Bạn có thể đã nghe hoặc nhìn thấy hợp chất Allulose trên bao bì các sản phẩm được quảng cáo là giúp thay thế đường ăn, thân thiện với bệnh tiểu đường, giúp giảm lượng đường bổ sung,… Và mặc dù allulose là chất thay thế đường được FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận, nhưng vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu để có thể hiểu rõ hơn về tính an toàn của nó đối với sức khỏe của con người. Vậy Allulose là gì? Và nó có an toàn không? Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM sẽ giải đáp tại bài viết dưới đây!
Allulose là gì?
Allulose là một loại rượu đường tự nhiên có hàm lượng thấp trong quả sung, nho khô, lúa mì, xi-rô cây phong và mật mía.
Allulose cũng được dùng làm chất thay thế đường kính và dành cho những người muốn cắt giảm (hoặc loại bỏ) đường kính trong chế độ ăn, những người này thường là những người bị tiểu đường và những người theo chế độ ăn kiêng đặc biệt như chế độ ăn keto.
Giống như các chất tạo ngọt nhân tạo và rượu đường khác, allulose được ưa chuộng vì nó có ít calo hơn đường. Tuy nhiên nó cũng có thể có một số bất lợi tiềm ẩn đối với sức khỏe con người.
Đọc thêm tại bài viết: Chất làm ngọt nhân tạo và các chất thay thế đường khác
Ưu điểm của allulose là gì?
Allulose trong các sản phẩm đường nhân tạo thay thế đường kính và thường được quảng cáo là:
- Có vị giống đường kính hơn. Allulose có vị khá giống với đường ăn, nó không có vị đắng hoặc vị hóa học như một số chất tạo ngọt nhân tạo khác. Nghiên cứu cũng cho thấy mọi người thấy vị ngọt của allulose tương đương với đường.
- Ít calo hơn đường. Mặc dù ngọt như vậy, nhưng allulose chứa ít hơn 10% lượng calo có trong đường kính.
- Không góp phần gây sâu răng. Không giống như đường, allulose không gây sâu răng.
- Không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Allulose không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu hoặc mức insulin của bạn, điều này khiến allulose trở thành một chất thay thế khả thi cho những người bị tiểu đường.
Về mặt hóa học, allulose tương tự như fructose và có trong trái cây tự nhiên. Allulose có độ ngọt bằng khoảng 70% đường kính, vì vậy 2 loại đường này có vị rất giống nhau. Sau khi được hấp thụ ở ruột non, allulose nhanh chóng được bài tiết ra ngoài cơ thể nên đóng góp rất ít vào lượng calo hàng ngày của bạn.
Allulose có an toàn không?
Hiện tại chưa có nghiên cứu nào về tính an toàn của allulose, nhưng nếu nó cũng tương tự như một số chất thay thế đường khác là rượu đường như erythritol thì chúng ta vẫn cần thận trọng về lượng tiêu thụ allulose vì những lo ngại tiềm ẩn đối với sức khỏe con người.
Có một lượng lớn nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa một số chất thay thế đường với một số rủi ro nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Điển hình là những nghiên cứu về tác hại của 2 loại rượu đường erythritol và xylitol.
Đường cồn (hay rượu đường) là những sản phẩm tự nhiên được sản xuất trong cơ thể chúng ta ở mức độ nhỏ. Vì cấu trúc của chúng trông giống đường và có vị như đường, nên rượu đường như erythritol và xylitol đã được sử dụng thay cho đường kính để tạo vị ngọt cho món ăn mà không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn. Cũng giống như allulose, chúng cũng có ít calo hơn đường kính.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nồng độ erythritol hoặc xylitol cao trong máu có liên quan đến nguy cơ đau tim và đột quỵ cao hơn trong tương lai. Nghiên cứu cũng cho thấy khả năng đông máu tăng lên sau khi ăn những loại đường cồn này vào cơ thể.
Dựa trên điều này, chuyên gia cảnh báo rằng việc ăn hoặc uống thực phẩm và đồ uống có đường erythritol hoặc xylitol có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim đe dọa tính mạng.
Hiện vẫn chưa biết allulose hay các chất thay thế đường khác có gây ra nguy cơ này hay không. Do đó vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu cụ thể về allulose để tìm hiểu về nguy cơ của nó đối với sức khỏe con người.
Và vì allulose có một số đặc tính tương tự như các sản phẩm này xét về mặt hóa học, do đó một số chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng allulose cũng có thể gây ra những bất lợi tương tự.
Các chuyên gia cũng khuyên mọi người nên tránh xa các chất tạo ngọt nhân tạo bao gồm rượu đường (erythritol, xiylitol) và allulose cho đến khi có thêm nghiên cứu. Thay vào đó, một lượng nhỏ đường kính hoặc mật ong là lựa chọn an toàn hơn nếu bạn vẫn muốn thêm vị ngọt cho món ăn.
Đọc thêm tại bài viết: Ưu, nhược điểm của chất tạo ngọt Erithrytol
Ngoài ra, allulose được biết rằng có thể gây khó chịu cho dạ dày đối với một số người. Nếu bạn tiêu thụ với số lượng lớn, allulose có thể gây đầy hơi, chướng bụng và buồn nôn. Triệu chứng này cũng thường gặp với hầu hết các loại rượu đường và chất tạo ngọt nhân tạo khác.
Tóm lại, nếu bạn muốn thêm vị ngọt vào chế độ ăn uống của mình bằng chất thay thế đường, thì allulose có thể là một lựa chọn. Nhưng hãy nhớ rằng allulose – hoặc bất kỳ chất tạo ngọt nhân tạo nào – không phải là lựa chọn lành mạnh nhất.
Lựa chọn tốt nhất về mặt dinh dưỡng của bạn luôn là thực phẩm tự nhiên. Nếu bạn cần sử dụng các sản phẩm thay thế đường, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại đường nhân tạo này.
Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM – Viện Y học ứng dụng Việt Nam cung cấp dịch vụ khám và tư vấn dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, phụ mang thai,… Liên hệ ngay hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc truy cập viamclinic.vn để đặt lịch ngay!