Người bị bệnh tiểu đường nên uống gì?

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Lượng calo và dinh dưỡng từ nước uống có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lượng đường trong máu của người bệnh tiểu đường. Chọn đúng đồ uống cho người tiểu đường cũng quan trọng như chọn đúng loại thực phẩm hay đồ ăn. Sau đây là một số lời khuyên của các chuyên gia về các loại đồ uống cho bệnh nhân tiểu đường.

Nên sử dụng: Nước

Việc sử dụng nhiều nước uống hàng ngày giúp giảm lượng đường trong máu. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người uống ít nước mỗi ngày có khả năng có lượng đường trong máu cao hơn khoảng 30% so với những người uống nhiều nước hơn. Nguyên nhân là do một hormone gọi là vasopressin, giúp cơ thể điều chỉnh quá trình hydrat hóa. Nồng độ Vasopressin tăng khi một người bị mất nước, khiến gan sản xuất nhiều đường trong máu.

Lượng khuyến nghị: Các chuyên gia khuyến nghị uống từ sáu đến chín ly nước mỗi ngày cho phụ nữ và nhiều hơn một chút cho nam giới. Cơ thể cũng sẽ nhận được nước từ trái cây, rau quả và một số đồ uống khác. Nên có thói quen uống kèm 1 ly nước vào các bữa ăn để có thể đạt được lượng nước phù hợp.

Nên sử dụng: Sữa

Sữa không chỉ dành cho trẻ em. Đồ uống này là một trong những thức uống tốt nhất cho người mắc bệnh tiểu đường. Sữa cung cấp canxi, magiê, kali và vitamin D mà cơ thể cần cho nhiều chức năng thiết yếu. Sữa ít béo hoặc không béo là một loại đồ uống tuyệt vời cho những người mắc bệnh tiểu đường. Uống nhiều sữa cũng có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng ăn phô mai cũng tạo ra hiệu quả tương tự. Nếu dị ứng với sữa, ăn nhiều rau xanh có thể giúp bổ sung canxi và các chất điện giải khác.

Lượng khuyến nghị: Các chuyên gia khuyên nên ăn hai đến ba các sản phẩm sữa mỗi ngày, bao gồm sữa ít béo hoặc không béo. Sữa chứa carbohydrate, vì vậy hãy nhớ tính đến 12 gram carbohydrate cho mỗi 240ml sữa.

Nên sử dụng: Trà

Trà không chứa calo, hương vị thơm, và chứa một lượng lớn chất chống oxy hóa đã khiến trà xanh đem lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ, đặc biệt là khi nói đến đồ uống cho người mắc bệnh tiểu đường. Các nhà nghiên cứu cho biết, nhấm nháp hơn ba tách trà mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Trà cũng có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim. Tuy nhiên người bị bệnh tiểu đường nên kiêng uống trà đá ngọt, trà đóng chai chứa nhiều đường.

Lượng khuyến nghị: Ba đến bốn tách trà là tốt cho hầu hết mọi người; chỉ cần chắc chắn rằng trà không khiến bạn mất ngủ vào ban đêm. Tránh thêm đường và sữa nguyên kem vào trong trà. Hãy khám phá những thay đổi đối với cơ thể khi uống trà mỗi ngày.

Tránh sử dụng: Cà phê

 

 

Nghiên cứu chỉ ra rằng đối với những người đã mắc bệnh tiểu đường, cà phê có thể làm tăng lượng đường trong máu và khiến cơ thể làm việc nhiều hơn để tiêu thụ. Những chất mà người uống thường thêm vào cà phê như đường nâu, kem ngọt, và sữa giàu chất béo cũng sẽ làm tăng lượng đường trong máu và cân nặng.

Lượng khuyến nghị: Với những bệnh nhân có lượng đường trong máu cao, thì tuyệt đối không nên sử dụng cà phê.

Tránh sử dụng: Soda không đường

Có phải đồ uống có ga, không calo là một lựa chọn tuyệt vời cho những người quan tâm đến bệnh tiểu đường? Một nghiên cứu đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng những người uống soda không đường mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Các nhà nghiên cứu cũng đã kết luận rằng uống hơn bốn lon soda ăn kiêng mỗi tuần đã tăng gấp đôi cơ hội phát triển bệnh võng mạc do tiểu đường, một bệnh về mắt là biến chứng của bệnh tiểu đường.

Lượng khuyến nghị: Nếu có thói quen uống soda, có lẽ nên sử dụng một ly đồ uống không calo thay vì loại có đường, nhưng tốt nhất là nên kiêng loại đồ uống này. Hãy sử dụng đồ uống lành mạnh như nước và trà.

Tránh sử dụng: Nước ngọt có đường

Với 10 muỗng cà phê đường trong mỗi lon nwóc ngọt có thể khiến lượng đường trong máu tăng vọt và tăng nguy cơ tăng cân, huyết áp cao, đột quỵ và bệnh tim. Một ly nước ngọt mỗi ngày có thể bổ sung 150 calo không có lợi và khoảng 40 đến 50 gram carbohydrate làm tăng lượng đường trong máu, tất cả đều có thể khiến chúng ta tăng mỡ bụng, tăng tình trạng viêm và kháng insulin làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim.

Nếu đang bị tiểu đường, loại bỏ các loại nước ngọt có đường khác là một trong những cách mạnh mẽ nhất để kiểm soát lượng đường trong máu, giảm cân và cải thiện sức khỏe. Chuyển sang đồ uống lành mạnh hơn có thể tiết kiệm hàng trăm calo và rất nhiều carbohydrate.

Lượng khuyến nghị: Tuyệt đối không sử dụng. Nếu có thói quen uống nước ngọt, hãy cắt giảm bằng cách uống một lượng ít hơn trong một hoặc hai tuần để giảm lượng calo và lượng carb trong cơ thể.

Tránh sử dụng: Nước ép trái cây

Nước ép trái cây thường được sử dụng trong bữa sáng. Nhưng nước ép không phải là thức uống dành cho người tiểu đường. Thói quen uống nước trái cây thường xuyên có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Về mặt dinh dưỡng, một miếng trái cây sẽ  tốt hơn. Một ly nước cam 120ml nguyên chất có 56 calo, 12 gram carbohydrate và không có chất xơ; so sánh với một quả cam tươi nhỏ, có 45 calo, 11 gram carbohydrate và 2 gram chất xơ có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Cần có kế hoạch và giám sát hàm lượng carbohydrate chặt chẽ để tính toán lượng hoa quả nạp vào cơ thể.

Lượng khuyến nghị: Những người yêu thích ăn trái cây hay nước ép trái cây nên chuyển sang một loại nước rau củ có hàm lượng natri, lượng calo và carbohydrate thấp hơn. Nếu bạn thực sự thèm nước trái cây, hãy dùng một lượng nhỏ vào bữa sáng. Kiểm tra lượng đường trong máu sau đó, và lặp lại với cùng một bữa khác trong ba hoặc bốn ngày tiếp theo. Nếu lượng đường trong máu không tăng hơn 35 đến 50 điểm, thì uống một chút nước trái cây có thể sẽ không sao cả.

Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM

Theo The Healthy



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY