Nôn trớ ở trẻ sơ sinh: Khi nào là nguy hiểm?

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Nhiều phụ huynh thắc mắc con mình bị nôn trớ như vậy liệu có bình thường không? Hãy để Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM giải đáp giúp bạn nhé!

Hầu hết trẻ sơ sinh thỉnh thoảng đều bị nôn trớ và thường không có gì đáng lo ngại. Khi trẻ khó tiêu, khóc hoặc ho kéo dài đều có thể kích hoạt phản xạ này. Vì vậy, bạn có thể thấy trẻ bị nôn trớ khá nhiều trong những năm đời.

Tại sao trẻ bị nôn trớ?

Dưới đây là một số lý do phổ biến nhất khiến con bạn có thể bị nôn trớ được tổng hợp bởi Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM:

Trào ngược

Nếu trẻ bú nhiều sữa (có thể là bú mẹ hoặc bú bình), trẻ có thể bị trào ngược (còn gọi là ọc sữa). Trào ngược xảy ra do ống tiêu hóa của bé từ thực quản đến dạ dày vẫn đang phát triển, vì vậy sữa đôi khi có thể trào ngược trở lại sau khi bú và trào ra khỏi miệng hoặc mũi của bé. Có đến 50%  trẻ sơ sinh chịu ảnh hưởng bởi tình trạng này và thường không có gì đáng lo ngại. Điều này sẽ tự hết khi hệ tiêu hóa của bé trưởng thành và thường không còn xảy ra khi trẻ được 18 tháng.

Đôi khi có thể khó phân biệt được sự khác biệt giữa trào ngược và nôn mửa. Nếu bé chỉ chảy một chút sữa sau mỗi lần bú thì có lẽ không có gì đáng lo ngại. Nhưng nếu trẻ nôn nhiều hơn sau khi bú, đó có thể là dấu hiệu của một thứ gì đó khác ngoài chứng trào ngược. Trong trường hợp này, bạn nên đưa bé tới bệnh viện càng sớm càng tốt.

Vấn đề tiêu hóa do nhiễm virus

Hệ thống miễn dịch của trẻ vẫn đang phát triển, vì vậy trẻ có nguy cơ cao bị nhiễm bất kỳ loại virus nào xung quanh chúng. Nếu trẻ bị nhiễm virus, tình trạng nôn mửa của em bé có thể xảy ra đột ngột và thuyên giảm trong vòng một hoặc hai ngày. Trẻ cũng có thể có các triệu chứng khác, như tiêu chảy, sốt hoặc đau bụng. Phần lớn các phản ứng virus chỉ gây ra và kết thúc trong một vài ngày và bạn có thể chăm sóc trẻ tại nhà. Nhưng nếu trẻ bị sốt hoặc bất kỳ triệu chứng nào khác hoặc các triệu chứng không thuyên giảm trong vài ngày, hãy đưa trẻ đi khám.

Các bệnh nhiễm trùng khác

Nếu trẻ bị một loại nhiễm trùng khác như nhiễm khuẩn hô hấp hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), hay các nhiễm trùng do thời tiết, trẻ có thể gặp phải các triệu chứng như nôn mửa và tiêu chảy vì hệ thống miễn dịch của trẻ đang trong quá trình chống lại nhiễm trùng .

Dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm

Ở những trẻ đang bú mẹ đôi khi trẻ sẽ có phản ứng nôn trớ khi người mẹ bị ốm hoặc ăn những thực phẩm lạ. Các chất gây dị ứng phổ biến nhất bao gồm sữa, trứng, lúa mì, quả hạch, một số loại hạt, cá và động vật có vỏ. Nếu bị dị ứng, trẻ cũng có thể có các triệu chứng khác như tiêu chảy, sưng tấy hoặc ngứa quanh miệng, mũi hoặc mắt. Các triệu chứng này thường xuất hiện trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau khi trẻ ăn các thực phẩm có chứa chất gây dị ứng. Nếu bạn nghĩ rằng trẻ không dung nạp thực phẩm, bạn nên cho trẻ đi khám và nghe lời khuyên của bác sĩ trước khi quyết định loại bỏ bất kỳ loại thực phẩm nào khỏi chế độ ăn uống của trẻ. Bác sĩ sẽ có cách giúp trẻ vẫn nhận được tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết. Tuy nhiên, nếu trẻ có phản ứng dị ứng rõ ràng với một loại thức ăn mới, bạn không nên cho bé ăn lại thực phẩm đó cho đến khi bạn có thể nói chuyện với bác sĩ.

Ngộ độc thực phẩm

Nếu thức ăn hoặc đồ uống của trẻ có vi khuẩn, điều này có thể khiến trẻ bị đau bụng. Nếu trẻ bú sữa công thức, điều này có thể xảy ra nếu núm vú và bình sữa của trẻ không được tiệt trùng đúng cách hoặc nếu trẻ uống sữa công thức không được pha theo hướng dẫn trên bao bì. Nếu trẻ đã bắt đầu ăn dặm, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra nếu bé ăn phải thứ gì đó bị nhiễm vi khuẩn, như salmonella hoặc e.coli. Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm tương tự như khi bị nhiễm virus: trẻ có thể bị sốt, tiêu chảy và đau bụng hoặc ốm. Các triệu chứng có thể khởi phát từ vài giờ đến vài tuần sau khi ăn thực phẩm hoặc đồ uống bị nhiễm khuẩn.

Điều trị chứng nôn trớ ở trẻ

– Thông thường, nôn trớ ở trẻ không có gì đáng lo ngại và sẽ sớm khỏi. Điều quan trọng nhất là bổ sung đủ nước cho trẻ để ngăn ngừa nguy cơ mất nước. Tăng cường cho trẻ bú. Nếu trẻ đang bú sữa công thức, bạn có thể cho thêm nước đun sôi để nguội vào bình hoặc cốc riêng để cho trẻ uống thêm. Lưu ý bạn không nên thêm nước vào sữa công thức của trẻ, vì điều này có thể làm giảm lượng dinh dưỡng cần thiết của trẻ. Nước hoa quả và đồ uống có ga có thể làm cho tình trạng nôn mửa trở nên tồi tệ hơn, vì vậy bạn không nên cho trẻ uống những thứ này khi trẻ đang bị nôn trớ.

– Nếu bạn lo lắng trẻ có thể bị mất nước, bạn có thể cho trẻ bổ sung dung dịch bù nước uống (ORS) theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ. Oresol là một loại đồ uống điện giải đặc biệt giúp bổ sung đường, muối hoặc chất khoáng cho trẻ sau khi bị nôn trớ. Dược sĩ sẽ giới thiệu một loại an toàn cho trẻ cũng như đưa cho bạn lời khuyên về cách thức và thời điểm nên cho trẻ dùng.

– Nếu trẻ ăn thức ăn đặc, bạn cũng đừng lo lắng nếu trẻ biếng ăn hơn khi đang bị nôn trớ. Điều quan trọng hơn là tránh để trẻ bị mất nước.

– Bạn có thể đã nghe một số người đề nghị chế độ ăn BRAT (chuối, cơm, nước sốt táo và bánh mì nướng) cho trẻ sơ sinh khi ốm yếu. Những thực phẩm này giúp trẻ dễ tiêu hóa hơn, nhưng chúng sẽ không cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Nếu con bạn trên sáu tháng và vẫn đòi ăn khi bị nôn trớ, tốt nhất bạn chỉ nên cho bé ăn những thức ăn thông thường. Nếu trẻ đang phải bổ sung nước điện giải oresol, dược sĩ có thể khuyên bạn nên ngừng cho bé ăn thức ăn đặc hoàn toàn cho đến khi bé kết thúc quá trình điều trị.

– Nếu trẻ có các triệu chứng khác kèm theo đau, bạn có thể cho bé dùng liều paracetamol hoặc ibuprofen dành cho trẻ sơ sinh, tuy nhiên nên cho trẻ uống theo chỉ định của bác sĩ, dược sĩ.

– Nếu trẻ bị nôn trong vòng 30 phút sau khi uống paracetamol hoặc ibuprofen, bạn có thể cho trẻ uống lại liều tương tự. Nếu trẻ đã uống thuốc trên nửa tiếng và vẫn còn dấu hiệu của sốt thì bạn không cần cho trẻ uống lại thuốc ngay.Không nên tự ý cho trẻ uống thuốc chống buồn nôn, trừ khi bác sĩ có chỉ định.

– Khi trẻ bị nôn trớ bạn nên cho trẻ ở nhà theo dõi, không nên cho trẻ đến lớp nhất 48 giờ sau lần nôn trớ cuối cùng của trẻ.

Khi nào tình trạng nôn trớ của trẻ cần đưa đi khám?

Đôi khi nôn trớ thường không có gì đáng lo ngại, nhưng nếu bé bị ốm và biểu hiện triệu chứng của một bệnh gì đó nghiêm trọng hơn thì bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM đã liệt kê dưới đây, hãy đưa trẻ đi khám ngay:

– Nôn trớ thường xuyên, nôn vọt, đặc biệt là nếu trẻ dưới hai tháng tuổi. Đây có thể là dấu hiệu của hẹp môn vị.

– Chất nôn có màu xanh lục hoặc vàng xanh. Đây có thể là dấu hiệu của tắc nghẽn đường ruột của trẻ.

– Có máu trong chất nôn của trẻ. Tuy nhiên, không phải lúc nào đó cũng là dấu hiệu cho thấy trẻ bị ốm. Ví dụ, nếu bạn đang cho con bú và núm vú bị nứt và chảy máu, có thể bé đã nuốt một ít máu của bạn và khiến có máu trong chất nôn. Nhưng đôi khi nó có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng, vì vậy bạn nên kiểm tra cẩn thận cũng như đưa trẻ đi khám nếu cần.

– Máu trong phân của trẻ. Máu trong phân của bé đôi khi có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc dị ứng.

– Dấu hiệu mất nước: Trẻ sơ sinh có thể bị mất nước nhanh hơn nhiều so với người lớn, đặc biệt là nếu trẻ nôn trớ nhiều. Các dấu hiệu mất nước ở trẻ nhỏ bạn nên chú ý, như tã ướt ít hơn, môi khô, khóc không ra nước mắt, trẻ lờ đờ li bì khó đánh thức, thở nhanh hoặc thóp trước của trẻ sờ thấy lõm.

– Trẻ từ chối ăn. Nếu trẻ từ chối tất cả thức ăn hoặc đồ uống trong hơn một vài giờ, hoặc nôn ra hết bất kì thứ gì được cho ăn thì bạn nên cho trẻ đi khám.

– Nôn kéo dài 1-2 ngày. Đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc bệnh khác cần điều trị.

Bất kỳ triệu chứng nào khác mà bạn lo lắng, như trẻ có kèm theo sốt, đau bụng dữ dội. Bạn là người hiểu rõ con mình nhất, vì vậy nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào về tình trạng sức khỏe của trẻ, tốt hơn hết bạn nên tin tưởng vào bản năng của mình và tìm kiếm sự giúp đỡ. Bác sĩ sẽ kiểm tra và hỏi về các triệu chứng khác của trẻ, để tìm ra nguyên nhân gây ra nôn trớ.  Phần lớn các trường hợp không quá lo ngại, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị ợp lí cho trẻ. 

Nếu trẻ bị nhiễm trùng do vi khuẩn, trẻ có thể cần dùng thuốc kháng sinh để điều trị. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh phù hợp cho trẻ. Tuy nhiên, không phải tất cả các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn đều cần dùng kháng sinh và nhiều trường hợp tự khỏi mà không cần điều trị. Thuốc kháng sinh sẽ không giúp con bạn chống lại virus, vì vậy bác sĩ sẽ không kê đơn nếu trẻ bị nhiễm virus và bạn đừng quá lo lắng vì tình trạng của trẻ sẽ được cải thiện khi virus hết. Việc trẻ nôn trớ phải lúc nào cũng là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu nó khiến trẻ mất nước rất nhiều, bác sĩ có thể đề nghị trẻ nhập viện để điều trị bù dịch cho trẻ.

Nếu trẻ bị hẹp môn vị, bác sĩ sẽ chỉ định tiểu phẫu khá nhanh chóng. Phẫu thuật sẽ khắc phục tình trạng nôn trớ của trẻ và con bạn sẽ sớm cảm thấy tốt hơn.

Làm thế nào để giúp con trẻ có chế độ dinh dưỡng và luyện tập phù hợp để có cơ thể khỏe mạnh, phát triển toàn diện? Liên hệ ngay với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để đăng ký Khám, tư vấn Dinh dưỡng cùng các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam nhé! Đặt lịch khám nhanh và đơn giản tại Hotline: 0935183939 hoặc Fanpage Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM.

BS. Nguyễn Hoài Thu – Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM

(Tổng hợp từ BabyCenter)



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY