Sữa non là gì?

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Sữa non là gì?

Sữa non là sữa đầu tiên mà trẻ nhận được khi bắt đầu bú mẹ. Giai đoạn sản xuất sữa non này bắt đầu trong thời kỳ mang thai và kéo dài vài ngày sau khi sinh. Sữa non chứa nhiều chất dinh dưỡng và các hợp chất tăng cường miễn dịch để cung cấp năng lượng và hỗ trợ cho trẻ trong những ngày đầu tiên của cuộc đời.

Tại sao sữa non lại quan trọng?

Cơ thể người mẹ tạo ra sữa non trước khi bắt đầu sản xuất sữa mẹ chuyển tiếp và sữa mẹ trưởng thành (giai đoạn cuối cùng của sữa mẹ). Những giọt sữa non ban đầu là những gì trẻ nhận được lần đầu tiên khi bú mẹ. Trong 24 giờ đầu tiên sau khi sinh con, thai phụ sẽ sản xuất trung bình 30 ml sữa non. Vào ngày thứ hai và thứ ba là khoảng 60 ml sữa non. Sữa mẹ chuyển tiếp sẽ bắt đầu có vào khoảng ngày thứ ba, và từ đây sữa mẹ bắt đầu được tạo ra nhiều hơn.

Vai trò của sữa non

Sữa non chỉ có một lượng nhỏ, nhưng nó chứa nhiều  dinh dưỡng cô đặc. Đôi khi nó được gọi là “vàng lỏng” vì nó chứa mọi thứ mà bé cần trong những ngày đầu đời. Sữa non chứa các thành phần bảo vệ trẻ sơ sinh và giúp chống lại nhiễm trùng, ốm đau và bệnh tật. Thông tin dinh dưỡng khác có trong sữa non:

– Sữa non có hàm lượng protein cao hơn, ít chất béo và đường hơn so với sữa mẹ chuyển tiếp và sữa mẹ trưởng thành, giúp dễ tiêu hóa và chứa đầy chất dinh dưỡng.

– Sữa non chứa nhiều kháng thể , tế bào bạch cầu và các đặc tính miễn dịch khác có vai trò giống như lần chủng ngừa đầu tiên của trẻ.

– Hàm lượng cao globulin miễn dịch bài tiết A (SIgA) được tìm thấy trong sữa non bảo vệ đường tiêu hóa của trẻ và giúp tiêu diệt virus và vi khuẩn.

– Sữa non là một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên, giúp trẻ tống khứ phân su ra ngoài . Trong phân su có chứa bilirubin, tác dụng nhuận tràng của sữa non giúp ngăn ngừa bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh

Đặc điểm của sữa non

Sữa non thường có màu vàng vàng hoặc cam nhạt vì nó chứa nhiều beta-carotene. Sữa non cũng thường  đặc hơn sữa mẹ chuyển tiếp và trưởng thành.

Đôi khi, máu từ bên trong ống dẫn sữa có thể đi vào sữa non. Sữa non có lẫn máu có thể có màu đỏ, hồng, nâu hoặc màu gỉ sắt. Tuy nhiên một chút máu trong sữa non không quá đáng lo ngại. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên nói chuyện với bác sĩ nếu bạn nhận thấy núm vú tiết ra máu hoặc đổi màu.

Cơ thể tạo ra sữa mẹ như thế nào?

Cơ thể của mẹ bắt đầu tạo ra sữa từ rất lâu trước khi trẻ  được sinh ra. Việc sản xuất sữa non có thể bắt đầu sớm nhất là vào giai đoạn đầu của 3 tháng giữa của thai kỳ. Nếu thai phụ nhận thấy những giọt nhỏ chất lỏng trong hoặc vàng rỉ ra từ vú hoặc làm ố áo ngực khi đang mang thai thì đó là sữa non.

Giai đoạn sản xuất sữa non của sữa mẹ kéo dài cho đến khi bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp (từ ngày thứ hai đến ngày thứ năm sau khi sinh). Giai đoạn chuyển tiếp của quá trình sản xuất sữa mẹ bắt đầu khi người mẹ  có sữa. Giai đoạn thứ hai này chứa hỗn hợp sữa non và sữa mẹ trưởng thành.

Trong giai đoạn này sữa non sẽ tiếp tục có trong sữa mẹ. Những dấu vết nhỏ của sữa non vẫn có thể được tìm thấy trong sữa mẹ của bạn trong khoảng sáu tuần. Trong thời gian này, bạn sẽ thấy lượng sữa mẹ tạo ra tăng lên đáng kể, đôi khi dẫn đến căng sữa.

Lời khuyên cho việc cho con bú sớm

Những ngày đầu tiên cho con bú có thể là một thử thách đối với nhiều người mới làm mẹ. Dưới đây là các mẹo để giúp bạn bắt đầu;

Duy trì cho trẻ bú

Mặc dù chỉ tạo ra một lượng nhỏ sữa non, mẹ vẫn nên cho trẻ bú thường xuyên nhất có thể trong giai đoạn này. Dạ dày của trẻ sơ sinh còn nhỏ và một ít sữa non là tất cả những gì trẻ cần trong những ngày đầu tiên. Đừng đợi đến khi sữa mẹ về nhiều mới bắt đầu cho con bú. Mẹ càng cho trẻ bú nhiều sữa non thì nguồn sữa sẽ càng về nhanh và dồi dào.

Sữa non mang lại những lợi ích sức khỏe lớn cho trẻ, nhưng trẻ chỉ có thể hấp thụ một lượng nhỏ tại một thời điểm. Vì vậy, trẻ cần nhiều bú nhiều lần mỗi ngày. Thêm vào đó, việc cho con bú thường xuyên giúp hình thành kỹ năng và thói quen cho con bú của mẹ. Cho con bú thường xuyên trong giai đoạn sữa non cũng giúp cho cơ thể người mẹ sẵn sàng để sản xuất một nguồn sữa tốt sau này.

Tìm kiếm sự trợ giúp nếu cần thiết

Nếu bạn đang gặp khó khăn với việc nuôi con bằng sữa mẹ hoặc không chắc chắn về cách thực hiện, hãy tìm kiếm sự trợ giúp. Các hướng dẫn cho con bú có thể được tìm thấy thông qua nhiều nguồn như  từ bác sĩ sản khoa, y tá trong khu chuyển dạ và sinh nở, nữ hộ sinh, chuyên gia dinh dưỡng, bạn bè và gia đình những người đã có kinh nghiệm cho con bú.

Hỗ trợ cho con bú như thế nào?

Những thay đổi nhỏ, đơn giản trong cách bạn cho con bú bao gồm cả việc giúp trẻ ngậm ti, điều chỉnh tư thế và thời gian thích hợp cho trẻ bú có thể tạo ra sự khác biệt về nguồn sữa, giúp con bú tốt.

Bổ sung sữa công thức liệu có cần thiết?

Mặc dù mẹ chỉ tạo ra 30-60ml sữa non mỗi ngày, nhưng như vậy là đủ với trẻ trong những ngày đầu tiên. Trong phần lớn các trường hợp, trẻ  không cần bổ sung thêm sữa công thức. Nếu con bạn sinh ra khỏe mạnh và đủ tháng, bạn sẽ không cần bổ sung  sữa công thức nếu  bạn vẫn cho con bú thường xuyên trong giai đoạn bú sữa non. Tuy nhiên, việc bổ sung có thể được khuyến khích nếu trẻ sinh non hoặc có một số vấn đề sức khỏe nhất định hoặc nếu mẹ  bị chậm sản xuất sữa.

Lời kết

Bắt đầu cho con bú người mẹ có thể cảm thấy khó khăn, dù đây là một điều “tự nhiên” nhưng không có nghĩa đây là dễ dàng hoặc hoàn toàn theo bản năng. Việc cho con bú thường dễ dàng hơn sau giai đoạn đầu và đem lại lợi ích lớn với trẻ.

Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM

Theo Verywell



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY