Không ăn khi mắc chứng sa sút trí tuệ thường do khó nuốt và cảm giác chán ăn. Nhưng những thay đổi về chế độ ăn uống có thể khó nhận thấy, ngay cả trong giai đoạn đầu của bệnh. Tập trung vào sự thoải mái, khả năng tiếp cận thức ăn và thực phẩm chất lượng sẽ là những biện pháp hữu ích nhất.
Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ lâm sàng được sử dụng rộng rãi để chỉ tình trạng mất trí nhớ và suy giảm nhận thức không điển hình của quá trình lão hóa. Bệnh Alzheimer là bệnh sa sút trí tuệ phổ biến nhất, chiếm tới 80% các trường hợp được chẩn đoán.
Những thay đổi về ăn uống trong chứng sa sút trí tuệ là phổ biến. Nghiên cứu ban đầu từ năm 2015 cho thấy có tới 81,4% người mắc chứng sa sút trí tuệ gặp phải tình trạng rối loạn ăn uống và nuốt. Trong đó, gần một nửa đối tượng nhận thấy sự thay đổi cảm giác thèm ăn ngay cả khi bệnh ở dạng nhẹ.
Đối với những người chăm sóc, biết mình phải làm gì khi người mắc bệnh sa sút trí tuệ không ăn hoặc không thể ăn là một phần quan trọng trong việc ngăn ngừa suy dinh dưỡng.
Contents
Tại sao bệnh nhân sa sút trí tuệ không muốn ăn?
Khi một người mắc chứng mất trí nhớ không muốn ăn, điều này không phải do họ bướng bỉnh. Chứng mất trí nhớ là một quá trình thoái hóa thần kinh, làm thay đổi cách thức hoạt động của não bộ và việc ăn uống không chỉ liên quan đến cảm giác đói.
Một đánh giá năm 2020 về hành vi ăn uống ở bệnh nhân sa sút trí tuệ cho thấy những thay đổi về mô hình ăn uống thường bắt đầu chậm và có liên quan đến sự suy giảm trí nhớ. Ví dụ, bạn có thể đến cửa hàng tạp hóa và không nhớ mình cần mua gì hoặc nấu món đó như thế nào cho đúng. Điều này sẽ dẫn tới những lựa chọn kém chất lượng hơn, thực phẩm chế biến sẵn hoặc những bữa ăn đơn giản nói chung.
Khi chứng mất trí tiến triển, trí nhớ suy giảm có thể khiến bạn bỏ bữa hoặc dẫn đến ăn quá nhiều, đặc biệt nếu cảm giác thèm ăn bắt đầu thay đổi. Bộ não kiểm soát sự thèm ăn và vì chứng mất trí nhớ làm thay đổi chức năng của não, cảm giác đói có thể diễn ra không nhiều và không thường xuyên. Các yếu tố khác có thể gây khó khăn trong việc ăn uống đối với người mắc bệnh sa sút trí tuệ bao gồm:
- Kiểm soát vận động kém, như khó nuốt hoặc khó nhai
- Cảm giác khó chịu
- Tình trạng kém hoạt động
- Trầm cảm
- Bị cô lập với mọi người
- Rối loạn giấc ngủ
- Thay đổi khứu giác và vị giác
- Thay đổi cảm giác thèm ăn
- Các tình trạng kèm theo
- Suy giảm khả năng giao tiếp
- Sử dụng thuốc
Phải làm gì nếu bệnh nhân sa sút trí tuệ không chịu ăn?
Thay đổi được cảm giác đói là rất khó, tuy nhiên, với tư cách là người chăm sóc, có nhiều cách để khuyến khích người mắc chứng sa sút trí tuệ ăn và tận dụng tối đa các loại thực phẩm.
Ngoài ra, nhiều người mắc chứng mất trí nhớ cũng bị hạn chế về chế độ ăn do các bệnh lý, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc bệnh gan. Điều này sẽ khiến việc cho người mắc chứng mất trí nhớ ăn uống trở nên khó khăn hơn.
Loại trừ nguyên nhân gây đau
Những người mắc chứng mất trí nhớ có thể ít nhận thức được tình trạng thể chất của bản thân và có thể dễ bị chấn thương hoặc nhiễm trùng. Hơn nữa, họ sẽ gặp khó khăn trong việc giải thích về sự khó chịu thể chất.
Nếu người thân của bạn đột nhiên mất hứng thú ăn uống, đó có thể là dấu hiệu của sự đau đớn hoặc khó chịu, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu, đau dạ dày, áp xe răng hoặc thậm chí là gãy xương.
Tham khảo ý kiến của bác sĩ để xem liệu họ có cần được thăm khám và điều trị nhiễm trùng hoặc chấn thương hay không. Thông thường, sự thèm ăn của họ sẽ được cải thiện sau khi tình trạng này được xử lý.
Ưu tiên sự thoải mái
Trong bữa ăn, việc chú ý đến nhiệt độ phòng, tư thế, chỗ ngồi, ánh sáng và bầu không khí chung có thể sẽ giúp ích. Một khi sự thoải mái về thể chất được quan tâm, bạn có thể tập trung vào sức khỏe tinh thần. Biến bữa ăn thành một trải nghiệm xã hội và dành nhiều thời gian hơn để hoàn thành bữa ăn là những cách để bữa ăn trở thành một trải nghiệm tích cực.
Hạn chế các tác nhân gây phiền nhiễu
Ăn uống có thể dễ dàng hơn nếu đó là điều duy nhất cần tập trung. Bạn nên ưu tiên việc ăn uống bằng cách hạn chế các hoạt động kép, như vừa ăn cơm vừa xem tivi cùng một lúc.
Tuy nhiên, bạn nên chú ý tới phản ứng của người thân và quan sát xem điều gì là tốt nhất đối với họ. Họ có thể ăn ngon hơn khi thưởng thức những thứ khác trong bữa ăn, hoặc họ có thể thích những khoảng thời gian yên tĩnh, không bị gián đoạn.
Sử dụng thực phẩm giàu dinh dưỡng
Bạn có thể tận dụng tối đa các chất dinh dưỡng từ thực phẩm bằng cách tập trung vào các lựa chọn giàu dinh dưỡng, chẳng hạn như súp và kết hợp thực phẩm một cách thông minh. Cân nhắc việc tạo hương vị cho các món ăn giàu dinh dưỡng bằng các loại nước sốt yêu thích.
Dễ chịu và kiên nhẫn
Có thể bạn sẽ bực bội khi một người mắc chứng mất trí nhớ không muốn ăn, nhưng việc trừng phạt họ hoặc bắt họ phải chịu trách nhiệm về những hành vi thường xuyên xảy ra trong bữa ăn sẽ không giúp ích được gì. Ví dụ, hãy cứ để mọi thứ bừa bộn nếu cần thiết. Bạn có thể thích nghi với điều này bằng cách sử dụng khăn trải bàn bằng nhựa và các vật dụng dùng một lần khác.
Nếu họ tiếp tục yêu cầu thêm thức ăn vì không thể nhớ mình đã ăn gì, hãy cân nhắc việc chuẩn bị sẵn nhiều khẩu phần nhỏ hơn thay vì chỉ nói “không”.
Cách giúp bệnh nhân sa sút trí tuệ ăn uống
Khi bạn đang có tình trạng suy giảm nhận thức, sự phức tạp sẽ khiến bạn trở nên bực bội và có thêm lý do để từ chối ăn. Bạn có thể làm cho bữa ăn trở nên đơn giản hơn bằng cách:
- Đưa ra nhiều lựa chọn khác nhau
- Phục vụ từng món một để tránh việc phải đưa ra quá nhiều quyết định
- Tăng khả năng đáp ứng, như sử dụng bát thay vì đĩa
- Chọn những thực phẩm dễ lấy bằng ngón tay
- Sử dụng đĩa và bát có màu sắc giúp đồ ăn dễ nhìn hơn
- Chế biến thức ăn có kết cấu dễ nhai và dễ nuốt
- Cắt sẵn các món ăn thành từng miếng vừa ăn
- Sử dụng chất làm đặc giúp việc nuốt các chất lỏng dễ dàng hơn
- Sử dụng ống hút để hấp thu tối đa lượng chất lỏng
- Cung cấp những thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp, sẵn sàng để sử dụng
Những món ăn thích hợp cho bệnh nhân sa sút trí tuệ
Khi nói đến việc chuẩn bị bữa ăn cho người mắc chứng mất trí nhớ, Hiệp hội Alzheimer gợi ý như sau:
- Hạn chế thực phẩm có cholesterol cao và chất béo bão hòa
- Tập trung vào rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và sữa ít béo
- Thay thế các sản phẩm đường tinh luyện bằng trái cây hoặc đồ nướng có đường làm từ nước trái cây
- Tránh các thực phẩm có hàm lượng natri cao và sử dụng ít muối hơn trong quá trình nấu ăn
Hãy ghi nhớ những ý tưởng và chiến lược về giờ ăn, có rất nhiều lựa chọn giúp bữa ăn trở nên dễ dàng hơn khi chăm sóc người mắc chứng sa sút trí tuệ.
Súp
Súp là một cách dễ dàng để thêm một lượng lớn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng vào món ăn. Súp có thể được tùy chỉnh theo khẩu vị của từng người và nguyên liệu thường mềm hơn, dễ ăn hơn. Súp không dành cho tất cả mọi người. Nếu khó nuốt, súp có thể cần phải chế biến đặc lại.
Đĩa ăn nhẹ
Quá nhiều lựa chọn về thực phẩm có thể khiến bạn choáng ngợp, nhưng các đĩa đồ ăn nhẹ, chẳng hạn như pho mát cắt miếng, thịt viên và trái cây, là một cách để trình bày lượng nhỏ các thực phẩm vừa ăn mà vẫn có thể sử dụng bằng tay.
Sinh tố
Khi bạn cần bổ sung hàm lượng lớn các chất dinh dưỡng nhưng khả năng ăn uống không cho phép, sinh tố có xu hướng đặc hơn so với nước trái cây, khiến chúng dễ nuốt hơn vì di chuyển chậm hơn.
Bữa ăn chế biến chậm
Thực phẩm nấu trong nồi ninh chậm rất mềm. Thịt và rau sẽ mềm đi mà vẫn giữ được hương vị. Sử dụng thiết bị này còn giúp nấu cả bữa ăn cùng một lúc để tiết kiệm thời gian.
Mỳ ống
Mỳ ống phải được chế biến cẩn thận để đảm bảo đủ mềm cho người mắc chứng mất trí nhớ và việc lựa chọn mì ống cũng có thể rất quan trọng. Những sợi mì nhỏ thay vì những sợi mì ống có thể là lựa chọn tốt hơn. Ngoài ra còn có các lựa chọn mì ống làm từ ngũ cốc nguyên hạt, không chứa gluten hoặc rau củ có thể cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho bữa ăn. Ngoài ra, nước sốt mì ống mang đến cơ hội tuyệt vời để xay nhuyễn các loại rau mà lẽ ra bạn có thể tránh hoặc ăn không ngon miệng.
Kết luận
Sống chung với chứng mất trí nhớ có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống theo nhiều cách khác nhau. Ngoài những khó khăn cơ học trong ăn uống, cảm giác thèm ăn có thể giảm sút và bạn sẽ không còn thấy những món ăn đó hấp dẫn nữa. Khi người mắc chứng sa sút trí tuệ không ăn, bạn nên giải quyết mọi cơn đau hoặc sự khó chịu mà họ gặp phải, làm cho bữa ăn trở nên thoải mái nhất có thể và cung cấp những thức ăn có kích thước và kết cấu phù hợp.
Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Hải Yến – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM