Bệnh táo bón ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ đã trở thành một mối lo lắng của bất kì bà mẹ nào. Bé không thể tự đi vệ sinh một cách bình thường được làm các mẹ rất xót xa.
Điều đầu tiên cần làm là xác định xem trẻ đại tiện như thế nào được coi là bình thường.
– Trẻ có thể đại tiện ngay sau mỗi lần được cho ăn, hoặc hơn một ngày mới có biểu hiện muốn đại tiện.
– Hình dạng phân của từng trẻ phụ thuộc vào thứ mà trẻ ăn và uống vào và tốc độ tiêu hóa thức ăn.
– Nếu con bạn uống sữa công thức hoặc đã ăn được thức ăn rắn, trẻ thường đại tiện ít nhất 1 lần mỗi ngày. Trường hợp trẻ vẫn đang bú mẹ thì số lần đại tiện của trẻ thường không cố định. Sau một thời gian, bạn có thể giúp bé tập luyện để điều chỉnh được thói quen đại tiện của bé.
Cần lưu ý thói quen đại tiện của mỗi trẻ cũng sẽ khác nhau và mẹ nên chú ý quan sát để ghi nhớ thói quen đại tiện của con mình.
Nếu bạn nghi ngờ con mình có chứng táo bón, hãy lưu ý những dấu hiệu sau đây:
– Số lần đại tiện của trẻ ít hơn thói quen bình thường của trẻ, nhất là khi trẻ không có dấu hiệu gì trong hơn 3 ngày liên tiếp.
– Trẻ có biểu hiện cực kỳ khó chịu mỗi khi đại tiện.
– Phân cứng và khô khiến trẻ khó rặn ra ngoài.
Nguyên nhân trẻ bị táo bón
Thức ăn rắn: Đừng quá lo lắng nếu trẻ hơi bị táo bón nhẹ sau khi đã ăn nhiều thức ăn rắn một chút. Lý do là vì bột ngũ cốc, gạo ăn dặm cho trẻ thường chứa lượng chất xơ khá thấp.
Tình trạng táo bón cũng có thể diễn ra khi bạn cai sữa cho trẻ do việc không được bú sữa mẹ như trước kia có thể dẫn đến tình trạng mất nước trong phân của trẻ, làm cho phân rắn và cứng hơn khiến bé đại tiện khó hơn.
Sữa công thức: Những trẻ được bú mẹ hoàn toàn hiếm khi bị táo bón. Sữa mẹ là nguồn cung cấp cân bằng các loại chất béo và protein, do vậy trẻ bú mẹ thường đại tiện ra phân mềm ngay cả trong trường hợp phải mấy ngày trẻ mới đại tiện một lần.
Tuy nhiên nếu trẻ đang sử dụng sữa bột, rất có khả năng là một thành phần nào đó trong loại sữa này đã khiến trẻ bị táo bón. Nếu tình trạng táo bón xuất hiện sau khi trẻ sử dụng 1 loại sữa công thức nào đó hoặc kéo dài trong khi trẻ uống sữa, hãy tham khảo ý kiến bác sỹ về việc thay đổi loại sữa sử dụng cho trẻ. Có nhiều thông tin cho rằng lượng sắt trong sữa bột là nguyên nhân gây táo bón nhưng hiện tại điều đó chưa được kiểm chứng.
Mất nước: Khi trẻ có dấu hiệu mất nước, cơ thể trẻ sẽ phản ứng lại bằng cách hấp thụ thêm nhiều chất lỏng từ đồ ăn và thức uống, và thậm chí từ cả những chất cặn bã trong hệ tiêu hóa. Và kết quả là trẻ bị đi ngoài ra phân khô, rắn, khó rặn và táo bón.
Mắc một bệnh nào đó: Mặc dù không quá phổ biến nhưng đôi khi táo bón có thể là do trẻ bị mắc phải một căn bệnh nào đó như suy giáp, ngộ độc và dị ứng thực phẩm, rối loạn chuyển hóa… Trường hợp hiếm gặp hơn, táo bón có thể gây ra bởi bệnh Hirschsprung – một căn bệnh gây khuyết tật bẩm sinh khiến ruột của trẻ không thể hoạt động bình thường.
Điều trị táo bón ở trẻ em
Hãy cho trẻ tập một số bài tập đơn giản. Nếu con bạn đã có thể bò được thì hãy khuyến khích trẻ bò vài vòng quanh phòng. Nếu trẻ chưa bò được, bạn hãy cho trẻ nằm ngửa và dùng tay di chuyển chân của trẻ lên xuống và quay vòng tròn như thể đang đạp xe đạp.
Xoa nhẹ bụng cho trẻ. Tại vị trí phía dưới bên trái cách rốn trẻ khoảng chiều rộng của 3 ngón tay, ấn nhẹ và chắc tại điểm đó bằng đầu ngón tay bạn, ấn trong khoảng 3 phút.
Nếu trẻ đang ăn sữa công thức, hãy hỏi ý kiến bác sỹ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về việc đổi sang một loại sữa khác. Đôi khi việc thêm siro bắp vào sữa cũng cho thấy hiệu quả: thêm với tỷ lệ ¼ thìa siro cho khoảng 120 ml sữa.
Thêm một thìa nước ép mận vào sữa bột hoặc sữa mẹ nếu trẻ đã được trên 4 tuần tuổi. Bình thường việc cho trẻ uống nước quả là không cần thiết nhưng chỉ một chút thêm vào sữa để giúp giảm táo bón thì vẫn có thể được. Bạn có thể thay bằng nước ép táo hoặc lê nếu trẻ không thích nước ép mận. Cho trẻ uống theo tỷ lệ 30 ml nước quả với trẻ 1 tháng tuổi và 120 ml cho trẻ 4 tháng tuổi. Sau 8 tháng, trẻ có thể sử dụng khoảng 180 ml nước trái cây/ngày để giúp làm giảm táo bón.
Nếu trẻ đã đủ lớn để có thể ăn được nhiều loại thức ăn rắn, hãy giảm những loại thức ăn có thể dễ gây táo bón như cơm, chuối và cà rốt nấu chín. Cho trẻ thử một thìa mận, mơ hay lê xay nhuyễn để trợ giúp cho hệ tiêu hóa.
Để thu được hiệu quả tốt nhất, trước hết hãy massage bụng cho trẻ rồi cho trẻ ăn một số thực phẩm chứa hàm lượng chất xơ cao.
Hãy hỏi ý kiến bác sỹ về những phương pháp điều trị khác có thể áp dụng cho trẻ. Bạn có thể cho trẻ sử dụng thuốc làm mềm phân để giúp trẻ đại tiện dễ dàng, tuy nhiên không được cho trẻ uống thuốc nhuận tràng mà không được sự đồng ý của bác sỹ. Ngoài ra, bác sỹ có thể kê đơn cho trẻ loại thuốc đạn glycerin đặt hậu môn nếu trẻ bị táo bón nặng. Thuốc đạn có thể kích thích trực tràng và giúp tống phân ra ngoài dễ dàng hơn. Việc cho trẻ thỉnh thoảng sử dụng loại thuốc này có thể chấp nhận được, tuy nhiên đừng nên sử dụng nó thường xuyên do việc đại tiện của trẻ có thể bị lệ thuộc vào thuốc.
Trong trường hợp trẻ đi ngoài phân khô, rắn và có một ít máu hoặc thậm chí máu chảy ở chỗ nứt ở vùng da gần hậu môn, bạn có thể bôi một chút kem dưỡng ẩm có lô hội lên vị trí đó. Hãy giữ cho khu vực này của trẻ luôn sạch sẽ, khô ráo và đưa trẻ đến bác sỹ.
Khi nào nên cho trẻ đi khám?
– Hãy đưa trẻ đến bệnh viện trong trường hợp trẻ không ăn uống được, sút cân hay đi ngoài ra máu. Hoặc nếu những biện pháp điều trị đơn giản như thay đổi chế độ dinh dưỡng không mang lại kết quả tốt.
– Đối với trẻ dưới 4 tháng, hãy đưa trẻ đi khám nếu trẻ gặp khó khăn khi đại tiện hoặc không có dấu hiệu muốn đại tiện trong vòng 24 giờ.
– Không được cho trẻ sử dụng thuốc đạn đặt hậu môn hay thuốc nhuận tràng mà không hỏi ý kiến bác sỹ.
TS. BS Trương Hồng Sơn
Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM