Người bệnh tiểu đường ăn uống, sinh hoạt thế nào để tránh tăng đường huyết đột ngột dịp Tết

08/02/2024 -  Kiến thức dinh dưỡng

Tiểu đường là một căn bệnh rất phổ biến hiện nay, chúng gắn liền với lối sống sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Việc kiểm soát đường huyết càng trở nên khó khăn mỗi dịp Tết đến do bữa ăn quá phong phú và nếp sống sinh hoạt thay đổi. Vậy, làm cách nào để bệnh tiểu đường không còn là nỗi lo ngại trong ngày Tết? Dưới đây là một số gợi ý về việc người bệnh tiểu đường ăn uống và sinh hoạt có thể sẽ rất hữu ích với người bệnh tiểu đường.

Đặc thù của mâm cơm ngày Tết là đều chứa rất nhiều tinh bột, như bánh chưng, bánh tét, xôi và nhiều đạm, nhiều béo như nem rán, thịt kho tàu, thịt đông,… Ngoài ra, giờ giấc ăn uống, số lượng bữa ăn và thời gian ngủ nghỉ cũng bị thay đổi đáng kể bởi những hoạt động vui chơi diễn ra trong ngày. Điều này sẽ dẫn tới lượng đường trong máu tăng đột ngột, kéo theo sự lên xuống bất thường của mức đường huyết. Tình trạng này, nếu không được kiểm soát kịp thời, ngoài việc gây ra các triệu chứng điển hình, chúng cũng có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như mù lòa, nhiễm trùng và vết thương lâu liền. Một số lời khuyên sau đây có thể giúp người bệnh kiểm soát tốt đường huyết, góp phần cải thiện tình trạng bệnh.

Người bệnh tiểu đường ăn uống, sinh hoạt thế nào để tránh tăng đường huyết đột ngột dịp Tết

Thực hiện chế độ ăn cân bằng giữa các nhóm chất theo khuyến nghị dành cho người tiểu đường.

Theo nguyên tắc điều trị, người bệnh cần ăn giảm chất đường bột, đồng thời, tăng vừa phải lượng đạm và béo để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Theo đó, tỷ lệ Glucid chiếm khoảng 55% – 65% khẩu phần ăn. Tuy nhiên, không nên tăng quá nhiều chất đạm và béo, điều này có thể kéo theo nguy cơ rối loạn chuyển hóa. Trong đó, nên tập trung vào các acid béo chưa bão hòa tốt cho cơ thể như dầu đậu nành, dầu oliu, dầu vừng, dầu hướng dương,…

Lựa chọn những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.

Chỉ số đường huyết là công cụ quan trọng để đánh giá tốc độ chuyển hóa và hấp thụ đường vào máu của một loại thực phẩm. Việc lựa chọn những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI<55) là công cụ quan trọng để kiểm soát bệnh tiểu đường do những thực phẩm này sẽ được tiêu hóa từ từ, lượng đường trong máu tăng chậm hơn và tạo giảm no lâu hơn. Đồng thời, cảm giác thèm ăn và ham muốn ăn những đồ không lành mạnh sẽ được hạn chế. Một số thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp nên được lựa chọn vào chế độ ăn trong những ngày Tết như rau xanh, cà rốt, khoai lang, các loại đậu, dưa chuột, táo, bưởi, cam, chuối, sữa chua,..

Đặc biệt, nên hạn chế những thực phẩm chứa nhiều đường bổ sung, đường tinh luyện rất phổ biến trong ngày Tết như bánh, kẹo, mứt, hoa quả sấy, các loại đồ uống có ga. Rượu, bia cũng nên được loại bỏ do những ảnh hưởng không tốt với chức năng chuyển hóa của gan.  

Tăng cường bổ sung rau xanh vào chế độ ăn.

Rau xanh với người bệnh tiểu đường không chỉ mang lại những lợi ích về tiêu hóa, chúng còn giúp làm chậm quá trình vận chuyển đường vào trong máu và kéo dài cảm giác no. Các chuyên gia khuyến cáo người tiểu đường nên ăn 300g-400g rau xanh mỗi ngày. Đặc biệt, nên ăn rau trước khi ăn tinh bột, đạm và điều này nên được trở thành thói quen ăn uống hàng ngày. Nhờ đó, cơ thể sẽ có một hàng rào chất xơ giúp giảm tốc độ tăng đường huyết.

Ăn đúng giờ, đúng bữa.

Mặc dù ngày Tết rất bận rộn nhưng đối với người tiểu đường, việc ăn đúng giờ, đúng bữa như thường ngày là rất quan trọng. Bởi điều này ảnh hưởng đến thời điểm dùng thuốc và tiêm Insulin, đây đều là những yếu tố then chốt để kiểm soát đường huyết và phòng ngừa các biến chứng. Để hạn chế điều này xảy ra, người bệnh có thể mang theo thuốc khi ra khỏi nhà và đặt lịch nhắc nhở.

Duy trì hoạt động thể chất.

Luyện tập thể dục thể thao cũng được coi là nền tảng trong các phác đồ điều trị. Do đó, việc dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để vận động, kể cả ngày lễ Tết cũng mang lại những lợi ích đáng kể cho người tiểu đường.

Theo dõi đường máu thường xuyên.

Chính vì sự xáo trộn trong lối sống sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng nên việc theo dõi đường huyết hằng ngày rất quan trọng để phòng ngừa các biến chứng. Trước bữa ăn (cũng như trước khi sử dụng thuốc) hoặc sau ăn 2 giờ để điều chỉnh liều lượng insulin cũng như theo dõi việc tăng đường huyết sau bữa ăn.

Ngủ đúng giờ.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thức khuya hoặc ngủ muộn sẽ khiến đường huyết dao động và tăng cao. Ngoài ra, thức khuya còn có thể kéo theo việc ăn các bữa phụ ban đêm, đặc biệt vào những ngày lễ Tết. Do đó, để đảm bảo sức khỏe, người tiểu đường cần phải duy trì việc đi ngủ đúng giờ so với ngày thường.

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Hải Yến – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY