Rã đông sữa mẹ như thế nào?

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Bạn có thể muốn trữ đông sữa mẹ để thuận tiện cho việc đi làm hoặc đi ra ngoài. Phụ thuộc vào loại tủ đông bạn sử dụng mà sữa mẹ đông có thể sử dụng được trong vòng từ 3 tháng đến 1 năm. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng trữ đông sữa mẹ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chất dinh dưỡng, các kháng thể trong sữa mẹ, ít nhất là trong vòng 9 tháng hoặc lâu hơn. Để cho bé ăn sữa mẹ trữ đông, bạn chỉ cần rã đông sữa mẹ và để lạnh hoặc làm ấm sữa mẹ bằng nhiệt độ cơ thể.

Trữ đông sữa mẹ trong tủ lạnh

Bạn có thể rã đông sữa mẹ bằng cách đặt trong ngăn mát tủ lạnh qua đêm hoặc trong khoảng 12 giờ. Từ đó, bạn có thể bảo quản sữa mẹ đã rã đông trong tủ lạnh tới 24 giờ. Sau khoảng thời gian này, sữa mẹ nhiều khả năng sẽ có chứa vi khuẩn.

Để làm ấm sữa mẹ dã được rã đông trong tủ lạnh, hãy đặt sữa dưới vòi nước ấm cho đến khi sữa đạt tới nhiệt độ cơ thể. Kiểm tra nhiệt độ của sữa trước khi cho bé uống để đảm bảo sữa không bị quá nóng. Bạn cũng có thể lắc nhẹ sữa để lượng váng sữa xuất hiện khi trữ đông có thể hoà tan vào sữa.

Rã đông sữa mẹ bằng nước ấm

Bạn có thể rã đông sữa mẹ trực tiếp từ tủ đông bằng cách đặt bình sữa/túi sữa dưới vòi nước ấm, ngâm trong nước ấm. Làm như vậy trong vòng vài phút, nhưng nên nhớ rằng chỉ cần nước ấm  chứ không cần nước nóng hoặc nước sôi để tránh làm bỏng bé. Một khi sữa đã được rã đông bằng phương pháp này, sữa nên được sử dụng trong vòng 2 giờ sau đó.

Có thể rã đông sữa mẹ ở nhiệt độ phòng không?

Không nên rã đông sữa mẹ ở nhiệt độ phòng. Tuy nhiên bạn vẫn có thể rã đông ở nhiệt độ phòng nếu tuân theo các hướng dẫn sau:

– Sử dụng sữa đã rã đông trong vòng 2 giờ ở nhiệt độ phòng.

– Lượng sữa đã rã đông thừa, bé uống không hết nên được đổ đi trong vòng 1-2 giờ để tránh bị nhiễm khuẩn.

– Không làm đông lại sữa mẹ đã bị rã đông. Có rất ít thông tin về quá trình này và không rõ liệu việc làm đông lại có làm thay đổi thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ hay không hay có làm sữa mẹ nhiễm khuẩn hay không.

Rã đông sữa mẹ trong lò vi sóng

Không nên rã đông sữa mẹ bằng lo vi sóng bởi làm như vậy có thể sẽ làm phá huỷ các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ. Khi dùng lò vi sóng, nhiệt độ của sữa mẹ cũng sẽ không được giữ ổn định và có thể sẽ xuất hiện các cục sữa nóng trong sữa và có thể sẽ làm bỏng miệng của bé. Thay vì dùng lò vi sóng, bạn có thể rã đông bằng tủ lạnh qua đên hoặc dùng nước ấm.

Trữ đông sữa mẹ bao lâu?

Thời gian trữ sữa mẹ sẽ phụ thuộc vào nhiệt độ bên trong tủ đông của bạn.

– Sữa mẹ để trong ngăn đá bình thường của tủ lạnh (có cửa riêng) có thể bảo quản được tới 9 tháng. Nhưng lý tưởng nhất, nên dùng lượng sữa này trong vòng 6 tháng.

– Sữa mẹ bảo quan trong tủ đông sâu có thể bảo quản tới 1 năm. Nhưng tốt nhất nên sử dụng lượng sữa này trong vòng từ 6 tháng – 1 năm.

Mặc dù theo hướng dẫn trên sữa mẹ vẫn có thể an toàn để sử dụng nhưng các nghiên cứu đã chứng minh rằng chất lượng sữa sẽ thay đổi một chút theo thời gian. Hàm lượng chất béo, protein và calo có thể sẽ giảm đi trong sữa mẹ trữ đông sau 90 ngày. Sau 3 tháng, tính acid của sữa mẹ cũng có thể sẽ tăng lên. Một vài nghiên cứu cũng chứng minh rằng hàm lượng vitamin C có thể sẽ giảm đi sau 5 tháng trữ đông.

Tuy nhiên cũng có những nghiên cứu chứng minh rằng sữa non có thể sẽ không bị biến tính trong vòng ít nhất là 6 tháng khi được trữ đông sâu. Các nghiên cứu khác chứng minh rằng, sữa mẹ trữ đông trong 9 tháng hoặc lâu hơn vẫn có chứa các chất dinh dưỡng quan trọng và các protein miễn dịch.

Tại sao sữa mẹ trữ đông lại có mùi lạ và trông không bình thường?

Bạn có thể sẽ nhận thấy rằng, màu của sữa mẹ sẽ khác nhau trong từng lần hút sữa. Nguyên nhân là do chế độ ăn của bạn và cũng do thời gian bạn hút sữa vào giai đoạn nào. Em bé càng lớn, thành phần sữa mẹ cũng sẽ thay đổi. Sữa mẹ trữ đông cung sẽ có mùi khác với sữa mẹ tươi vì sự giáng hoá các acid béo. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa à là sữa mẹ không an toàn hoặc em bé sẽ không uống được.

Trữ đông sữa mẹ đúng cách

Trữ đông sữa mẹ không quá phức tạp nhưng tuân thủ theo một số hướng dẫn nhất định sẽ giúp đảm bảo rằng sữa mẹ được trữ đông an toàn và đúng cách:

– Rửa sạch tay và các loại túi, hộp, bình đựng

– Ghi ngày tháng vào bên ngoài hoặc nếu cần, ghi thêm cả tên em bé

– Hút sữa mẹ. Bảo quản sữa mẹ với lượng từ 30-120ml là tốt nhất để hạn chế tình trạng lãng phí. Nếu em bé nhỏ hơn, bạn nên bảo quản với lượng  nhỏ hơn. Khi em bé lớn hơn và bắt đầu ăn nhiều hơn, bạn có thể bảo quản với lượng lớn hơn.

– Trữ đông và bảo quản: nếu bạn không thể trữ đông sữa mẹ ngay lập tức, hãy bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh và trữ đông trong vòng 24 giờ.

– Không trộn lẫn: không trộn lẫn sữa mẹ tươi và sữa mẹ đã trữ đông. Sữa mẹ tươi có thể sẽ làm nóng lại sữa mẹ trữ đông và làm vi khuẩn sinh sôi. Nếu bạn muốn đổ thêm sữa mẹ tươi vào, hãy làm lạnh sữa mẹ tươi trước. Nếu không, hãy trữ sữa mẹ vào một túi đựng khác.

– Sử dụng sữa cũ trước. Khi sử dụng sữa mẹ trữ đông để cho em bé uống, hãy dùng các túi sữa trữ đông có date xa (các túi hút trước).

Trữ đông sữa công thức?

CDC không khuyến nghị việc trữ đông sữa công thức. Mặc dù sữa công thức trữ đông chưa chắc đã không an toàn nhưng có thể sẽ khiến các thành phần của sữa công thức tách ra.

Để trang bị những kiến thức hữu ích nhất trong việc chăm sóc dinh dưỡng cho cả bé và mẹ sau sinh, liên hệ ngay với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM (Hotline: 0935183939) để được tư vấn với các chuyên gia đầu ngành!

Ths. Lưu Liên Hương – Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Theo Healthline​



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY