóm tắt nhu cầu về sắt ở những độ tuổi khác nhau:

Độ tuổi

Liều khuyến nghị hàng ngày

7 – 12 tháng

11 mg

1 – 3 tuổi

7 mg

4 – 8 tuổi

10 mg

9 – 13 tuổi

8 mg

14 – 18 tuổi, nữ

15 mg

14 – 18 tuổi, nam

11 mg

Các nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt sắt ở trẻ em

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ thiếu sắt hàng đầu, bao gồm:

– Trẻ bị sinh non trước 3 tuần hay trẻ có cân nặng sơ sinh thấp.

– Trẻ bú sữa mẹ sau 6 tháng tuổi mà không ăn dặm để bổ sung sắt

– Trẻ uống sữa công thức không bổ sung sắt

– Trẻ bị mắc một số bệnh như nhiễm trùng mãn tính hay đang trong chế độ ăn kiêng

– Trẻ từ 1 – 5 tuổi bị nhiễm độc chì

– Trẻ em gái ở độ tuổi dậy thì có nguy cơ cao thiếu hụt sắt do tình trạng mất máu qua chu kỳ kinh nguyệt.

Thiếu sắt có thể gây ảnh hưởng đến một số chức năng trong cơ thể. Tuy nhiên, hầu hết các dấu hiệu của thiếu sắt sẽ không xuất hiện cho tới khi tình trạng thiếu máu do thiếu sắt diễn ra. Nếu con bạn là đối tượng có nguy cơ bị thiếu sắt, hãy tham khảo ý kiến của bác sỹ.

Dấu hiệu và triệu chứng của thiếu máu do thiếu sắt bao gồm một hoặc kết hợp các triệu chứng sau: da xanh, mệt mỏi, suy nhược, chậm phát triển nhận thức, viêm lưỡi, nhiệt độ cơ thể không ổn định, gia tăng nhiễm trùng

Cách phòng tránh thiếu sắt ở trẻ em

Hãy điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của trẻ để phòng chống thiếu sắt ở trẻ em theo các cách dưới đây: 

– Cho trẻ bú mẹ hoặc sử dụng sản phẩm bổ sung sắt: Hãy cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho con bú tới năm 1 tuổi. Sắt trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn so với sắt bổ sung trong các sản phẩm khác. Nếu bạn không cho con bú thì có thể sử dụng sản phẩm bổ sung sắt để thay thế. Bạn cũng nên nhớ Sữa bò thông thường không phải là nguồn thực phẩm giàu chất sắt.

– Chế độ dinh dưỡng cân bằng: Khi bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung, hãy bổ sung thêm sắt vào bữa ăn của trẻ như là sử dụng các sản phẩm ngũ cốc tăng cường thêm sắt. Đối với trẻ lớn, nguồn thực phẩm giàu sắt bao gồm có thịt đỏ, thịt gà, cá, đậu đỗ và các loại rau lá xanh sẫm. 

– Làm tăng hấp thu sắt: Vitamin C giúp làm tăng hấp thu sắt. Bạn có thể cho trẻ ăn thêm những thực phẩm giàu vitamin C như dưa hấu, dâu tây, kiwi, rau cải xanh, cà chua và khoai tây.

– Sử dụng những sản phẩm bổ sung sắt: Nếu trẻ bị sinh non hay nhẹ cân khi mới sinh hoặc trẻ trên 6 tháng tuổi vẫn đang bú mẹ nhưng không ăn bổ sung thực phẩm giàu sắt, hãy tham khảo ý kiến bác sỹ về nguồn sắt bổ sung.

Có nên cho trẻ đi kiểm tra về tình trạng thiếu sắt

Thiếu sắt và thiếu máu do thiếu sắt thường được chẩn đoán thông qua xét nghiệm máu. Viện hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng tất cả trẻ có cân nặng sơ sinh thấp nên được kiểm tra sớm về trình trạng thiếu máu do thiếu sắt và kiểm tra lại ở các giai đoạn kế tiếp. Tùy thuộc vào kết quả kiểm tra mà bác sỹ có thể khuyến cáo cho trẻ sử dụng một liều bổ sung sắt hay multivitamin mỗi ngày hoặc yêu cầu thực hiện những xét nghiệm khác.

Thiếu sắt ở trẻ em là có thể phòng tránh được. Để giúp cho trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường, hãy luôn lưu ý đến hàm lượng sắt bổ sung hàng ngày qua chế độ ăn uống của trẻ và hỏi ý kiến bác sỹ về việc kiểm tra cũng như bổ sung thêm sắt cho trẻ.

TS. BS Trương Hồng Sơn

Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY