Nguyên nhân trẻ em biếng ăn
Các dấu hiệu của trẻ biếng ăn khá rõ ràng: trẻ có thể đẩy muỗng thức ăn ra hoặc quay đầu đi hướng khác. Trẻ ngậm chặt miệng khi bạn cố gắng cho trẻ ăn, trẻ nhổ thức ăn ra ngoài, không chịu ăn một số loại thức ăn như thịt, cá, trứng, sữa hoặc từ chối ăn tất cả các loại thức ăn…
Tuy nhiên, có các dấu hiệu này không nhất thiết là con bạn biếng ăn. Trẻ cũng có thể đã no, trẻ mất tập trung, hoặc cảm thấy không khỏe.
Có thể có hàng chục lí do khiến con bạn biếng ăn hoặc chẳng có lí do rõ ràng nào cả. Các nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ em bao gồm:
– Nguyên nhân đầu tiên là do thiếu ăn. Người mẹ khi mang thai thiếu ăn (thiếu sắt, thiếu canxi, thiếu kẽm, thiếu các vitamin…). Dẫn tới trẻ bị thiếu ăn ngay từ trong bụng mẹ và suy dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ. Kết quả là trẻ sinh non tháng, thiếu cân dẫn tới lười bú mẹ ngay từ những tháng đầu sau khi sinh. Những trẻ sinh thường, đủ cân có thể lười bú mẹ, bỏ bú mẹ hoặc đang ăn sữa ngoài bình thường tự nhiên giảm lượng ăn hoặc bỏ hẳn sữa ngoài. Với trẻ lớn hơn cũng xảy ra tình trạng như vậy. Dẫn tới tình trạng này cũng do thiếu ăn (khẩu phần ăn không cân đối, thiếu chất) dẫn tới thiếu vitamin D, thiếu vitamin C, vitamin nhóm B, thiếu Magiê, đặc biệt là tình trạng thiếu kẽm làm cho trẻ rất biếng ăn…
– Nguyên nhân thứ hai là trẻ ốm, mắc các bệnh cấp tính do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hệ hô hấp, hệ tiêu hoá (viêm dạ dày, viêm ruột…). Khi trẻ bị nhiễm khuẩn thì hàm lượng các vitamin và các chất khoáng bị mất đi rất lớn, nhất là vitamin A, vitamin C, vitamin nhóm B, Magiê, B6, sắt, kẽm làm cho trẻ biếng ăn. Hơn nữa, trẻ bị nhiễm khuẩn thường dùng kháng sinh dễ dẫn đến loạn khuẩn đường ruột cùng với các tổn thương thực thể tại hệ tiêu hoá, nên trẻ bị chướng bụng, khó tiêu, càng dễ biếng ăn.
– Cho trẻ ăn bổ sung quá sớm, khẩu phần ăn không cân đối có nhiều tinh bột cũng làm cho trẻ biếng ăn. Thường một đôi tuần đầu mới ăn bổ sung thì trẻ ăn rất ngon miệng, sau đó trẻ ăn kém dần do nhu cầu vitamin nhóm B (nhất là vitamin B1), Magiê bị thiếu hụt.
– Một số nguyên nhân khác nữa như trẻ mọc răng, viêm loét vùng miệng, ăn không có giờ giấc, ăn quà vặt, hoặc ăn bánh kẹo, nước ngọt trước bữa ăn.
– Thức ăn không hợp khẩu vị cũng làm cho trẻ biếng ăn.
– Cuối cùng một số trẻ biếng ăn do nguyên nhân tâm lý (gọi là biếng ăn tâm lý). Khi trẻ bị ốm, mọc răng… trẻ dễ bị biếng ăn. Chưa kịp ăn ngon miệng trở lại thì bị người lớn thúc ép ăn, hoặc là trẻ mải chơi trong khi người lớn thúc ép về mặt thời gian cho nên trong các bữa ăn trẻ bị quát mắng, thậm chí bị đánh làm cho trẻ sợ bữa ăn, chỉ cần nghe hoặc nhìn thấy bát bột, bát cơm là trẻ quay đi, trẻ lớn hơn thì chạy trốn…
Giải pháp cho trẻ biếng ăn
Không ép trẻ ăn
Nếu trẻ quay đầu từ chối khi bạn bón cho trẻ, đó có thể là một dấu hiệu rõ ràng bé cho bạn biết đã ăn đủ rồi. Tin tưởng rằng trẻ sẽ ăn đủ theo nhu cầu của chúng. Nếu bạn bỏ qua và ép trẻ ăn, có thể hình thành nên cảm giác căng thẳng và khó chịu của bé với việc ăn uống về sau.
Thử các loại thức ăn khác nhau
Mỗi trẻ có những sở thích ăn uống khác nhau. Một số thích các loại thức ăn ướt, trong khi một số khác lại thích thức ăn bốc bằng tay. Hãy đảm bảo rằng bạn không cho trẻ ăn những thực phẩm không lành mạnh, cung cấp một thực đơn cân đối để trẻ tự do lựa chọn món ăn yêu thích và phát triển khẩu vị của chúng.
Tập cho trẻ ăn đa dạng nhiều loại thức ăn và luôn thay đổi món ăn, cách chế biến để cho trẻ ăn ngon miệng.
Hãy để bé tiếp xúc với thức ăn trước.
Bạn có lẽ sẽ không muốn ăn một thực phẩm nào đó mà bạn chưa từng nhìn thấy trước đây. Trẻ em cũng vậy, bạn hãy để bé nhìn thấy, cảm nhận mùi vị hay thậm chí là sờ vào thực phẩm trước khi cho bé ăn.
Một số trẻ có thể cần phải thử thức ăn từ 8-10 lần, thậm chí 15 lần trước khi chúng yêu thích loại thức ăn đó. Vì vậy miễn là trẻ không bị dị ứng với loại thực phẩm đó bạn hãy kiên nhẫn hơn với các loại thực phẩm đã bị trẻ từ chối. Thời gian là tất cả những gì bạn cần để biết trẻ có thực yêu thích một món ăn nào đó hay không.
Tập trung vào bữa ăn
Tắt tivi, máy tính bảng, điện thoại thông minh, thu dọn đồ chơi và sách truyện giúp bé tập trung vào bữa ăn.
Giới hạn thời gian bữa ăn
Một số em bé muốn ăn thật nhanh, một số bé lại muốn ăn thật chậm. Bạn có thể cảm thấy bực mình với tốc độ ăn của trẻ. Mặc dù bạn không nên ép trẻ ăn quá nhanh, nhưng bạn cũng cần giới hạn thời gian bữa ăn từ 20-30 phút.
Hãy để trẻ tự xúc ăn
Ngay từ khi được 9 tháng, nhiều em bé đã muốn tự xúc ăn mà không cần người lớn đút. Mặc dù em bé có thể biến bữa ăn thành một đống hỗn độn, nhưng việc để trẻ tự ăn thực sự rất quan trọng với quá trình phát triển tâm lý và kĩ năng của trẻ.
Giải quyết các tình trạng bệnh lý
– Nên có một chế độ dinh dưỡng và thuốc dành riêng cho trẻ sinh thiếu tháng, thiếu cân.
– Trong thời gian điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, cần phải bổ sung đầy đủ các vitamin A, vitamin C, vitamin nhóm B và các chất khoáng như Magiê, kẽm. Đặc biệt là không được lạm dụng kháng sinh.
– Giảm đau trong qúa trình trẻ mọc răng hoặc viêm loét vùng miệng. Thường thường người lớn ít quan tâm đến vấn đề đau khi trẻ mọc răng mà cho đó là điều bình thường, nhưng thực ra khi mọc răng trẻ rất đau, đau phát sốt và không dám ăn vì sợ đau.
– Để giải quyết tình trạng biếng ăn bệnh lý, cần phải có sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng về chế độ ăn cụ thể, phù hợp với từng trẻ, và điều quan trọng là trong bữa ăn phải tạo ra một không khí vui vẻ thoải mái giúp trẻ ăn ngon miệng. không nên mắng mỏ, doạ dẫm mà phải tìm hiểu nguyên nhân biếng ăn ở trẻ để khắc phục.