Cần nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ SDD bào thai như thế nào?

10/04/2024 -  Kiến thức dinh dưỡng

Trẻ bị SDD bào thai có thể gặp một số bất lợi về cân nặng, chiều cao, trí tuệ, hệ miễn dịch, chức năng các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu trẻ được phát hiện kịp thời và được nuôi dưỡng đầy đủ, trẻ có thể phục hồi và phát triển bình thường.

suy dinh dưỡng bào thai

Suy dinh dưỡng (SDD) bào thai là gì?

SDD bào thai được định nghĩa là trẻ sinh ra không có được một lượng mỡ dưới da và cơ bắp bình thường, nhỏ hơn so với tuổi thai và/hoặc bị hạn chế tăng trưởng trong tử cung.

SDD bào thai có 3 nguyên nhân chính:

  • Mẹ mắc bệnh trong quá trình mang thai: Người mẹ bị mắc một số bệnh có thể gây cản trở sự phát triển của thai nhi như bệnh tim mạch, bệnh thận, thiếu máu, sinh con so khi đã cao tuổi, bệnh nhiễm trùng,…
  • Dinh dưỡng của mẹ khi mang thai kém: Người mẹ trong quá trình mang thai có chế độ ăn uống kém có thể sinh con ra bị SDD, đặc biệt là sự thiếu hụt protein trong chế độ ăn. Mẹ tăng cân chậm trong 3 tháng cuối thai kỳ cũng có thể khiến trẻ sinh ra bị SDD bào thai.
  • Suy nhau thai: Suy nhau thai do tổn thương bánh nhau làm cho sự trao đổi sinh lý giữa mẹ và con bị suy giảm dẫn đến thai nhi không phát triển được.

SDD bào thai có 3 mức độ:

  • Loại nhẹ: Trẻ sinh ra có cân nặng giảm ít so với cân nặng khuyến nghị của trẻ, chiều dài của trẻ bình thường.
  • Loại trung bình: Trẻ sinh ra có cân nặng và chiều cao đều giảm so với cân nặng và chiều cao khuyến nghị của trẻ, chu vi vòng đầu bình thường.
  • Loại nặng: Trẻ có cả cân nặng, chiều dài và chu vi vòng đầu đều giảm so với khuyến nghị theo tuổi.

SDD bào thai ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như thế nào?

Các nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng trẻ sơ sinh nhẹ cân có liên quan đến một loạt các bất lợi trong cuộc sống sau này, bao gồm có “vốn tự có” kém hơn (tầm vóc ngắn hơn, khả năng tư duy kém hơn), tăng các yếu tố nguy cơ mắc bệnh sau này (huyết áp cao, giảm dung nạp glucose, suy giảm chức năng phổi, thận và chức năng miễn dịch),  dễ mắc các bệnh lâm sàng (tiều đường, bệnh mạch vành, bệnh phổi, bệnh thận mãn tính), tăng tỉ lệ tử vong do mọi nguyên nhân (đặc biệt là nguyên nhân từ bệnh tim mạch).

Trẻ sơ sinh bị SDD bào thai có nguy cơ  mắc ung thư và béo phì cao hơn (nếu mẹ bị tiểu đường thai kỳ) và tiểu đường. 3 ảnh hưởng lớn nhất đối với trẻ bị SDD bào thai bao gồm:

  • Chậm phát triển chiều cao, cân nặng
  • Chậm phát triển trí não, trẻ ít nhanh nhẹn và kém thông minh
  • Hệ miễn dịch và chức năng các cơ quan như gan, thận, tim, phổi,… suy giảm

Tuy nhiên những ảnh hưởng đó có để lại di chứng sau này hay không còn tùy thuộc vào SDD sớm hay muộn, SDD được phục hồi nhanh hay chậm.

Chăm sóc trẻ bị SDD bào thai

 Trẻ bị SDD bào thai ngay sau sinh có nguy cơ:

  • Hạ đường huyết gây rối loạn nhịp thở
  • Hạ thân nhiệt
  • Hạ canxi máu gây co giật

Do đó, ngay sau khi sinh, phải cho trẻ bú sớm, mẹ bế trẻ để ủ ấm cho trẻ và theo dõi các dấu hiệu trên. Trẻ SDD bào thai có hệ tiêu hóa kém hoàn thiện nên việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ đầy đủ là rất quan trọng, bao gồm:

  • Cho  trẻ bú sữa mẹ trong 1 giờ đầu ngay sau khi chào đời, đảm bảo trẻ bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu, bú nhiều hơn trẻ bình thường, nếu trẻ bú kém có thể vắt sữa mẹ ra và đút bằng thìa.
  • Chỉ cho trẻ ăn dặm khi trẻ được 6 tháng tuổi, đảm bảo chế độ ăn uống của trẻ đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng.
  • Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ
  • Bổ sung vi chất cho trẻ (Sắt, kẽm, canxi, vitamin A, D,..)

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

BS. Đoàn Hồng – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY