Tăng cân khi mang bầu: Cân nặng sẽ vào đâu?

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Đã bao giờ bạn tự hỏi; Tại sao con sinh ra nặng 3kg mà mẹ cần tăng đến 12 kg? Cân nặng còn lại đi về đâu? hay chưa? Mang thai là khoảng thời gian có nhiều thay đổi bên trong cơ thể. Việc tăng cân trong thai kỳ là điều bình thường do sự phát triển của thai nhi, nhau thai và chất lỏng xung quanh thai nhi (nước ối).

Phụ nữ mang thai nên tăng bao nhiêu cân? 

Số cân nên tăng trong thai kỳ phụ thuộc vào chỉ số khối cơ thể trước khi mang thai (BMI). BMI là trọng lượng tính bằng kilôgam chia cho chiều cao tính bằng mét bình phương.

Ví dụ: nếu bạn cao 1,68 m và nặng 82 kg: BMI  = 82 kg / (1,68 m x 1,68 m) = 29 kg / m2 = thừa cân.

Khuyến nghị về mức tăng cân tổng thể trong thai kỳ dựa vào BMI trước khi mang thai hoặc đầu thai kỳ (dưới 10 tuần):

Trước khi mang thai hoặc đầu thai kỳ (dưới 10 tuần) BMI (kg/m2) Tổng mức tăng cân
Thiếu cân (<18,5) 12,5 kg – 18 kg
Cân nặng khỏe mạnh (18,5 – 24,9) 11,5 kg – 16 kg
Thừa cân (25,0 – 29,9) 11,5 kg – 16 kg
Béo phì (≥ 30,0) 5 kg – 9 kg

Nếu mang song thai

Điều đặc biệt quan trọng là phải tăng đúng số cân khi mang thai đôi vì cân nặng của mẹ ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ sơ sinh. Và vì các cặp song sinh thường được sinh ra trước ngày dự sinh, do đó cân nặng lúc sinh tốt rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ sau này.

Trước khi mang thai hoặc đầu thai kỳ (dưới 10 tuần) BMI (kg/m2) Tổng mức tăng cân
Cân nặng khỏe mạnh (BMI 18,5 đến 24,9) 17 kg – 25 kg
Thừa cân (BMI 25 đến 29,9) 14 kg – 23 kg
Béo phì (BMI từ 30 trở lên) 11 kg – 19 kg

Cân nặng tăng thêm trong thai kỳ sẽ đi đâu?

Mang thai là thời gian duy nhất mà cơ thể bạn thay đổi để đáp ứng nhu cầu của thai nhi đang phát triển. Cơ thể của người mẹ phải dự trữ các chất dinh dưỡng và tăng lượng máu cũng như các chất lỏng khác để phục vụ cho nhu cầu này.

Dưới đây là ví dụ về trọng lượng của từng bộ phận trong khi mang thai nếu chẳng hạn cân nặng khi sinh của trẻ là 3,5 kg và người mẹ tăng 12,8 kg khi mang thai:

Cân nặng của trẻ 3,5kg
Chất lỏng xung quanh em bé (nước ối) 0,9kg
Nhau thai 0,7kg
Sự phát triển của dạ con (tử cung) 0,9kg
Sự phát triển của ngực 1,1kg
Tăng lượng máu 1,5kg
Tăng lượng chất lỏng khác trong cơ thể 1,1kg
Dự trữ chất dinh dưỡng (chất béo và chất đạm) 3,1kg
Tổng trọng lượng tăng 12,8kg

Kiểm soát sự tăng cân

Mặc dù có cân nặng hợp lý trước khi mang thai (tức là BMI từ 18,5 đến 24,9) là lý tưởng nhất, nhưng không phải bà mẹ nào cũng đạt được. Nếu nằm ngoài phạm vi cân nặng hợp lý, bạn vẫn có thể giúp con khỏe mạnh bằng cách tăng cân trong phạm vi khuyến nghị cho từng nhóm BMI kể trên.

Mẹo tăng cân lành mạnh cho phụ nữ khỏe mạnh

Mang thai không phải là để ‘ăn cho hai người’. Trong 12 tuần đầu của thai kỳ, bạn có thể ăn với số lượng như bình thường. Điều quan trọng là bạn phải ăn thức ăn lành mạnh.

Uống nước thay vì đồ uống có đường hoặc đồ uống có ga.

Uống sữa ít béo hoặc thêm canxi thay vì sữa nguyên kem.

Chọn bánh mì nguyên hạt thay vì bánh mì trắng.

Ăn bữa sáng lành mạnh hàng ngày, chẳng hạn như bánh quy lúa mì hoặc cháo với sữa ít béo, hoặc 2 lát bánh mì nướng ngũ cốc.

Ăn ít nhất 4 phần rau (75g/phần) và 2 phần trái cây mỗi ngày. Mua rau và trái cây đang trong mùa, có sẵn ở địa phương.

Chuẩn bị và ăn các bữa ăn ở nhà.

Chọn đồ ăn nhẹ lành mạnh như sữa chua không đường hoặc ít đường, ít béo, trái cây, pho mát và bánh quy giòn, bắp rang bơ tự làm, một ly sữa nhỏ, một vài loại hạt không ướp muối (ví dụ: 6 hoặc 7 quả hạnh nhân) hoặc một chiếc bánh sandwich ngũ cốc nhỏ.

Cố gắng thực hiện ít nhất 30 phút hoạt động cường độ trung bình 5 ngày trở lên mỗi tuần, ví dụ như đi bộ nhanh hoặc bơi lội (hoặc theo lời khuyên của bác sĩ, nữ hộ sinh hoặc nhà vật lý trị liệu). ‘Bài kiểm tra nói chuyện’ là một cách đơn giản để ước tính cường độ của hoạt động: khi thực hiện các hoạt động với cường độ vừa phải, bạn có thể nói chuyện nhưng không thể hát.

Hãy đến với Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Mọi thông tin xin liên hệ Hotline: 0935.18.3939 hoặc Fanpage Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM.

ThS. BS Đoàn Ngọc Hà

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM

Theo Healthline



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY