Tại sao trẻ dễ bị thiếu máu thiếu sắt?

01/04/2024 -  Kiến thức dinh dưỡng

Hiện nay, thiếu máu thiếu sắt là bệnh lý khá phổ biến, bệnh gặp ở cả hai giới và bất kì độ tuổi nào, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em. Tình trạng này nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ tác động xấu đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Vậy tại sao thiếu máu thiếu sắt lại thường hay xảy ra ở trẻ em, hãy cùng tìm hiểu qua những thông tin được cung cấp ở bài viết dưới đây.

Thiếu máu thiếu sắt là gì?

Thiếu máu là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng hemoglobin trong máu xuống thấp hơn giới hạn bình thường. Thiếu máu thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng hay gặp nhất và chiếm tỷ lệ cao ở trẻ nhỏ.

Trẻ bị thiếu máu thiếu sắt thường xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Da xanh xao
  • Hay chóng mặt
  • Bàn tay, bàn chân hay bị lạnh
  • Chậm phát triển
  • Biếng ăn
  • Dễ mắc các nhiễm trùng.

Tại sao trẻ lại dễ bị thiếu máu thiếu sắt?

Sau khi sinh, sữa mẹ là nguồn cung cấp sắt duy nhất cho trẻ. Hàm lượng sắt có trong sữa mẹ tuy ít nhưng tỷ lệ hấp thu lại cao. Nếu trẻ không được bú mẹ đầy đủ sẽ bị thiếu sắt dẫn đến thiếu máu.

Sắt cần cho quá trình tăng trưởng của các mô (tổ chức, cơ quan) và tăng khối lượng hồng cầu. Trong năm đầu tiên của cuộc đời, tốc độ tăng trưởng của trẻ rất nhanh, do đó nhu cầu về sắt cũng cao hơn. Nhu cầu sắt cho 1kg thể trọng ở trẻ em cao hơn so với người trưởng thành, trong khi đó lượng thức ăn trẻ tiêu thụ lại ít hơn, điều này phản ánh phần nào lí do trẻ dễ bị thiếu máu thiếu sắt.

Ngoài ra, thức ăn bổ sung cho trẻ thường là bột gạo, loại thức ăn nghèo sắt và chất sắt trong gạo lại rất khó hấp thu. Bữa ăn của trẻ ít thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, trứng, cá, rau xanh, quả chín. Cho trẻ ăn bổ sung (ăn sam, ăn dặm) quá sớm và thức ăn bổ sung nghèo dinh dưỡng cũng dẫn đến thiếu máu.

Tăng hiệu quả hấp thu sắt

Khuyến nghị hàm lượng sắt mỗi ngày mà trẻ cần là:

  • Trẻ 7-12 tháng: 11mg
  • Trẻ 1-3 tuổi: 7mg
  • Trẻ 4-8 tuổi: 10mg
  • Trẻ 9-13 tuổi: 8mg
  • Trẻ 14-18 tuổi: 15mg đối với nữ, 11mg đối với nam.

Những loại thực phẩm chứa nhiều sắt là loại thức ăn có nguồn gốc động vật như thịt, phủ tạng (tim, gan, thận, tiết), thịt gia cầm, trứng và thủy sản. Thức ăn có nguồn gốc thực vật giàu sắt như vừng, lạc và các loại đậu, đỗ, rau giền, rau thơm, rau ngót, ngũ cốc.

Sự hấp thu sắt phụ thuộc vào bản chất của sắt trong thức ăn cũng như tình trạng sắt của cơ thể. Sắt có trong thức ăn nguồn gốc động vật là nguồn sắt quý với tỷ lệ hấp thu cao. Sắt trong ngũ cốc, rau củ và các loại hạt thì có tỷ lệ hấp thu thấp hơn nhiều và phụ thuộc vào sự có mặt của các yếu tố hỗ trợ hay ức chế hấp thu sắt trong khẩu phần.

  • Các chất hỗ trợ hấp thu sắt là thịt, cá, thủy sản, đặc biệt là vitamin C có trong rau, quả chín
  • Các chất ức chế hấp thu sắt thường có trong các thức ăn nguồn thực vật như tanin, phytat và một số chất xơ.

Do vậy, cha mẹ cần lưu ý lựa chọn các loại thực phẩm giàu sắt có tỷ lệ hấp thu cao trong khẩu phần ăn cho trẻ để hạn chế gặp phải tình trạng thiếu máu thiếu sắt.

Phòng chống thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em

Để phòng chống thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em, trước hết cần phòng chống thiếu máu cho người mẹ. Trong thời gian mang thai, người mẹ cần bổ sung thêm viên sắt để cung cấp sắt qua nhau thai và sau sinh cho trẻ qua nguồn sữa mẹ.

Trẻ nhỏ cần được bú mẹ và ăn bổ sung hợp lí.

Đối với trẻ lớn hơn, chế độ ăn cần đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng, chú ý sử dụng các loại thực phẩm giàu sắt.

Hàng ngày, nên cho trẻ ăn các loại thức ăn giàu sắt từ nguồn động vật như gan gà, lợn, bò trứng, sữa, tôm, cua, cá, ốc… các thực phẩm này chứa loại sắt có tỷ lệ hấp thu cao, đồng thời cũng là nguồn cung cấp chất đạm rất quan trọng cho trẻ. Ngoài ra, các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật như thực phẩm họ đậu (đậu tương, đậu xanh, đậu đen), lạc vừng cũng là nguồn cung cấp sắt quan trọng. Muốn hấp thụ sắt được tốt chỉ cần ăn các loại thức ăn có chứa nhiều vitamin C như các loại rau và quả chín: chuối, đu đủ, cam, bưởi…

Bên cạnh chế độ ăn, việc tẩy giun định kỳ cho trẻ, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường sạch sẽ cũng có vai trò quan trọng trong quá trình phòng chống thiếu máu thiếu sắt ở trẻ.

Thông thường, thiếu máu thiếu sắt được phát hiện thông qua xét nghiệm máu. Tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp. Trẻ được chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt sẽ được điều trị nguyên nhân chính gây ra bệnh, điều chỉnh chế độ ăn và bổ sung sắt.

Thiếu sắt ở trẻ em hoàn toàn có thể ngăn ngừa được. Hãy cung cấp thực phẩm giàu chất sắt để đảm bảo cho quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ. Không tự ý bổ sung sắt cho trẻ khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ. Theo dõi trẻ và đưa trẻ đi khám khi có bất kỳ dấu hiệu nào của thiếu máu thiếu sắt.

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

BS. Hồ Mai Hương – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY