Sống khỏe mùa mưa bão: Cẩm nang toàn diện từ dinh dưỡng đến phòng bệnh

18/07/2024 -  Kiến thức dinh dưỡng

Mùa mưa bão đến mang theo nhiều thử thách cho sức khỏe của chúng ta. Từ nguy cơ nhiễm bệnh do vi khuẩn, virus sinh sôi trong môi trường ẩm ướt, đến các tai nạn thương tích do thời tiết khắc nghiệt hoặc thiên tai như mưa, lũ, bão, tất cả đều đòi hỏi chúng ta phải có sự chuẩn bị và kiến thức đầy đủ để bảo vệ bản thân và gia đình.

Cẩm nang toàn diện này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về dinh dưỡng, phòng bệnh và các biện pháp an toàn cần thiết để sống khỏe mạnh trong mùa mưa bão.

Dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe trong mùa mưa bão

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và tăng cường sức đề kháng, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Hãy chú trọng các quy tắc an toàn thực phẩm trong mùa mưa bão, trong đó ưu tiên các thực phẩm tươi, nấu chín kỹ để tránh nhiễm khuẩn. Bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng như tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất từ các nguồn thực phẩm đa dạng như gạo, mì, thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh và trái cây. Trong điều kiện khó khăn, hãy tận dụng các loại thực phẩm dễ kiếm như cá, tôm, cua, ốc, rau mọc hoang dại… để đảm bảo bữa ăn đủ chất. Đừng quên bổ sung vitamin C từ các loại rau xanh và trái cây để tăng cường hệ miễn dịch.

Bên cạnh đó, nước uống trong điều kiện mưa, bão lụt cũng vô cùng quan trọng, hãy sử dụng các nguồn nước đảm bảo vệ sinh, an toàn nhất có thể (nước máy, nước đóng chai được cung cấp, nước giếng từ các giếng nước đã được vệ sinh an toàn). Trong trường hợp không có đủ các nguồn nước an toàn này, hãy hỏi cán bộ y tế tại địa phương về việc khử khuẩn các nguồn nước để ăn uống. Lưu ý, đun sôi kỹ nước trước khi uống.

Không có mô tả ảnh.

Phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm

Mưa bão tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường nước và muỗi như tả, lỵ, thương hàn, sốt xuất huyết, sốt rét… Đặc biệt, sau cơn bão hoặc sau khi lũ lụt rút đi, môi trường xung quanh bị ô nhiễm nặng nề, rác thải, xác súc vật trôi nổi… rất có thể bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.

Để phòng tránh mắc bệnh, dịch, hãy thực hiện các biện pháp sau:

  • Vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, và nước sạch, đặc biệt sau khi đi vệ sinh, chế biến thực phẩm và sau khi vệ sinh nhà cửa, môi trường. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ., tắm rửa, vệ sinh cơ thể sạch sẽ để tránh các bệnh ngoài da, bệnh về mắt thường xảy ra trong mùa mưa lũ, sau cơn bão, sau lũ lụt.
  • Vệ sinh môi trường: đảm bảo nhà cửa sạch sẽ, khô ráo, không để nước đọng. Thu gom rác thải và xử lý xác động vật chết để tránh ô nhiễm môi trường. Đối với những khu vực ngập lụt, nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó theo hướng dẫn của nhân viên y tế địa phương.
  • Ăn chín, uống sôi: sử dụng nước sạch để chế biến thức ăn và uống nước đun sôi để nguội. Trong trường hợp nguồn nước uống, sinh hoạt bị ngập lụt, hãy tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế về xử lý nguồn nước sạch này.
  • Phòng chống muỗi: mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày, sử dụng thuốc chống muỗi, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng để tránh muỗi sinh sản, vệ sinh nơi ở và nơi nuôi gia súc sạch sẽ.
  • Tiêm phòng đầy đủ: Tiêm phòng các bệnh như viêm gan A, thương hàn, tả… để tăng cường sức đề kháng.

Đọc thêm bài viết: Sáu căn bệnh phổ biến cần đề phòng trong mùa mưa lũ

Infographic: Những việc cần làm sau bão và lưu ý đảm bảo an toàn thực phẩm, y tế | VTV.VN

 

Phòng tránh tai nạn thương tích

Mưa bão cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn như sét đánh, điện giật, đuối nước, ngã do trơn trượt… Để phòng tránh các tai nạn thường gặp khi mưa bão, hãy tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Sét đánh: lưu ý không trú mưa bão dưới gốc cây cao, cột điện, vật dụng kim loại khi có mưa giông. Tìm nơi trú ẩn an toàn trong nhà kiên cố.
  • Điện giật: kiểm tra hệ thống điện trong nhà, ngoài nhà trước khi xảy ra mưa bão, lũ lụt, ngắt nguồn điện khi nhà bị ngập nước, không sử dụng các thiết bị điện bị ướt.
  • Đuối nước: không đi qua vùng nước ngập sâu, chảy xiết. Khi đi qua vùng ngập nước cần trang bị áo phao, trẻ nhỏ phải có người lớn đi kèm.
  • Ngã do trơn trượt: cẩn thận khi di chuyển trong điều kiện thời tiết xấu, tránh các khu vực nguy hiểm, ngập nước, sụt lở. Khi đi lại cần sử dụng giày dép có độ bám tốt, tránh đi chân đất để giảm nguy cơ bị vật sắc nhọm đâm phải.

Đọc thêm bài viết: Kỹ năng phòng ngừa tai nạn thương tích mùa mưa bão

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt – Viện Y học ứng dụng Việt Nam



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY