Nhịn ăn gián đoạn hoạt động bằng cách giảm mức insulin để cơ thể đốt cháy chất béo dự trữ từ đó cung cấp năng lượng cho cơ thể. Điều đó sẽ dẫn đến giảm cân. Một số nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường type 2 cải thiện tình trạng bệnh sau khi kiểm soát cân nặng. Nghiên cứu cũng cho thấy khi được áp dụng một cách an toàn và dưới sự giám sát y tế, việc nhịn ăn gián đoạn có thể làm giảm sự phụ thuộc vào thuốc trị tiểu đường.
Contents
Nhịn ăn gián đoạn có tác dụng như thế nào đối với bệnh tiểu đường?
Những người mắc bệnh tiểu đường có xu hướng tăng cảm giác thèm ăn, dẫn đến ăn uống quá nhiều. Điều này làm cho tuyến tụy làm việc quá sức để giải phóng lượng insulin cần thiết. Hơn nữa, tất cả lượng glucose dư thừa do ăn quá nhiều sẽ được lưu trữ dưới dạng chất béo. Theo thời gian, tình trạng tích trữ dư thừa này có thể gây tăng cân và kháng insulin, cuối cùng khiến bệnh tiểu đường trở nên trầm trọng hơn. Và đó là lúc việc nhịn ăn gián đoạn có thể có ích trong việc giúp cơ thể bạn có thời gian để thiết lập lại.
Vì việc nhịn ăn gián đoạn giúp bạn có thời gian nghỉ giữa các bữa ăn nên mức insulin của bạn sẽ giảm và mức đường huyết vẫn ổn định. Ngoài ra, nó còn thúc đẩy quá trình giải độc. Và tất cả những yếu tố này có thể hỗ trợ quản lý bệnh tiểu đường tốt hơn.
Nhưng tác dụng của việc nhịn ăn gián đoạn đối với bệnh tiểu đường loại 1 và loại 2 là không giống nhau. Một nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường type 2 và tiền tiểu đường đã giảm cân và cải thiện mức đường huyết sau khi tuân theo chế độ nhịn ăn gián đoạn 5:2. Tuy nhiên, nhịn ăn gián đoạn không khả thi đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 1 và khiến việc quản lý bệnh tiểu đường trở nên khó khăn hơn và làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.
- cải thiện độ nhạy insulin
- hạ huyết áp
- giảm căng thẳng oxy hóa
- giảm sự thèm ăntăng quá trình oxy hóa chất béo
Tuy nhiên cần có nhiều nghiên cứu hơn để xác định lợi ích lâu dài của việc nhịn ăn gián đoạn đối với việc kiểm soát lượng đường trong máu và các biến chứng của bệnh tiểu đường.
Các loại chế độ nhịn ăn gián đoạn cho bệnh tiểu đường
Mặc dù chế độ nhịn ăn gián đoạn có nhiều kiểu khác nhau nhưng không có kiểu nào cụ thể được chứng minh là tốt nhất cho người mắc bệnh tiểu đường. Dưới đây là một số chế độ nhịn ăn gián đoạn phổ biến:
- Nhịn ăn gián đoạn 16:8 Những người theo chế độ ăn này ăn tất cả các bữa ăn trong khoảng thời gian 8 giờ, sau đó là nhịn ăn 16 giờ. Nhiều người nhịn ăn từ 8 giờ tối cho đến trưa ngày hôm sau và duy trì thời gian ăn uống từ trưa đến 8 giờ tối.
- Nhịn ăn gián đoạn 5:2 Đây là khi bạn ăn các bữa ăn bình thường trong 5 ngày, sau đó nhịn ăn 2 ngày, trong 2 ngày nhịn ăn trong tuần bạn ăn ít hơn 500 calo mỗi ngày.
- Nhịn ăn xen kẽ trong ngày. Đây là hình thức nhịn đủ 24 giờ không ăn gì hoặc chỉ ăn một lượng nhỏ, sau đó là 24 giờ ăn như bình thường.
- Nhịn ăn trong thời gian hạn chế (eTRF). Hạn chế thời gian ăn của bạn vào buổi sáng và đầu giờ chiều, sau đó là thời gian nhịn ăn kéo dài đến hết ngày và đêm.
Lời khuyên cho việc nhịn ăn gián đoạn khi bạn mắc bệnh tiểu đường
Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường và đang nghĩ đến việc thử nhịn ăn gián đoạn, đây là một số lời khuyên mà bạn cần lưu ý:
- Bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ xem liệu chế độ ăn này có phải là lựa chọn tốt cho bạn hay không. Bạn cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc điều chỉnh liều lượng thuốc hoặc insulin. Việc thử một chế độ ăn có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và cần phải thay đổi phương pháp điều trị bệnh tiểu đường
- Theo dõi lượng đường huyết thường xuyên. Không ăn trong thời gian dài có thể khiến lượng đường trong máu xuống quá thấp, vì vậy hãy kiểm tra lượng đường huyết thường xuyên. Nếu bạn có triệu chứng hạ đường huyết, hãy ngừng nhịn ăn ngay lập tức và nên để sẵn kẹo ngọt trong túi và sau đó ăn nhẹ khi bị hạ đường huyết.
- Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường type 1, hãy theo dõi các dấu hiệu tăng đường huyết khi nhịn ăn. Chúng bao gồm mệt mỏi, khát nước và đi tiểu thường xuyên. Liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có những triệu chứng này hoặc lượng đường trong máu của bạn vẫn ở mức cao.
- Quan tâm đến những thay đổi về tâm trạng, tinh thần. Nhiều người nhận thấy rằng việc hạn chế ăn thực sự có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của họ. Vậy nên bạn cần chú ý đến các dấu hiệu như khó chịu, lo lắng gia tăng và khó đối phó với căng thẳng.
- Theo dõi mức năng lượng. Nhịn ăn có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi điều này có thể ảnh hưởng đến trí nhớ hoặc hiệu suất công việc.
- Cân bằng đường và chất béo. Cơ thể bạn phân hủy carbohydrate thành glucose, điều này có thể dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột biến. Khi bạn không nhịn ăn, hãy cố gắng cân bằng lượng carbohydrate tinh bột trong bữa ăn bằng rau và protein để tránh lượng đường trong máu cao. Thay vì chiên, hãy thử nướng gà hoặc cá; chọn trái cây tươi thay vì kem, bánh ngọt và kẹo.
- Bổ sung thực phẩm từ tất cả các nhóm thực phẩm để có đủ chất xơ, protein, vitamin và khoáng chất. Ăn những thực phẩm giúp bạn no lâu và giữ lượng đường trong máu ổn định trong thời gian nhịn ăn, chẳng hạn như protein nạc (cá, hải sản, thịt gia cầm), đậu, các loại hạt, trái cây, rau củ tươi.
- Đừng ăn quá nhiều trong thời gian không nhịn ăn. Ngay trước khi nhịn ăn, hãy ăn những thực phẩm được hấp thụ chậm hơn, thường là thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp hơn: cà rốt, rau xanh, rau không chứa tinh bột, hầu hết các loại trái cây, đậu, ngũ cốc nguyên cám, các loại hạt, sữa ít đườngvà sữa chua. Những thực phẩm này thường có nhiều chất xơ hoặc protein và được tiêu hóa chậm.
- Uống nhiều nước trong thời gian nhịn ăn để tránh mất nước. Tránh đồ uống có đường.
Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
BS. Hoài Thu – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM