Protein động vật và protein thực vật: sử dụng như thế nào là phù hợp?

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Protein là thành phần thiết yếu của cơ thể, và cần được nạp vào hàng ngày ở một số lượng nhất định qua chế độ ăn uống để đảm bảo duy trì các hoạt động của cơ thể. Việc lựa chọn sử dụng protein động vật hay thực vật có thể xen kẽ nhau để đảm bảo mang đến những lợi ích tối đa mà chúng mang lại.

Protein động vật là hoàn hảo, song không phải không có những tiêu cực

Một số nghiên cứu đã quan sát thấy mối liên quan giữa việc tiêu thụ thịt đỏ – nguồn protein động vật được coi là toàn diện nhất – với khả năng gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tử vong sớm. Tuy nhiên, các nghiên cứu sâu hơn đã gợi ý rằng vấn đề không phải ở tất cả các loại thịt đỏ, mà cụ thể là với thịt đỏ đã qua chế biến.

Trong một nghiên cứu mới đây đánh giá trên 448.568 đối tượng đã cho thấy, việc sử dụng thịt đã qua chế biến có liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong trong khi sử dụng thịt không qua chế biến không tìm thấy mối liên quan này. Một nghiên cứu khác đánh giá mối liên quan được thực hiện trên 34.000 phụ nữ cũng đưa ra kết quả tương tự. Trong trường hợp này, thịt đã qua chế biến có liên quan đến tình trạng suy tim.

Ngoài ra, các nghiên cứu đánh giá lớn cũng cho thấy thịt đã qua chế biến có liên quan đến gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường. Một lần nữa, nghiên cứu không tìm thấy có mối liên quan nào giữa thịt chưa qua chế biến và các nguy cơ trên. Các nghiên cứu bổ sung cũng đã xác nhận điều này: tiêu thụ thịt – đặc biệt là thịt đỏ – chưa qua chế biến không liên quan đến bệnh tim mạch.

Mặc dù vậy, nghiên cứu cho thấy thay thế 1 khẩu phần thịt đỏ mỗi ngày bằng 1 khẩu phần thịt gia cầm có liên quan đến giảm nguy cơ đột quỵ thấp hơn 27%. Hơn nữa, các rủi ro sức khỏe liên quan đến thịt đỏ đã qua chế biến sẽ không liên quan đến các loại cá và các loại khác như thịt gia cầm.

Chế độ ăn giàu đạm thực vật có liên quan đến nhiều lợi ích

Chế độ ăn giàu protein thực vật, chẳng hạn như chế độ ăn chay, cũng mang tới nhiều lợi ích sức khỏe. Các nghiên cứu cho thấy những người ăn chay có xu hướng giảm trọng lượng cơ thể, giảm cholesterol và giảm huyết áp. Ăn chay cũng được chứng minh là giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ, ung thư và tử vong do bệnh tim so với những người không ăn chay.

Giảm nguy cơ mắc bệnh tim

Một nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu protein (với khoảng một nửa protein có nguồn gốc từ thực vật) giúp làm giảm huyết áp, mức cholesterol và nguy cơ mắc bệnh tim hơn so với chế độ ăn tiêu chuẩn hoặc chế độ ăn nhiều carb lành mạnh.

Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type-2

Một nghiên cứu nhỏ trên những người mắc bệnh tiểu đường type-2 cho thấy rằng thay thế 2 phần thịt đỏ bằng các loại đậu trong 3 ngày mỗi tuần sẽ cải thiện lượng cholesterol và lượng đường trong máu. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác kéo dài trong 6 tuần ở bệnh nhân tiểu đường đã so sánh chế độ ăn nhiều protein thực vật với chế độ ăn nhiều protein động vật lại cho thấy không có sự khác biệt nào được tìm thấy về lượng đường trong máu, cholesterol và huyết áp. Nhìn chung, việc sử dụng protein thực vật mang tới những lợi ích khác trên những người mắc tiểu đường type-2, không chỉ là kiểm soát lượng đường trong máu.

Phòng chống tăng cân

Chế độ ăn giàu protein thực vật cũng có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng. Theo nghiên cứu theo dõi 120.000 nam giới và phụ nữ trong hơn 20 năm cho thấy, việc ăn nhiều các loại hạt (nguồn dồi dào protein thực vật) có liên quan đến việc giúp giảm cân nặng. Ngoài ra, ăn một phần đậu (đậu xanh, đậu lăng hoặc đậu Hà Lan) mỗi ngày có thể làm tăng cảm giác no và có thể giúp giảm cân tốt hơn.

Tuy nhiên, các nghiên cứu quan sát chỉ báo cáo các liên kết về mặt con số thống kê. Về bản chất, không thể chứng minh rằng những lợi ích này là do loại bỏ thịt đỏ hoặc do các nguồn protein động vật khác mang lại. Một điều cần lưu ý là những người ăn chay có xu hướng quan tâm đến sức khỏe hơn so với dân số chung. Do đó, lợi ích sức khỏe của chế độ ăn chay có thể là do chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh cùng kết hợp, và điều này mang tới hiệu quả đồng bộ hơn là bất kỳ sự ảnh hưởng nào của protein thực vật hay động vật. 

Protein động vật cũng có lợi cho sức khỏe

Protein động vật cũng có liên quan đến những tác động tích cực đến sức khỏe, mặc dù thường được miêu tả là không lành mạnh so với protein thực vật. Nghiên cứu cho thấy thịt gia cầm, cá và sữa ít béo có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Những người ăn cá thường xuyên cũng có khả năng giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong do bệnh tim.

Theo một nghiên cứu trên 40.000 nam giới cho thấy những người thường xuyên ăn một hoặc nhiều khẩu phần cá mỗi tuần có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn 15%. Ngoài ra, ăn trứng có liên quan đến việc cải thiện mức cholesterol và giảm cân. Trong một nghiên cứu, những phụ nữ ăn trứng vào bữa sáng thay vì bánh mì cho biết họ cảm thấy no hơn và ăn ít hơn vào cuối ngày. Điều này giúp giảm lượng calo tổng thể nạp vào hàng ngày và giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn.

Ngoài ra, không thể phủ nhận rằng protein động vật có liên quan trực tiếp đến việc tăng khối lượng cơ và giảm sự mất cơ xảy ra theo tuổi tác.

Tổng kết

Các bằng chứng nhìn chung ủng hộ sử dụng chế độ ăn ít thịt đã qua chế biến, giàu protein thực vật và bổ sung với nhiều nguồn protein từ động vật như thịt, cá, gia cầm, trứng và sữa. Các nguồn protein thực phẩm thường có chất lượng thấp hơn, vì vậy những người có xu hướng ăn chay và ăn thuần chay nên ăn nhiều loại thực phẩm để đảm bảo đầy đủ các các loại acid amin mà cơ thể cần thiết. Đối với những người không ăn chay, điều quan trọng là phải có được sự cân bằng phù hợp của cả thực phẩm động vật và thực vật để đảm bảo những lợi ích tối đa mà chúng mang lại.

Liên hệ ngay với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để đăng ký Khám, tư vấn Dinh dưỡng cùng các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam nhé! Đặt lịch khám nhanh và đơn giản tại Hotline: 0935183939 hoặc Fanpage Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM.

BS. Lê Minh Khánh – Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Theo Healthline



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY