Cần lưu ý điều gì khi lên kế hoạch ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi?

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Tuy sữa mẹ và sữa công thức vẫn là loại thức ăn chủ yếu trong chế độ ăn của trẻ 6 tháng tuổi, nhưng nhiều người nhận thấy rằng lịch ăn của trẻ cũng sẽ thay đổi khi trẻ bắt đầu được cho ăn dặm.

Lịch cho ăn của trẻ 6 tháng theo loại thực phẩm

Thông thường, trẻ sơ sinh cần được ăn mỗi 2-3 tiếng và từ 5-6 lần mỗi ngày. Nhưng tần suất này cũng có thể thay đổi tùy vào từng ngày, hoặc tùy vào lượng trẻ ăn mỗi bữa.

Điều quan trọng là người chăm sóc trẻ cần phải nắm bắt được các tín hiệu từ trẻ, cho dù trẻ đã quen với tần suất ăn.

Làm quen với thức ăn rắn

Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo rằng trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Và khi đã được 6 tháng, cha mẹ có thể bắt đầu đưa thức ăn rắn vào chế độ ăn để trẻ bắt đầu làm quen.

Trẻ có thể bắt đầu tập ăn dặm khi được 6 tháng tuổi nếu:

  • Trẻ đã có thể kiểm soát đầu tốt
  • Trẻ có thể ngẩng cổ trong một khoảng thời gian nhất định
  • Trẻ có tự ngồi dậy mà không cần đỡ
  • Trẻ không còn có phản xạ đẩy đồ ăn ra khỏi miệng bằng lưỡi
  • Trẻ biểu hiện sự thích thú khi đến giờ ăn và rướn người về phía có đồ ăn khi được cho ăn

Ở giai đoạn này, sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là nguồn dinh dưỡng chủ yếu và thức ăn rắn chỉ là ăn thêm.

Không phải trẻ 6 tháng nào cũng đều sẵn sàng để ăn dặm. Nếu đứa trẻ tỏ ra không thích thú, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có thể đợi thêm một vài tuần và thử cho trẻ ăn lại.

Một trong những cách bắt đầu cho trẻ ăn dặm bạn có thể thử là cho trẻ ăn 1-2 thìa ngũ cốc được bổ sung sắt hoặc rau củ xay nhuyễn. Sau đó, nếu trẻ tỏ ra hưởng ứng, bạn có thể tăng dần lượng ăn tùy vào khẩu vị của trẻ.

Bên cạnh đó, để đảm bảo trẻ vẫn được ăn đầy đủ, mẹ vẫn nên cho trẻ bú hoặc cho trẻ uống một bình sữa trước khi cho trẻ ăn thức ăn dặm. Vào giai đoạn này, khi trẻ mới làm quen với thức ăn dặm, bạn chỉ nên cho trẻ ăn một bữa thức ăn rắn mỗi ngày. Khi trẻ đã quen với tần suất 1 bữa ăn dặm mỗi ngày, bạn có thể tăng dần tần suất bữa ăn dặm.

Hơn nữa, thời điểm tốt nhất để cho trẻ tập ăn chính là khi mẹ hoặc người trông trẻ đang không quá bận và không vội vã, và trẻ thì đang không quá đói hay mệt mỏi quấy khóc.

Mục tiêu ở giai đoạn 6 tháng này không phải là để xây dựng một thói quen ăn uống mới hay tập cho trẻ ăn các loại thực phẩm mới. Tương tự, người lớn cũng không cần phải ép trẻ ăn dặm hoặc giới hạn lượng trẻ ăn khi trẻ biểu hiện muốn ăn thêm.

Trẻ sơ sinh khi đến thời kì ăn dặm cần phải được ăn đa dạng các loại thực phẩm và giàu dinh dưỡng, bất kể thói quen ăn uống của trẻ thế nào.

Khi tập cho trẻ ăn các loại thức ăn mới, hầu hết trẻ đều cần thử vài lần trước khi cảm thấy thật sự thoải mái. Và hãy cứ để trẻ ăn theo tốc độ và cách riêng của trẻ. Bên cạnh đó, việc trẻ chơi đùa với đồ ăn trong giai đoạn này cũng là hoàn toàn bình thường vì đó là cách trẻ khám phá những điều mới mẻ xung quanh.

Sữa mẹ và sữa công thức

Như đã nhắc đến ở phần trên, ở giai đoạn 6 tháng tuổi, sữa mẹ và sữa công thức vẫn là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất. Cách đơn giản nhất để đảm bảo trẻ được ăn đầy đủ và cung cấp đủ dưỡng chất là cho trẻ bú mẹ hoặc uống sữa công thức khi trẻ có nhu cầu và biểu hiện đang đói.

Các nghiên cứu khoa học cũng ủng hộ việc cho trẻ ăn theo nhu cầu. Tuy nhiên, điều này có thể gây khó khăn cho mẹ hoặc người chăm sóc trẻ do có thể phải ngủ ít hơn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nhìn chung, mẹ nên cho con bú khoảng 3-5 lần mỗi ngày hoặc có thể hơn tùy vào từng đứa trẻ, nhưng mỗi bữa có thể cách nhau 3-4 tiếng.

Đôi khi cũng có những trẻ thích bú nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn. Bên cạnh đó, những trẻ đang lớn nhanh hoặc đang bị ốm cũng có thể ăn thường xuyên hơn.

Nếu trẻ đang ăn sữa ngoài, bạn có thể cho trẻ uống khoảng 700-900ml sữa chia thành 5-6 lần cho ăn trong cả ngày. Ngoài ra, tuy phần lớn trẻ 6 tháng tuổi sẽ ngủ qua đêm nhưng cũng có nhiều trẻ thường tỉnh dậy giữa đêm và đòi ăn.

Các loại nước uống khác

Trẻ 6 tháng tuổi chưa cần uống nước hoa quả. Năng lượng từ các loại nước hoa quả có thể làm giảm cảm giác thèm ăn của trẻ. Hơn nữa, đường trong nước hoa quả có thể làm tổn thương những chiếc răng đang mọc của trẻ. Và tất nhiên, nước ngọt có ga và các loại nước ngọt đóng chai khác đều không tốt cho sức khỏe của trẻ sơ sinh.

Bắt đầu từ 6 tháng tuổi, trẻ có thể uống nước lọc, hoặc khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Khi trẻ tập ăn dặm, bạn cũng có thể để kèm một cốc nước để trẻ tập uống nước song song với tập ăn.

Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM

Theo Medical News Today



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY