“Chìa khóa vàng” giúp cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ

02/02/2024 -  Kiến thức dinh dưỡng

Táo bón là một vấn đề tiêu hóa rất phổ biến ở trẻ, gây ra cảm giác khó chịu và thậm chí, nếu kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Có rất nhiều phương pháp điều trị táo bón nhưng thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng là cách hiệu quả nhất để kiểm soát và cải thiện tình trạng này.

Theo thống kê, táo bón chiếm tới 5% những trường hợp đến thăm khám nhi khoa. Đó được hiểu là tình trạng trẻ cảm thấy khó khăn khi đi ngoài, khối phân lớn, cứng kèm cảm giác đau rát hoặc đi không thường xuyên, ít hơn 3 lần/ tuần. Táo bón thực thể thường không phổ biến, chỉ chiếm 5% và có nguyên nhân do các bất thường về cấu trúc giải phẫu, thần kinh, hoặc các rối loạn chuyển hóa,… Trong khi đó, táo bón chức năng chiếm tới 95% các trường hợp và không có liên quan đến các bất thường hoặc tổn thương về cấu trúc tại đường ruột.

Nguyên nhân khiến trẻ táo bón.

Chế độ ăn không lành mạnh và thói quen sinh hoạt không hợp lý là nguyên nhân chính gây ra các triệu chứng táo bón ở trẻ:

  • Trẻ lười uống nước, không đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết.
  • Chế độ ăn mất cân bằng, không hợp lý, hạn chế chất xơ. Đây có thể được coi là nguyên nhân rất phổ biến khiến phân rắn, thậm chí gây nứt kẽ hậu môn. Chính điều này gây nên cảm giác đau, từ đó trẻ nhịn đi vệ sinh. Hậu quả tạo ra một vòng lặp lẩn quẩn, càng làm phân rắn và tăng tình trạng táo bón dai dẳng.
  • Trẻ lười vận động dẫn tới chuyển động của nhu động ruột bị hạn chế khiến việc tiêu hóa trở nên khó khăn.
  • Trẻ phải dùng kháng sinh kéo dài, điều này vô tình tiêu diệt những lợi khuẩn, gây mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa.
  • Ngoài ra, những thay đổi về môi trường, lối sống sinh hoạt khiến trẻ khó thích nghi, hình thành thói quen nhịn đi vệ sinh.

Những nguyên nhân trên nếu không được giải quyết kịp thời và kéo dài sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ như giãn trực tràng do phân ứ đọng lâu ngày hoặc nứt kẽ và chảy máu hậu môn. Ngoài ra, táo bón còn dẫn tới các vấn đề tiêu hóa khác như đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn,… Tất cả đều dẫn tới tình trạng biếng ăn, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển toàn diện của trẻ.

Dấu hiệu nhận biết trẻ táo bón.

Với những trẻ táo bón, có những dấu hiệu rất đặc trưng để nhận biết như:

  • Đau bụng.
  • Chướng bụng, đầy hơi, khó chịu.
  • Trẻ kêu đau, khó chịu, căng thẳng hoặc thậm chí sợ đi vệ sinh.
  • Phân khô, cứng khuôn thậm chí đi ngoài ra máu.
  • Trẻ đi ngoài phải gắng sức rặn.

Chế độ ăn giúp cải thiện táo bón ở trẻ nhỏ.

Dưới đây là những nguyên tắc trong xây dựng chế độ ăn cho trẻ có tình trạng táo bón:

1. Cho trẻ uống đủ lượng nước, phù hợp với từng độ tuổi:

+ Trẻ dưới 6 tháng: tất cả lượng nước mà trẻ cần đều có trong sữa mẹ, do đó, không cần cho trẻ uống thêm bất cứ thứ gì ngoài sữa mẹ.

+ Trẻ từ 6 đến 12 tháng: đảm bảo đủ 200ml đến 300ml nước/ ngày.

+ Trẻ từ 1 đến 3 tuổi: đảm bảo đủ 500ml đến 600ml nước/ ngày.

+ Trẻ từ 3 đến 5 tuổi: 1000ml nước/ ngày.

+ Trẻ từ 10 tuổi trở lên: 1.5 lít đến 2,2 lít nước/ ngày.

2. Chế độ ăn tăng cường chất xơ:

Chất xơ là một yếu tố rất quan trọng đối với vai trò thải bỏ các chất dư thừa của đường ruột, do đó, bổ sung thêm chất xơ vào chế độ ăn là một biện pháp quan trọng vừa có tác dụng phòng ngừa, vừa có tác dụng điều trị táo bón ở trẻ. Chất xơ có nhiều trong các loại thực phẩm như trái cây, các loại rau xanh (rau súp lơ, rau mồng tơi, rau đay, rau dền,…), ngũ cốc nguyên hạt, khoai lang,…

Tuy nhiên, không phải cứ cho trẻ ăn nhiều rau là có thể loại bỏ được tình trạng táo bón. Ngược lại, điều này còn dẫn tới việc phản tác dụng ngược như trẻ không hấp thu được các chất dinh dưỡng khác và táo bón nặng hơn. Vậy cách ăn đúng là cho trẻ ăn đủ nhu cầu và đặc biệt, cần kết hợp với việc uống nước để khối phần mềm, xốp, dễ dàng đào thải ra ngoài.

3. Bổ sung lợi khuẩn.

Chế độ ăn tăng cường lợi khuẩn sẽ giúp thiết lập lại sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột, hạn chế những tác động xấu của của các vi khuẩn có hại và kích thích tiêu hóa. Sữa chua, men vi sinh đều là những thực phẩm chứa hàm lượng các lợi khuẩn.

4. Tăng cường thực phẩm giàu kẽm và maige:

Đây đều là những hoạt chất giúp tăng nhu động ruột, thúc đẩy hoạt động đào thải của đường ruột. Những thực phẩm giau kẽm và magie có thể kể đến như: yến mạch, lúa mì, ngũ cốc, hải sản,…

Ngoài ra, mẹ cũng cần chú ý hạn chế cho trẻ những thực phẩm chế biến sẵn, chiên rán nhiều lần, ngập dầu hoặc những loại đồ uống có ga, bánh kẹo ngọt gây đầy bụng, khó tiêu khiến tình trạng táo bón trở nên nghiêm trọng hơn.

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Hải Yến – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY