Tê bì chân tay có phải triệu chứng của thiếu Canxi không?

27/06/2024 -  Kiến thức dinh dưỡng

Nhiều người vẫn thường nghĩ rằng tê bì chân tay là triệu chứng của thiếu canxi và vội vã uống bổ sung canxi mà không có sự tư vấn của bác sĩ. Nhưng điều này có thật sự đúng hay không, cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Tê bì chân tay có phải triệu chứng của thiếu Canxi không

Tê bì chân tay là gì?

Tê bì chân tay là triệu chứng trong đó một người bị mất hoặc giảm cảm giác ở một bộ phận cụ thể của cơ thể, ở đây là chân hoặc tay. Cảm giác này đôi khi tập trung vào một bộ phận của cơ thể, hoặc bạn có thể cảm thấy ngứa râm ran, châm chích khắp người, như thể bạn đang bị chích bằng nhiều kim nhỏ.

Tình trạng tê bì ở chân hoặc tay có thể gây ra khi bạn ngồi hoặc đặt tay ở một vị trí gây quá nhiều áp lực lên các dây thần kinh, hoặc làm giảm lưu lượng máu. Tuy nhiên, đây cũng là một tình trạng phổ biến liên quan đến các bệnh lý khác nhau, từ tổn thương thần kinh, tuần hoàn máu kém hay nặng hơn là báo hiệu một trường hợp y tế khẩn cấp như đột quỵ.

Triệu chứng tê bì có thể bao gồm:

  • Cảm giác nóng rát
  • Mất độ nhạy
  • Đau do tiếp xúc với các kích thích mà thường vô hại
  • Có cảm giác bất thường, chẳng hạn ngứa ran, châm chích

Đọc thêm tại bài viết: Nguyên nhân khiến tay bị đau và tê bì

Nguyên nhân gây tê bì chân tay?

Tê bì thoáng qua

Loại tê bì này rất phổ biến, và nó thường vô hại. Tê bì xảy ra do có áp lực lên dây thần kinh ở chân, tay hoặc hạn chế lưu lượng máu (chẳng hạn như bạn ở tư thế gấp chân, gấp tay quá lâu, máu không lưu thông được đến cẳng chân/cẳng tay,…)

Tê bì thoáng qua thường không kèm theo các triệu chứng khác. Chúng có thể biến mất khi bạn thay đổi tư thế hoặc loại bỏ tác nhân gây áp lực lên tay/chân.

Tê bì kéo dài (mạn tính)

Khi tê bì có kèm theo các triệu chứng khác, hoặc kéo dài ngay cả khi bạn đã loại bỏ tác nhân gây tê, loại tê bì này có thể liên quan đến một số bệnh lý, bao gồm:

  • Đột quỵ: thường tê ở 1 bên, cơ mặt sụp xuống, khó nói, choáng váng,…
  • Khối u não: tê bì xuất hiện kèm theo các triệu chứng như đau đầu dồn dập, mất ý thức, nhầm lẫn, khó thở,…

Tê bì chân tay có phải triệu chứng của thiếu Canxi không? VIAM clinic

Một số bệnh lý khác có thể gây tê bì chân tay bao gồm:

  • Lạm dụng rượu
  • Viêm xương khớp gây chèn ép xương
  • Bệnh thần kinh do chèn ép (chẳng bạn hội chứng ống cổ tay và hội chứng đường hầm xương trụ)
  • Tiểu đường
  • Đau cơ xơ hóa
  • Hội chứng Guillain-Barre
  • Thoát vị đĩa đệm
  • Bệnh Lyme
  • Bệnh đa xơ cứng
  • Chèn ép dây thần kinh ngoại biên
  • Bệnh zona
  • Bệnh tuyến giáp
  • Thiếu vitamin B12
  • Phụ nữ mang thai 3 tháng cuối thai kỳ cũng có thể gây tê bì do cơ thể bị phù gây áp lực lên các dây thần kinh

Đọc thêm tại bài viết: Làm thế nào để biết bạn đang thiếu Canxi và khi nào cần bổ sung

Thiếu canxi có gây tê bì chân tay không?

Khi bạn bị thiếu canxi do chế độ ăn không cung cấp đủ lượng canxi trong thời gian dài, sử dụng thuốc làm giảm hấp thu canxi, mắc một số bệnh lý gây dung nạp canxi kém, thay đổi nội tiết tố, yếu tố di truyền,… Bạn có thể đối diện với nguy cơ hạ canxi máu, loãng xương, trẻ nhỏ không đạt được chiều cao tối ưu khi trưởng thành và chậm đạt được các mốc vận động,…

Khi bạn bị thiếu canxi giai đoạn đầu có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, tuy nhiên, khi thiếu hụt diễn ra lâu hơn, bạn có thể có các triệu chứng sau:

  • Mệt mỏi
  • Sức khỏe răng miệng kém: răng dễ bị sâu, lỏng lẻo hơn, bệnh nha chu, trẻ nhỏ chậm mọc răng
  • Cơ đau nhức, co thắt, chuột rút
  • Vấn đề nhận thức: lú lẫn hoặc mất trí nhớ, chóng mặt, ảo giác, trầm cảm
  • Tê bì và ngứa ran ở bàn tay, bàn chân, mặt
  • Co giật
  • Nhịp tim bất thường
  • Móng tay yếu và giòn, dễ gãy, tóc mọc chậm
  • Dễ gãy xương

Như vậy, thiếu canxi về lâu dài có thể gây ra triệu chứng tê bì ở chân, tay. Tuy nhiên, các triệu chứng này cũng có thể gặp ở những bệnh lý khác nữa và cần nhiều yếu tố khác để có thể chẩn đoán bạn bị thiếu canxi.

Do đó, nếu bạn bị tê bì chân tay và nghi ngờ mình bị thiếu canxi, hãy đến gặp bác sĩ để được làm xét nghiệm đo nồng độ canxi trong máu, từ đó bác sĩ có thể chẩn đoán bạn có bị thiếu canxi hay không và đưa ra các giải pháp điều trị cho bạn.

Bác sĩ Đoàn Hồng – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY