Khi trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ cần cho trẻ ăn những thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa như chuối, cơm trắng, bánh mỳ, rau xanh… để trẻ nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài, trẻ có thể bị giảm sức đề kháng, suy dinh dưỡng… Trong những trường hợp như vậy cần cho trẻ ăn gì để trẻ tăng cân trở lại?
Tiêu chảy được định nghĩa là khi đi ngoài phân lỏng hoặc toé nước trên 3 lần trong ngày. Tiêu chảy là tình trạng thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi.
Tiêu chảy được chia ra thành tiêu chảy cấp và tiêu chảy kéo dài. Các triệu chứng của bệnh tiêu chảy cấp xuất hiện khá ồ ạt, đặc biệt là trong 2 – 3 ngày đầu và kéo dài không quá 14 ngày. Tiêu chảy kéo dài là đợt tiêu chảy có khởi đầu cấp tính nhưng kéo dài trên 14 ngày.
Tham khảo: Những thực phẩm thông thường có thể gây tiêu chảy?
Có rất nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng… Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa nên trẻ dễ bị mắc bệnh tiêu chảy do virus, đặc biệt là Rotavirus hay hoành hành vào mùa khô, lạnh. Ngoài yếu tố về thời tiết, trẻ còn có nguy cơ cao bị tiêu chảy do các nguyên nhân như ăn dặm không đúng cách, nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn không hợp vệ sinh…
Ngoài triệu chứng đi ngoài phân lỏng, nhiều nước, nhiều lần, trẻ có thể gặp các triệu chứng như nôn, biếng ăn. Nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài, trẻ sẽ bị ăn khó tiêu, khi trẻ ăn thức ăn lạ sẽ gây tiêu chảy trở lại.
Chăm sóc cho trẻ bị tiêu chảy cấp như thế nào?
Khi trẻ đang trong đợt tiêu chảy cấp, cha mẹ nên chú ý cho trẻ bổ sung đủ nước và dung dịch bù điện giải như oresol. Khi pha dung dịch oresol cho trẻ, mẹ cần tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng. Không tự ý cho trẻ sử dụng thuốc cầm nôn và cầm tiêu chảy vì những loại thuốc này gây giảm nhu động ruột, gây kéo dài thời gian vi khuẩn hoặc độc tố lưu lại trong đường tiêu hóa và kéo dài thời gian bị bệnh.
Với chế độ ăn, cho trẻ ăn những thức ăn dễ ăn, lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, nước trái cây (không thêm đường), nước dừa tươi trong giai đoạn bệnh và cho ăn trở lại bình thường và ăn nhiều hơn khi trẻ hồi phục.
Nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa trong ngày. Trẻ ăn ít một sẽ dễ ăn, hạn chế nôn trớ và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Đối với trẻ còn bú cũng vậy, nên cho trẻ bú theo nhu cầu, bú làm nhiều lần khi trẻ thấy dễ chịu.
Hạn chế thực phẩm gây kích thích và có thể làm tổn thương đường tiêu hóa như: thực phẩm chứa nhiều chất béo, nhiều đường; đồ ăn chưa chín kỹ, không an toàn; thực phẩm gây đầy hơi, chướng bụng; cà phê, nước ngọt có gas…
Chăm sóc cho trẻ bị tiêu chảy kéo dài như thế nào?
Với trẻ bị tiêu chảy kéo dài, trẻ thường kèm theo suy dinh dưỡng, vì vậy chế độ ăn của trẻ cần đảm bảo đậm độ năng lượng, giàu protein, giảm lượng đường và lactose trong chế độ ăn, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu,có thể hóa lỏng thức ăn để trẻ dễ hấp thu hơn.
Thức ăn được lựa chọn là: Thịt gà, thịt lợn. Các loại củ quả giàu β-caroten, giàu vitamin nhóm B, giàu điện giải Kali, giàu chất pectin (cà rốt, hồng xiêm, khoai tây, chuối).
Không nên ăn: Những thức ăn thô ít chất dinh dưỡng và khó tiêu; những thức ăn chua lên men làm tăng độ PH của ruột; những thức ăn và đồ uống nhiều đường làm tăng áp lực thẩm thấu; những thức ăn chứa protein khó thủy phân gây tiêu chảy dị ứng (hải sản biển); những thức ăn có chất béo khó hấp thu (thịt mỡ, nội tạng).
Nếu trẻ bú mẹ thì tiếp tục cho trẻ bú và tăng số lần bú trong ngày. Trong trường hợp trẻ không có sữa mẹ thì cho trẻ ăn sữa công thức ít hoặc không có đường Lactose, sữa chua, sữa protein thủy phân.
Hãy đến với Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Mọi thông tin xin liên hệ Hotline: 0935.18.3939 hoặc nhắn tin tới Fanpage.
BS. Tùng Duy
Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM
Tổng hợp