Omega-3 có thực sự tốt như lời đồn?

14/02/2022 -  Kiến thức dinh dưỡng

Bạn thường được nghe rằng Omega-3 có rất nhiều lợi ích thần kỳ cho sức khoẻ, vậy thực hư thế nào, hãy cùng tìm hiểu với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM nhé.

Axit béo Omega-3 được ca ngợi là có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm làm giảm viêm, tốt cho tim mạch và hỗ trợ sức khỏe não bộ. Tuy nhiên, có một số tranh cãi về hiệu quả và lợi ích của chúng đối với sức khỏe con người. Axit béo Omega-3 là một loại chất béo không bão hòa đa – hay cũng được biết đến là chất béo lành mạnh – được biết đến vai trò bảo vệ tiềm năng của chúng trong hỗ trợ điều trị một số bệnh mạn tính như là bệnh tim và chứng sa sút trí tuệ. Omega-3 cũng là một trong những thành phần quan trọng tạo nên màng tế bào.

Axit béo Omega-3 bao gồm: ALA, SDA, EPA, DPA, DHA. Trong đó DHA và EPA là chất béo không bão hòa đa chính trong màng tế bào não và đã được sử dụng rất nhiều dưới dạng thực phẩm chức năng. Axit béo Omega-3 là rất cần thiết, nhất là khi cơ thể con người không có khả năng tự tạo ra chúng. Do đó, chúng ta phải nạp những loại axit béo này hoặc tiền chất của chúng từ chế độ ăn uống.

Omega-3 trong chế độ ăn

Các axit béo Omega-3 gồm DHA, EPA và DPA được tổng hợp bởi các sinh vật biển như tảo và thực vật phù du. Khi được tiêu thụ bởi cá, động vật có vú sống dưới nước, động vật giáp xác, các axit béo đi vào chuỗi thức ăn và được lưu trữ trong mỡ cơ thể và gan động vật, sau đó chúng được tiêu thụ bởi con người.

Các nguồn cung cấp DHA, EPA và DPA bao gồm:

  • Cá béo, chẳng hạn như cá hồi, cá mòi, cá thu, cá trích
  • Gan của cá thịt trắng, nạc như là cá bơn hoặc cá tuyết
  • Mỡ của hải cẩu hoặc cá voi
  • Dầu cá từ thịt cá tuyết, cá ngừ, cá tuyết chấm đen, cá bơn hoặc dầu nhuyễn thể

Mặt khác, ALA tập trung ở các nguồn thưc vật và là axit béo omega-3 được cơ thể sử dụng thường xuyên nhất để tạo ra tất cả các loại axit béo omega-3 khác.

Nguồn ALA trong tự nhiên bao gồm các loại hạt như là hạt lanh, hạt chia, quả óc chó cũng như là các loại dầu, chẳng hạn như dầu hạt cải, dầu đậu nành… Tuy nhiên do việc chuyển đổi ALA thành DHA và EPA khá là kém hiệu quả nên khuyến khích một chế độ ăn uống kết hợp nhiều thực phẩm giàu ALA, EPA và DHA. Ngày nay thì việc lấy Omega-3 DHA và EPA trong những thực phẩm bổ sung như dầu cá đang được ưa chuộng sử dụng phổ biến ở cả người lớn và trẻ em.

Những điều Omega-3 có thể làm cho sức khoẻ

  • Đặc tính chống viêm: Axit béo omega-3 đã được chứng minh là có tác dụng chống viêm trong cơ thể con người và có thể hỗ trợ làm giảm các dấu hiệu viêm. Trên thực tế, axit béo omega-3 được coi là một trong những chất béo mạnh nhất có khả năng làm giảm quá trình oxy hóa và viêm. Nó cũng có khả năng bảo vệ chống lại sự phát triển của các bệnh mạn tính.
  • Giảm cholesterol: Các chuyên gia cho rằng, việc bổ sung hàng ngày với ít nhất 1,2g DHA làm giảm đáng kể mức chất béo trung tính và tăng cholesterol “tốt”, hoặc lipoprotein mật độ cao. Ngoài ra, axit béo omega-3 làm giảm cholesterol “xấu” – LDL.
  • Hạ huyết áp: Axit béo omega-3 đã được chứng minh là có thể cải thiện sức khỏe mạch máu bằng cách tăng khả dụng sinh học của oxit nitric. Các nghiên cứu cho rằng, oxit nitric gây ra sự giãn nở của các mạch máu và dẫn đến giảm huyết áp đáng kể.
  • Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim: Bằng cách giảm các dấu hiệu liên quan đến tăng nguy cơ phát triển bệnh tim bao gồm tryglyceride cao, cholesterol cao và tăng huyết áp – axit béo omega-3 có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim.
  • Cải thiện khả năng chịu đựng khi điều trị ung thư: Axit béo omega-3 có thể cải thiện hiệu quả và khả năng chịu đựng hóa trị và là một phương pháp điều trị hỗ trợ tiềm năng cho những người đang điều trị ung thư. Đặc biệt hơn, việc bổ sung EPA và DHA hàng ngày đã giúp bệnh nhân ung thư đầu cổ, ung thư vú duy trì trọng lượng cơ thể và giảm tình trạng mất cơ liên quan đến ung thư.
  • Cải thiện chứng trầm cảm: Các nghiên cứu cho thấy tác động có lợi của axit béo omega-3 EPA đối với chứng trầm cảm. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ăn cá béo và hải sản vừa phải có liên quan đến việc ít bị trầm cảm hơn.

Những tác dụng của Omega-3 vẫn còn đang có nhiều tranh cãi

Giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim

Các chuyên gia chỉ ra rằng omega-3 không làm giảm nguy cơ mắc biến chứng liên quan đến bệnh tim, chẳng hạn như đột tử do tim, đau tim hoặc đột quỵ, ngay cả ở những người không có tiền sử bệnh. Mặc dù chất béo omega-3 làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tim bằng cách giảm tryglyceride, cholesterol “xấu” LDL và huyết áp, tuy nhiên các phân tích cho thấy rằng việc bổ omega-3 chúng không ngăn ngừa tử vong do mọi nguyên nhân cũng như bệnh tim.

Ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh tiểu đường

Bằng chứng cho thấy việc tăng lượng omega-3 không ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh tiểu đường. Nó không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu lúc đói, kháng insulin hoặc hemoglobin glycosyl hóa ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 và hội chứng chuyển hóa.

Ngăn ngừa ung thư

Axit béo omega-3 đã được báo cáo là làm giảm các biến chứng của một số bệnh nhân ung thư và những phát hiện ban đầu có vẻ đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, không có bằng chứng về bất kỳ hoạt động nào của omega-3 trong việc ngăn ngừa sự phát triển của bệnh ung thư. Axit béo Omega-3 là những hợp chất thiết yếu, xây dựng nên màng tế bào, đặc biệt là trong não. Bằng chứng cho thấy axit béo omega-3 có đặc tính chống viêm và có thể làm giảm cholesterol, huyết áp, các giai đoạn trầm cảm, giảm cân trong quá trình điều trị ung thư và nguy cơ mắc bệnh tim.

Tuy nhiên, việc cung cấp omega-3 không làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến bệnh tim, bao gồm đột tử và đột quỵ. Ngoài ra, nó cũng không thể ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh tiểu đường hoặc ngăn ngừa cục máu đông.

Hãy đến Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được các Chuyên gia bác sĩ tư vấn chế độ ăn bổ sung sắt phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn nhé. Mọi thông tin xin liên hệ Hotline: 0935.18.3939 hoặc Fanpage Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM.

BS. Đoàn Hồng – Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM

Tổng hợp từ Medical News Today



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY