Mất nước là tình trạng cơ thể sử dụng hoặc mất đi lượng nước nhiều hơn so với lượng nước được nạp vào. Tình trạng này khiến một số chức năng của cơ thể không hoạt động bình thường, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Mất nước xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào nhưng thường gia tăng vào mùa hè.
Mùa hè, thời tiết nắng nóng gây toát mồ hôi nhiều, khiến cơ thể càng dễ mất nước hơn. Đối tượng dễ bị mất nước nhất là trẻ em, người già và người lao động làm việc ngoài trời.
Dấu hiệu nhận biết
Dưới đây là một số dấu hiệu mất nước mà bạn cần chú ý:
- Khô miệng: nước bọt có đặc tính kháng khuẩn, khi cơ thể mất nước sẽ không tiết đủ lượng nước bọt, miệng bị khô, dẫn đến vi khuẩn phát triển trong khoang miệng gây hôi miệng.
- Lượng nước tiểu thải ra bị giảm so với bình thường, nước tiểu sẫm màu.
- Da khô, đỏ ửng, bong tróc, ngứa, thậm chí là xỉn màu.
- Rối loạn điện giải và tác dụng của nhiệt lên cơ dễ khiến bạn bị mỏi cơ, chuột rút.
- Mất nước gây ảnh hưởng đến não, làm xuất hiện các triệu chứng nhức đầu, hoa mắt, ù tai.
- Hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng do thiếu nước gây táo bón.
- Thèm đồ ngọt, tăng cảm giác thèm ăn, do khi mất nước, việc giải phóng năng lượng bị ảnh hưởng đòi hỏi cơ thể phải ăn bổ sung để cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể.
- Một số triệu chứng nghiêm trọng như: chóng mặt, tim đập nhanh, thở nhanh, mắt trũng, buồn ngủ, mệt mỏi, dễ bị kích động, huyết áp tụt, có thể dẫn đến ngất.
- Đối với trẻ em, mất nước nặng sẽ có một số triệu chứng như: khóc không ra nước mắt, mắt, má trũng, mệt mỏi, buồn ngủ, nghiêm trọng hơn là ngủ li bì, phản xạ uống nước kém, nếp véo da lâu bị mất…
Phương pháp xử trí nhanh chóng và hiệu quả nhất khi bị mất nước là bù nước và điện giải sớm, đúng cách. Trường hợp mất nước nghiêm trọng cần phải đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Đọc thêm tại bài viết: 14 nguyên nhân bất ngờ gây mất nước
Giải pháp ngăn ngừa tình trạng mất nước
Để cơ thể không bị mất nước thì bạn cần cung cấp đủ lượng nước mỗi ngày cho cơ thể, nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, chia nhiều lần uống, uống từng ngụm nhỏ, không để khi khát mới uống và nhất là mùa hè thì không nên uống nước quá lạnh. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số loại đồ uống vừa có tính giải khát, vừa không làm mất nước như nước chanh, nước mía, nước dừa…
Hạn chế uống các loại đồ uống có cồn, cà phê, trà, soda và nước tăng lực vì sẽ làm tăng tình trạng mất nước. Không nên uống rượu bia sau khi làm việc dưới trời nóng, vì các đồ uống này gây lợi tiểu, càng làm tăng nguy cơ mất nước trong mùa hè.
Đặc biệt, với những người làm việc ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động thể thao trong thời tiết nắng nóng thì nên uống thêm các loại nước chứa chất điện giải, tránh để xảy ra tình trạng mất cân bằng điện giải, bao gồm các loại nước uống thể thao, nước uống pha Oresal…
Hạn chế đi ra ngoài trời nắng khi không cần thiết, nếu phải ra ngoài thì nên dùng kem chống nắng, đội mũ nón, sử dụng phương tiện bảo hộ chống nắng, che chắn cẩn thận để không bị say nắng.
Bổ sung các loại thực phẩm có tính giải nhiệt vừa giảm cơn khát, vừa cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể..
Nhiệt độ trong phòng không nên chênh lệch quá 7 độ C so với bên ngoài. Đang ở trong phòng lạnh thì không nên đột ngột ra ngoài trời nắng ngay.
Tránh ăn một số loại thực phẩm có thể gây mất nước trong mùa hè như các loại thực phẩm cay, trái cây khô, đồ chiên, dưa chua…
Mừng Tết thiếu nhi, Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM gửi tới cha mẹ chương trình VIAM Kids’s Day – Dinh dưỡng đong đầy với vô số phần quà ý nghĩa và giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo. Cùng VIAM clinic tìm hiểu chi tiết về chương trình Tại đây. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Bác sĩ Hồ Mai Hương – Viện Y học ứng dụng Việt Nam