Có nên cho trẻ uống nước ép trái cây để giải khát trong mùa hè không?

13/05/2024 -  Kiến thức dinh dưỡng

Mùa hè tới cũng là lúc những món đồ uống mát lạnh được ép từ trái cây được tiêu thụ nhiều hơn bình thường, đặc biệt một số cha mẹ còn coi nước ép trái cây ướp lạnh là thức uống giúp trẻ giải khát trong những ngày hè nắng nóng.

Tuy nhiên, uống quá nhiều nước ép lại gây ra những vấn đề sức khỏe cho trẻ như dinh dưỡng kém, béo phì, sâu răng,… cùng tìm câu trả lời cho câu hỏi “có nên cho trẻ uống nước ép để giải khát hay không?” qua bài viết sau đây.

nước ép trái cây mùa hè

Lợi ích của nước ép trái cây

Các loại nước ép trái cây như nước ép cam, dứa, ổi, lựu, bưởi,… rất được ưa chuộng trong mùa hè bởi hàm lượng dinh dưỡng tuyệt vời của chúng. Nước ép trái cây chứa nhiều loại vitamin như vitamin A, C, K, B9 khoáng chất như Canxi, sắt, kali và hóa chất thực vật. (Hóa chất thực vật trong trái cây đã được chứng minh giúp chống ung thư và các bệnh khác).

Uống nước ép trái cây đều đặn giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm viêm và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhờ các hợp chất chồng oxy hóa có trong trái cây.

Folate có trong trái cây cũng giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi.

Đọc thêm tại bài viết: Các loại nước ép hoa quả bạn nên uống khi bị ốm

Uống nhiều nước ép trái cây có tốt không?

Bên cạnh những lợi ích tuyệt vời của nước ép trái cây, thì vẫn có những hạn chế nhất định.

Nước ép trái cây không chứa chất xơ: Trong nước ép trái cây gần như không chứa chất xơ vì chất xơ chính là phần bã còn lại sau khi ép hết nước trong các loại quả. Trẻ uống nhiều nước ép có thế mất đi lợi ích từ chất xơ này.

Chất xơ trong trái cây được biết tới là prebiotic tự nhiên trong thực phẩm (prebiotic là thức ăn cho các vi khuẩn đường ruột). Việc bổ sung nhiều chất xơ từ trái cây giúp tăng cường vi khuẩn tốt – hạn chế vi khuẩn xấu, tăng cường sức khỏe đường ruột của trẻ, giúp trẻ có hệ thống miễn dịch tốt hơn, giảm táo bón và bảo vệ trẻ khỏi bệnh tiêu chảy.

Nước ép trái cây chứa nhiều đường: Trẻ uống nước ép dễ có xu hướng nạp vào nhiều đường hơn là khi ăn trái cây trực tiếp do khi ép nước sẽ phải dùng nhiều trái cây hơn để có thể đổ đầy được một cốc.

Đường trong trái cây dù là đường tự nhiên, nhưng nếu nạp quá nhiều đường cũng dẫn đến nguy cơ mắc bệnh béo phì và sâu răng. Một số loại nước ép chứa nhiều đường bao gồm: mía, dứa, dưa hấu,…

Có nên uống nước trái cây mỗi ngày? - VnExpress Sức khỏe

Khiến trẻ nghiện đồ ngọt: Nước ép trái cây còn có một tác hại tiềm ẩn khác mà cha mẹ có thể không để ý, đó là khiến trẻ thích uống đồ ngọt hơn là uống nước thông thường.

Khi trẻ đã quen với hương vị thơm ngọt của nước trái cây, rất ít trẻ chấp nhận uống nước thường, hoặc trẻ sẽ đòi hỏi phải uống sữa có hương vị trái cây. Như vậy, khi cha mẹ không thể chuẩn bị nước ép cho trẻ, trẻ có thể cáu gắt và từ chối uống các loại nước khác.

Dinh dưỡng kém: Trong nước ép trái cây chứa nhiều vitamin, khoáng chất và đường, nhưng lại thiếu đi những chất dinh dưỡng thiết yếu khác như tinh bột, đạm, chất béo, chất xơ,… Do đó, khi trẻ lạm dụng uống nước ép trái cây và ăn ít đi, tức là trẻ có nguy cơ thiếu hụt các chất dinh dưỡng khác, ảnh hưởng đến phát triển tổng thể của trẻ.

Nghiên cứu cũng chỉ ra trẻ có xu hướng ít ăn rau hơn khi được uống nước ép trái cây thường xuyên.

Đọc thêm tại bài viết: Nước ép hay sinh tố tốt cho sức khỏe

Nên cho trẻ uống nước ép trái cây như thế nào?

Với những tác hại kể trên, cha mẹ không nên cho trẻ uống nước ép như một thức uống giải khát ngày hè cho trẻ. Nếu cha mẹ muốn con được giải nhiệt tốt nhất và thỏa mãn cơn khát cho trẻ, một cốc nước lọc là sự lựa chọn tốt hơn cả.

Mặc dù vậy, cha mẹ cũng không nên bỏ qua thức uống ngon lành này cho trẻ, cha mẹ chỉ cần lưu ý một số điều sau:

  • Đối với trẻ dưới 1 tuổi, cha mẹ không nên cho trẻ uống nước ép trái cây.
  • Đối với trẻ nhỏ (từ 1-3 tuổi), mỗi ngày cha mẹ có thể cho trẻ uống không quá 120ml.
  • Đối với trẻ lớn hơn (từ 4 tuổi trở lên), trẻ có thể uống 1 cốc từ 120-180ml nước ép mỗi ngày.
  • Không cho trẻ uống suốt cả ngày, dễ khiến trẻ bị sâu răng. Cha mẹ nên cho trẻ uống hết lượng nước ép vào 1 khoảng thời gian thích hợp trong ngày, uống xa bữa ăn để tránh bỏ bữa.
  • Hạn chế nước ép đối với những trẻ biếng ăn hoặc thừa cân béo phì.

Cha mẹ cũng nên nhớ rằng, so với việc uống nước ép trái cây, việc ăn trực tiếp các loại quả này sẽ có lợi hơn rất nhiều, do đó cha mẹ nên khuyến khích con ăn trái cây thay vì ép nước ra nhé.

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Bác sỹ Đoàn Thu Hồng 



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY