Chứng vàng da do thừa Carotene

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Gần đây, một số trẻ đến khám tại Phòng khám dinh dưỡng VIAM Clinic với lý do phát hiện da lòng bàn tay, bàn chân nhiễm màu vàng, khiến gia đình lo lắng. Khi thăm khám cho trẻ trẻ thường không thấy có biểu hiện bất thường như biếng ăn, táo bón, mất ngủ… Một số trẻ có cân nặng, chiều cao thấp hơn tiêu chuẩn; niêm mạc mắt, miệng và da không bị vàng (trừ gan ban tay và bàn chân). Khi phỏng vấn kĩ về khẩu phần thì thấy mẹ sử dụng nhiều bữa ăn có cà rốt, bí đỏ, đu đủ trong thời gian qua; một tuần ăn tới 5-6  bữa cháo nấu cùng cà rốt, bí đỏ. Mẹ giải thích lý do là đọc các thông tin trên mạng thấy nói các loại rau củ màu vàng có nhiều vitamin A, chất chống oxy hóa, tăng miễn dịch rất tốt cho sức khỏe của trẻ, mặt khác khi nấu cháo với cà rốt, bí đỏ  thấy “ngọt nước”, trẻ thích ăn.

Tình trạng này khá hay gặp ở Việt Nam, được các bác sĩ chẩn đoán là thâm nhiễm carotene, bệnh lành tính, màu vàng ở gan bàn tay bàn chân sẽ giảm dần sau 1-2 tháng khi cắt giảm nguồn carotene nạp vào từ thức ăn. Một số báo cáo khác tại Việt Nam cũng mô tả một gia đình ở Bình Thuận trồng nhiều đu đủ, đã ăn hàng ngày và nhiều người trong gia đình đã xuất hiện hội chứng này.  

Carotene là gì?

Caroten là một dạng sắc tố hữu cơ có tự nhiên, đặc biệt cao ở các loại rau quả có màu vàng, màu đỏ, màu xanh (cà rốt, bí đỏ, gấc, đu đủ, ngô vàng, lòng đỏ trứng, …). Khi hấp thu vào cơ thể, beta carotene chuyển hóa thành vitamin A và là nguồn cung cấp vitamin A tự nhiên cho cơ thể. Vitamin A đóng vai trò quan trọng với chức năng nhìn của mắt, cho sự phát triển của trẻ em nên, nâng cao miễn dịch.

Dấu hiệu thâm nhiễm carotene

Do carotene hòa tan trong dầu mỡ, nên nó sẽ tích luỹ ở các vùng mỡ dưới da, làm các vùng mỡ có màu vàng. Tình trạng này dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý gan mật và gây tâm lý lo lắng cho các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, nếu nhiễm carotene thì tình trạng vàng da thường chỉ xuất hiện tại lòng bàn tay và lòng bàn chân mà không phải vàng da toàn thân và kết mạc mắt như trong các bệnh lý gan mật. Do đó, các bác sĩ có kinh nghiệm sẽ dễ dàng nhận biết được tình trạng nhiễm carotene thông qua thăm khám trên lâm sàng và phỏng vấn phụ huynh về khẩu phần ăn của trẻ.

Khi xét nghiệm máu sẽ thấy nồng độ beta-carotene huyết thanh tăng cao hơn 3-4 lần so với bình thường, Các chỉ số chức năng gan bình thường (hoặc thay đổi rất ít).

Phòng và điều trị chứng thâm nhiễm carotene như thế nào ?

Cơ thể cần vitamin A và Carotene, chúng có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên dù là tốt cũng không nên ăn quá nhiều gây ra những tác dụng phụ như trên đây.

Bởi vậy lời khuyên hợp lý với trẻ nhỏ ăn bột, ăn cháo là nên ăn đa dạng, nhiều loại rau củ khác nhau, mỗi tuần nên có 3-5 bữa bột, hoặc 2-3 ngày có ăn thực phẩm giàu carotene, khi nấu bột cháo nên cho thêm 1-2 thìa dầu mỡ để cơ thể dễ hấp thu và sử dụng carotene.

Với người trưởng thành, cũng nên đa dạng thực phẩm, tuần vài lần ăn cà rốt, bí đỏ, đu đủ, không nên ngày nào cũng ăn một loại và kéo dài nhiều ngày. Điều cần chú ý là carotene dễ bị biến đổi và thoái hóa khi có ánh sáng mặt trời, nhiệt độ cao, do vậy cần chú ý khi thu hái và  bảo quản.

Nếu đã bị chứng thâm nhiễm caroten, cũng không quá lo lắng, chỉ cần cắt giảm hoặc ngừng sử dụng các thực phẩm này trong vài tuần thì dấu hiệu thâm nhiễm sẽ giảm và hết.

Ths. BS. Đoàn Ngọc Hà

Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY