Tác hại của thói quen ăn quá nhanh

24/02/2024 -  Kiến thức dinh dưỡng

Với nhịp sống hiện đại ngày nay, xu hướng ăn nhanh đang ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, nếu trình trạng này diễn biến trong thời gian dài, chúng có thể đem lại nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe hơn là những lợi ích trước mắt mà ta đang hướng tới.

Quá trình tiêu hóa cơ học và hóa học diễn ra ngay từ khi thức ăn được cắt nhỏ tại khoang miệng và nhờ sự có mặt của các enzym tiêu hóa. Khi đó, các tín hiệu sẽ được truyền về hệ thống trung ương thần kinh và phải mất một khoảng thời gian để các cơ quan đáp ứng và thực hiện chức năng tiêu hóa. Nếu tốc độ ăn quá nhanh, thậm chí nhanh đến mức không cảm nhận được mùi vị, sẽ khiến cho thức ăn chưa được nghiền nát kĩ. Đồng thời, sự hạn chế tiếp xúc với enzyme amylase khiến quá trình thủy phân thức ăn thành các dưỡng chất diễn ra không hiệu quả. Chính điều này gây ra hàng loạt các triệu chứng về đường tiêu hóa như đau dạ dày, đầy hơi, chướng bụng hoặc rối loạn chuyển hóa, thừa cân béo phì.

Viêm loét dạ dày.

Thức ăn chưa được làm mềm, phân cắt nhỏ do thói quen nhai không kĩ hoặc nuốt chửng, khi đi xuống dạ dày có thể tạo ra các vết trợt. Hoạt động co bóp và bài tiết dịch acid của dạ dày tiếp tục khiến vết thương trở lên loét sâu hơn. Ngoài ra, thức ăn quá thô sơ sẽ lưu lại ở dạ dày trong khoảng thời gian dài hơn, dịch acid càng được sản xuất nhiều hơn khiến tình trạng này càng trở nên trầm trọng.

Tiêu hóa thức ăn không hiệu quả.

Thức ăn vẫn ở dạng thô sơ, các liên kết chưa được thủy phân hoàn toàn làm cản trở quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng tại đường tiêu hóa. Đặc biệt với những viên thức ăn lớn, cứng, nhiều dầu mỡ, dạ dày và ruột không thể tiêu hóa tối đa dẫn tới hao hụt các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm. Ngoài ra, tình trạng này cũng gây ra cảm giác đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu.

Tình trạng thừa cân, béo phì.

Theo cơ chế sinh lý bình thường, não bộ phải mất 20 phút để nhận được các tín hiệu về cảm giác no. Do đó, nếu ăn quá nhanh, chúng ta không thể nhận biết được mình đã no hay chưa và tiếp tục tiêu thụ thực phẩm cho đến khi não bộ được báo hiệu cần phải dừng. Đây là nguyên nhân gây dư thừa năng lượng vượt mức cần thiết và lâu dài sẽ dẫn tới tình trạng thừa cân béo phì cùng một loạt các bệnh mạn tính khác. Thậm chí, tỷ lệ này có thể tăng gấp đôi so với những người ăn với tốc độ vừa phải. Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2019 cũng có kết quả rằng những người ăn chậm sẽ có nồng độ hormone kích thích cảm giác đói thấp hơn, kết quả là họ sẽ hạn chế tiêu thụ thực phẩm hơn những người có tốc độ ăn nhanh.

Bệnh tiểu đường.

Một nghiên cứu gần đây đã chứng minh mối liên quan giữa những đối tượng có nguy cơ kháng insuline cao và thói quen ăn nhanh thông qua cơ chế sử dụng insulin không hiệu quả của cơ thể. Do đó, có thể kết luận rằng, việc ăn nhanh không phải là nguyên nhân gây bệnh nhưng thói quen ăn nhanh chính là một trong những yếu tố nguy cơ chính. Đặc biệt, tình trạng thừa cân béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ khác dẫn đến tình trạng kháng insulin này.

Các vấn đề sức khỏe mạn tính.

Huyết áp cao, tăng tỷ lệ mỡ bụng, mỡ máu, tiểu đường và một loạt các nguy cơ tim mạch là những bệnh lý mạn tính có thể gia tăng ở những người ăn nhanh. Nguyên nhân đơn giản là do lượng calo nạp vào lớn thúc đẩy việc tăng cân nặng và dẫn tới nguy cơ cao hơn mắc những bệnh trên.

Do đó, để hạn chế những hậu quả của việc ăn quá nhanh, cần phải kiểm soát tốc độ ăn cũng như các thói quen và lối sống sinh hoạt của bản thân.

1. Loại bỏ những yếu tố gây xao nhãng, tập trung vào bữa ăn.

Vừa ăn vừa làm việc hoặc sử dụng thiết bị điện tử là hiện trạng rất phổ biến. Rèn luyện khả năng ăn tập trung, ăn chậm để cảm nhận mùi vị của món ăn cũng như kiểm soát việc tiêu thụ thực phẩm của bản thân.

   

2. Ăn chậm, nhai kĩ.

Đây có lẽ là phương pháp hiệu quả nhất giúp thức ăn được phân cắt nhỏ, tăng diện tích tiếp xúc với các enzyme tiêu hóa, thúc đẩy các quá trình thủy phân diễn ra nhanh hơn. Đồng thời, tạo điều kiện để não bộ nhận biết được tín hiệu no của hệ tiêu hóa và điều khiển hành vi chính xác hơn.

3. Sắp xếp bữa ăn vào khung giờ cố định hằng ngày.

Thiết lập một thời gian biểu cố định cho bữa ăn giúp chúng ta tự động sắp xếp những công việc khác trong ngày một cách có kế hoạch hơn. Ngoài ra, việc làm này còn giúp tạo cho cơ thể một lịch sinh học cố định, giảm thiểu các tác động của hành vi ăn uống thất thường như đau dạ dày, co thắt đại tràng,…

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Hải Yến – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY