Sữa mẹ thay đổi thế nào khi con ốm?

07/04/2023 -  Chưa phân loại

Một trong những nỗi lo sợ lớn nhất của các bà mẹ là con ốm.  Bạn có thể đã nghe nói rằng sữa mẹ có tác dụng tăng cường miễn dịch bảo vệ trẻ trong những năm tháng đầu đời, vậy bạn có tò mò rằng liệu sữa mẹ giúp ích cho con bạn như thế nào khi chúng bị ốm và liệu bạn có cần làm gì khác để tối đa hóa lợi ích của sữa mẹ với trẻ hay không. Cùng Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM tìm hiểu về sự thay đổi của sữa mẹ khi con ốm tại bài viết dưới đây.

Một điều may mắn là khi trẻ ốm sữa mẹ sẽ tự thích nghi một cách tự nhiên để giúp trẻ hồi phục—tất cả những gì bạn cần làm là giữ cho trẻ thoải mái, tiếp tục bú mẹ và nếu bạn lo lắng về tình trạng bệnh của trẻ bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc sữa mẹ thay đổi như thế nào khi con bạn bị ốm, cũng như cho bạn một số lời khuyên đến từ các chuyên gia khi trẻ bị ốm trong thời kì bú mẹ.

Sữa mẹ bảo vệ trẻ như thế nào khi chúng bị ốm?

Ngay cả khi trẻ không bị ốm, sữa mẹ vẫn cung cấp các immunoglobulin giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ. Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), sữa mẹ có chứa các kháng thể chống lại những căn bệnh mà bạn có thể đã mắc phải trong quá khứ. Nói cách khác, sữa mẹ có thể giúp bảo vệ trẻ chống lại nhiều căn bệnh thông thường dễ mắc phải.

Bên cạnh các kháng thể, sữa mẹ còn chứa các chất chống lại bệnh tật khác. Protein, đường, chất béo và bạch cầu hoạt động để bảo vệ trẻ chống lại các bệnh nhiễm trùng khác nhau—đặc biệt là nhiễm trùng đường tiêu hóa. Điều này là do sữa mẹ đi trực tiếp vào hệ thống tiêu hóa của trẻ nơi chứa hệ vi sinh đường ruột đa dạng phong phú, nghiên cứu đã chứng minh 2/3 hệ miễn dịch của trẻ nằm ở đường tiêu hóa. Các thành phần khác của sữa mẹ giúp tăng cường miễn dịch cho bé phải kể đến các protein như interleukin-6, interleukin -8 và interleukin -10, cùng với lactoferrin – có đặc tính chống viêm.

Cách sữa mẹ biến đổi để thích nghi khi trẻ bị bệnh

Mặc dù sữa mẹ cung cấp kháng thể tăng cường miễn dịch cho trẻ ngay cả khi trẻ khỏe mạnh bình thường, nhưng các chuyên gia tin rằng sữa mẹ sẽ thay đổi trong thời gian trẻ bị ốm. Có hai cơ chế chính đó là: các kháng thể sẽ được sản xuất để giúp bạn chống lại nhiễm trùng và các kháng thể được sản xuất khi cơ thể bạn nhận được thông báo rằng trẻ bị bệnh.

Đọc thêm bài viết: Bạn nên ăn gì khi nuôi con bằng sữa mẹ?

Ví dụ, giả sử bạn bị ốm, nhưng trẻ vẫn chưa bị ốm, nghiên cứu cho thấy ngay lúc này cơ thể bạn bắt đầu tạo ra các kháng thể để khi con bạn tiếp xúc với virus gây bệnh này, trẻ sẽ nhận được các kháng thể này trong sữa mẹ và được bảo vệ. Đây là lý do tại sao bạn nên tiếp tục cho con bú ngay cả khi bạn cảm thấy không khỏe. Vậy nên đôi khi cha mẹ sẽ bị ốm, nhưng trẻ lại nhận được miễn dịch thông qua sữa mẹ nên trẻ không bị bệnh. Các chuyên gia cũng cho biết nếu trẻ bị ốm trước bạn thì cơ thể bạn sẽ phản ứng bằng cách thay đổi thành phần của sữa. Điều này xảy ra khi bạn cho con bú trực tiếp do trong khi bú mẹ, nước bọt của trẻ tiếp xúc với núm vú của bạn. Vú của bạn phản ứng với nước bọt của trẻ và gửi tín hiệu cho cơ thể người mẹ biết rằng các tế bào bạch cầu và các yếu tố bảo vệ cần được tăng lên trong sữa mẹ.

Màu sắc của sữa mẹ có thay đổi khi trẻ bị ốm không?

Mặc dù thành phần sữa mẹ thay đổi để đáp ứng khi trẻ bị ốm, nhưng đây không phải là điều có thể nhìn thấy bằng mắt thường, không có bằng chứng nào cho thấy sữa mẹ đổi màu khi con bạn ốm. Tuy nhiên, đôi khi sữa mẹ đổi màu không liên quan đến bệnh tật. Màu sắc của sữa mẹ có thể thay đổi do phản ứng với loại thuốc bạn đang dùng. Sữa mẹ có thể có màu hồng hoặc đỏ nếu có máu trong sữa, ví dụ như khi núm vú bị nứt. Ngoài ra sữa mẹ có thể thay đổi màu sắc do thực phẩm bạn ăn. Ví dụ, nếu bạn ăn cà rốt, củ cải đường hoặc nhiều rau xanh, sữa của bạn có thể có màu đỏ hoặc xanh lá cây.

Lợi ích của việc cho trẻ bú thường xuyên khi trẻ bị ốm

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy việc cho con bú sữa mẹ có thể giúp trẻ vượt qua bệnh tật dễ dàng hơn và đảm bảo rằng trẻ được bảo vệ trẻ khỏi những biến chứng nguy hiểm. Theo các chuyên gia trong sữa mẹ chứa rất nhiều kháng thể và các yếu tố bảo vệ khác. Vậy nên việc duy trì cho con bú khi trẻ bị ốm sẽ là cách bạn nên làm để tăng đề kháng giúp trẻ chống lại bệnh tật.

Trẻ bú mẹ sẽ giảm được nguy cơ bị bệnh và khi bị ốm thì trẻ được bú sữa mẹ đầy đủ cũng giảm được nguy cơ bệnh trở nặng hơn và hồi phục sớm hơn. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sữa mẹ có tác dụng bảo vệ chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và viêm tai thông thường.

Đọc thêm bài viết: Trẻ bú sữa mẹ có thông minh hơn?

Các chuyên gia cũng khuyến cáo sữa mẹ là một trong những liều thuốc giải độc tốt nhất cho tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa, chẳng hạn như khi trẻ bị tiêu chảy hoặc nôn trớ. Sữa mẹ có tác dụng bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ nhiễm bệnh đường tiêu hóa từ sớm, và khi trẻ bị đau bụng khó chịu, sữa mẹ còn có khả năng bù nước rất tốt cho bé.  Trong nhiều trường hợp gặp vấn đề về tiêu hóa thì trẻ chỉ chịu bú sữa mẹ.

Mẹo cho trẻ bú mẹ khi trẻ bị ốm

Khi trẻ không được khỏe, trẻ có thể quấy khóc và việc bú mẹ có thể khó khăn hơn. Dưới đây là một số lời khuyên của chuyên gia để bạn có thể dễ dàng cho trẻ bú hơn:

  • Nếu trẻ bị ngạt mũi khó chịu, chúng cũng sẽ không bú. Khi đó bạn nên hút mũi cho bé trước khi cho ăn; bạn cũng có thể nhỏ nước muối sinh lý để làm loãng dịch tiết trước khi hút mũi.
  • Cha mẹ cũng nên cố gắng giữ bình tĩnh nhất có thể trong khi cho trẻ bú. Khi cha mẹ căng thẳng, trẻ sơ sinh có thể cảm nhận được điều đó và có thể trở nên quấy khóc phản ứng khiến trẻ khó bú hơn.
  • Đôi khi những đứa trẻ bị ốm không thể bú mẹ lâu như bình thường và bạn nên cho trẻ bú ít một và bú nhiều lần hơn.
  • Bạn cũng có thể thử cho con bú khi nằm thay vì ngồi. vì điều này có thể khiến mẹ và bé sẽ thoải mái hơn.
  • Đặc biệt nếu trẻ bị ngạt mũi bạn có thể bế đứng khi cho trẻ bú

Tạm kết

Cho con bú khi bé bị ốm là một cách tuyệt vời để xoa dịu và bảo vệ bé. Khi trẻ bị ốm cơ thể người mẹ có những điều chỉnh kì diệu, sữa mẹ thích nghi để bảo vệ trẻ. Tuy nhiên, ngay cả khi trẻ được bú mẹ đầy đủ thì đôi khi trẻ cũng có thể bị ốm nặng. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là bạn nên đưa trẻ đi khám khi trẻ bị ốm và nhớ theo dõi nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu trở nặng nguy hiểm như khó bú, sốt và li bì khó đánh thức đặc biệt là ở trẻ dưới 2 tháng.

Xem thêm video hấp dẫn:

Hãy đến với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Đặt lịch khám TẠI ĐÂY hoặc liên hệ Hotline: 0935.18.3939 / 024.3633.5678

BS. Hoài Thu – Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM

Theo Verywell Family



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY