Phòng tránh ngộ độc thực phẩm ngày Tết

08/02/2024 -  Kiến thức dinh dưỡng

Tết Nguyên Đán là khoảng thời gian tiêu thụ thực phẩm đạt đỉnh điểm do nhu cầu mua sắm và sử dụng tăng cao của người dân. Điều này đã dẫn đến những nguy cơ xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm. Để ngày Tết trở nên thật ấm áp, trọn vẹn bên người thân và gia đình, bài viết dưới đây sẽ liệt kê những yếu tố nguy cơ của tình trạng ngộ độ thực phẩm ngày Tết và những biện pháp phòng ngừa hữu ích.

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý xảy ra khi cơ thể nhiễm các chất độc trong quá trình ăn uống. Trường hợp ngộ độc cấp tính thường gây ra bởi nguyên nhân nhiễm vi sinh vật hoặc hóa chất với liều lượng lớn. Các biểu hiện đặc trưng như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa hoặc đi ngoài phân lỏng liên tục kèm theo khó chịu, hoa mắt, chóng mặt,… Trong khi ngộ độc mạn tính diễn ra trong thời gian dài, liên tục bởi sự tích tụ các chất độc, ảnh hưởng tới sự chuyển hóa và hấp thu các chất trong cơ thể, dẫn đến tình trạng mệt mỏi hoặc các bệnh mạn tính nguy hiểm.

Nguyên nhân xảy ra các tình trạng ngộ độc ngày Tết.

Về cơ bản, nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc là do không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Có 2 lý do chính dẫn đến tình trạng này: bản thân thực phẩm có chứa sẵn những chất độc hoặc vi sinh vật gây bệnh. Nguyên nhân còn lại là do quá trình sơ chế, chế biến và bảo quản không đảm bảo dẫn tới tình trạng nhiễm khuẩn chéo và ô nhiễm thực phẩm.

  1. Thực phẩm không rõ nguồn gốc. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao cũng là lúc “thực phẩm bẩn” được làm mới, làm sạch, gắn mác an toàn và trà trộn vào thị trường với mục đích kinh doanh.
  2. Thực phẩm không đảm bảo an toàn. Thực phẩm hư hỏng, ôi thiu, chứa nhiều chất bảo quản hoặc dư lượng hóa chất kích thích, thuốc trừ sâu quá lớn có thể gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe.
  3. Bảo quản thực phẩm không đảm bảo. Tích trữ thực phẩm với số lượng lớn nhưng bảo quản không đúng cách cũng là nguyên nhân gây hư hỏng thậm chí ô nhiễm chéo và mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, mâm cơm ngày Tết lúc nào cũng rất đa dạng các món ăn, nhưng nếu không đảm bảo được việc bảo quản và chế biến lại thức ăn thừa cũng có thể xảy ra tình trạng tái nhiễm.
  4. Nơi chế biến không đảm bảo vệ sinh. Nhà bếp, các mặt bàn, dụng cụ chế biến, dụng cụ ăn uống hoặc nơi trữ thực phẩm không đảm bảo là điều kiện thuận lợi giúp vi sinh vật gây bệnh hoạt động và lây nhiễm giữa các loại thực phẩm.
  5. Quy trình chế biến thực phẩm không an toàn. Sơ chế thực phẩm chưa sạch, dùng chung dụng cụ giữa thực phẩm sống và chín, thức ăn chưa được nấu chín hoặc thức ăn nấu xong chưa ăn ngay lập tức không được bảo quản đúng cách cũng là nguy cơ cao khiến thực phẩm nhiễm vi khuẩn và gây ra tình trạng ngộ độc.

10 nguyên tắc “vàng” giúp phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Dưới đây là 10 nguyên tắc trong phòng chống ngộ độc thực phẩm do Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo:

  • Chọn thực phẩm an toàn.
  • Nấu chín kĩ thức ăn.
  • Ăn ngay sau khi nấu.
  • Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín.
  • Nấu lại thức ăn thật kĩ.
  • Tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống.
  • Rửa tay sạch rước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn.
  • Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn.
  • Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác.
  • Sử dụng nguồn nước sạch an toàn.

Những biện pháp phòng ngừa ngộ độc ngày Tết.

  1. Lựa chọn thực phẩm sạch từ các nguồn đảm bảo uy tín.

Tất cả các nguyên liệu cần được lựa chọn từ nguồn an toàn, có xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng. Đặc biệt với những thực phẩm như thịt, cá, thủy hải sản,… cần quan sát kĩ càng và lựa chọn những thực phẩm còn tươi sống. Với các loại rau, củ, quả, nên chọn những nguồn uy tín, không nhiễm bệnh, không dập nát, hư hỏng hoặc có dấu hiệu của việc sử dụng quá mức các chất kích thích và hóa chất bảo vệ thực vật.

2. Bảo quản thực phẩm đúng cách.

Bảo quản thực phẩm có thể chia thành hai giai đoạn: trước và sau chế biến.

Với những thực phẩm khi mua về nhưng chưa chế biến hoặc sử dụng ngay lập tức, cần có những phương pháp sơ chế, phân loại và bảo quản riêng biệt, tùy vào tính chất của từng loại thực phẩm để ngăn ngừa sự sinh sôi của vi khuẩn. Với những thực phẩm bảo quản đông lạnh, trước khi sử dụng cũng cần có biện pháp rã đông thích hợp.

Những thức ăn đã nấu chín nhưng chưa sử dụng hết hoặc còn dư thừa cần phải được bao gói, đóng hộp và bảo quản ở nhiệt độ thích hợp phòng chống tái nhiễm hoặc ôi thiu, lên mốc trong điều kiện độ ẩm cao ngày Tết. Trước khi sử dụng lại, nhất thiết phải làm nóng hoặc đun sôi. Đặc biệt, chỉ chế biến vừa đủ, không nên nấu quá nhiều hoặc bảo quản quá lâu trong tủ lạnh, vừa làm giảm hàm lượng dinh dưỡng, vừa khiến tăng nguy cơ ngộ độc.

Một lưu ý nhỏ về nơi bảo quản thực phẩm như tủ lạnh hoặc tủ cấp đông cần được vệ sinh thường xuyên, cài đặt nhiệt độ thích hợp và ngăn cách giữa nơi để thực phẩm sống và thức ăn chín, phòng chống tái nhiễm.

3.Tuân thủ các quy tắc an toàn trong chế biến thực phẩm.

Nguồn nước sử dụng trong chế biến phải là nguồn nước sạch. Nơi nấu ăn, môi trường xung quanh và đặc biệt là dụng cụ phải được vệ sinh sạch sẽ, riêng biệt giữa thực phẩm sống và chín. Những người tham gia vào quá trình nấu nướng cũng phải tuân thủ các biện pháp giữ vệ sinh cá nhân. Thông qua quá trình sơ chế, thực phẩm phải được loại bỏ hết tạp chất, bụi bẩn và các chất độc hại. Sau đó, phải được chế biến chín kĩ và ăn ngay sau khi nấu. Nếu chưa sử dụng ngay trong vòng 2 tiếng, không nên để thức ăn ở môi trường ngoài mà cần được bảo quản trong nhiệt độ lạnh. Đặc biệt, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh cần rửa tay bằng những sản phẩm các tác dụng diệt khuẩn.

4. Nhận biết các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm và biết cách sơ cứu ban đầu.

Tùy thuộc vào từng nguyên nhân nhưng nhìn chung, các biểu hiện rất dễ nhận biết của tình trạng ngộ độc thực phẩm là mệt mỏi, sốt, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy,… Theo đó, việc xử trí cũng tùy thuộc vào từng nguyên nhân nhưng vấn đề cần được ưu tiên là tìm cách thải độc tố ra khỏi cơ thể và bù nước, bù điện giải. Nếu các triệu chứng ngày càng trầm trọng, cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế ngay lập tức để thực hiện các biện pháp điều trị kịp thời.

Phòng bệnh ngay từ ban đầu luôn là cách chữa bệnh tốt nhất, đặc biệt trong những dịp lễ Tết quan trọng. Những thành viên trong gia đình hãy trang bị cho mình những kiến thức và có hành vi thích hợp để tránh rủi ro từ việc ngộ độc thực phẩm trong ngày Tết.

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Hải Yến – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY