Biếng ăn là tình trạng rất hay gặp ở trẻ em, ở tất cả các lứa tuổi. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có khoảng 5% trẻ sinh ra đã lười bú, nhưng đến khi 2-3 tuổi, có đến 30-40% trẻ biếng ăn. Điều này chứng tỏ nguyên nhân phần nhiều do môi trường sống của trẻ gây ra.
Contents
1. Biểu hiện biếng ăn ở trẻ
– Trẻ ăn ít hơn bình thường, thời gian ăn kéo dài trên 30 phút
– Kén chọn thức ăn, ăn chậm và không hứng thú với việc ăn
– Từ chối ăn và trong vòng 1 tháng không tăng trưởng
– Chế độ ăn uống nghèo nàn so với nhu cầu khuyến nghị.
2. Nguyên nhân
Nguyên nhân từ phía trẻ:
– Biếng ăn tâm lý: trẻ ăn chậm, mải chơi hoặc không muốn ăn, nhưng bị bố mẹ ép buộc ăn, nhồi nhét bằng mọi giá, lâu dần khiến trẻ sợ hãi, né tránh và chống đối khi ăn.
– Kén ăn do sợ thức ăn mới
– Do trẻ mắc các bệnh lý thực thể như: các bệnh nhiễm khuẩn, đau, viêm loét tại miệng, lưỡi họng. Trẻ thiếu các enzyme tiêu hóa, thiếu vi chất hoặc bị táo bón, loạn khuẩn, mất cân bằng đường ruột.
Nguyên nhân từ phía gia đình:
– Ảnh hưởng từ người mẹ: mẹ có biểu hiện biếng ăn cũng khiến trẻ biếng ăn theo
– Cách chế biến chưa phù hợp với độ tuổi, khẩu vị của trẻ
– Thiếu hiểu biết của bố mẹ về nhu cầu dinh dưỡng và tăng trưởng của trẻ
3. Các cách xử trí sai khi trẻ biếng ăn
– Vừa ăn vừa cho trẻ xem tivi, điện thoại: Ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa của cơ thể
– Ép trẻ ăn: Nghiên cứu 300 gia đình có trẻ từ 2 tuổi đến 4 tuổi và một khảo sát trên trẻ 7-9 tuổi ở Canada cho thấy: những gia đình có cha mẹ càng ép trẻ ăn cho “tròn bữa” thì trẻ lớn lên càng có nguy cơ bị rối loạn ăn uống như chán ăn, biếng ăn. Cả mẹ và trẻ đều căng thẳng bực dọc, khiến cơ thể trẻ mất khả năng phân biệt đói và no, càng biếng ăn, thậm chí sợ ăn.
– Cho trẻ đi ăn rong: khiến trẻ không tập trung vào việc ăn, không tốt cho dạ dày của trẻ, dẫn đến tiêu hóa thức ăn kém.
– Sử dụng sản phẩm kích thích ăn ngon bừa bãi: sản phẩm chứa corticoid chỉ có tác dụng kích thích cảm giác đói và gây tăng cân giả, giữ nước, gây hại sức khỏe nếu sử dụng lâu dài. Một chất kháng histamin thế hệ I là Cyproheptadin được lạm dụng là thần dược trị biếng ăn ở trẻ như có rất nhiều tác dụng phụ như khô miệng, táo bón, khô mắt.
– Sử dụng các thực phẩm không phù hợp: thực phẩm nguyên hạt, khó tiêu (như ngô…), thực phẩm nghèo năng lượng mà chiếm dung lượng lớn như miến, khoai…
– Không tăng cường số bữa ăn cho trẻ mặc dù mỗi bữa trẻ chỉ ăn rất ít hoặc bỏ ăn. Nấu loãng hơn bình thường (cho ít chất đạm, dầu mỡ hơn bình thường) khiến cho trẻ đã ăn ít hơn về lượng lại càng bị thiệt thòi về chất.
– Không cho hoặc cho quá ít dầu mỡ vào bát bột, cháo của trẻ gây thiếu năng lượng khẩu phần cho trẻ.
4. Điều trị
– Đầu tiên, đánh giá tình trạng biếng ăn đã ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ chưa (về cân nặng, chiều cao, răng, tóc , móng, sự phát triển về tinh thần…)
– Rà soát lại các nguyên nhân và phát hiện đúng để xử lý tương ứng:
Nếu là nguyên nhân bệnh lý
– Các bệnh xảy ra khi thiếu kẽm, thiếu máu thiếu sắt, suy dinh cưỡng, nhiễm khuẩn, rối loạn tiêu hóa… cần điều trị theo nguyên nhân và có sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng nếu cần để có chế độ ăn cụ thể, phù hợp
– Một số sản phẩm có tác dụng trong điều trị biếng ăn như: men enzyme, men vi sinh… nên theo tư vấn của bác sĩ để thuốc có hiệu quả bền vững và an toàn.
– Khi trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, cần phải bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và các chất khoáng, không được lạm dụng kháng sinh.
Nếu là nguyên nhân ngoài bệnh lý, cha mẹ chủ động trang bị kiến thức và cách phòng tránh/xử lý các giai đoạn biếng ăn này của trẻ:
– Chú ý đến các mốc thời gian quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ như bắt đầu ăn dặm, mọc răng… để chủ động trước tình trạng biếng ăn của trẻ
– Nếu do dinh dưỡng không hợp lý, cần điều chỉnh lại và đa dạng hóa thức ăn, cách chế biến và tăng cường đậm độ dinh dưỡng
– Cha mẹ không nên ép trẻ ăn, mà cần tạo một tâm lý thoải mái trong bữa ăn.
Nuôi trẻ là một hành trình nhiều khó khăn thử thách. Dù nguyên nhân biếng ăn của trẻ là gì và xử lý hay điều trị ra sao thì các bậc cha mẹ cũng cần kiên nhẫn và áp dụng các biện pháp với liều lượng, thời gian hợp lý mới có thể thấy được hiệu quả.
Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
BS. Hoài Thu – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM