Đồng có vai trò quan trọng đối với cơ thể con người, thiếu hay thừa đồng đều gây ra những tác hại nghiêm trọng. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến tình trạng thiếu đồng ở trẻ. Cùng tìm hiểu nhé!
Contents
Đồng có vai trò gì?
Đồng là một khoáng chất có trong cơ thể, đồng giúp cơ thể bạn tạo ra các tế bào hồng cầu và giữ cho các tế bào thần kinh và hệ thống miễn dịch của bạn khỏe mạnh, nó cũng giúp hình thành collagen – một phần quan trọng của xương và mô liên kết. Trong cơ thể, đồng cũng có thể hoạt động như một chất chống oxy hóa, làm giảm các gốc tự do có thể gây hại cho tế bào và DNA. Đồng giúp cơ thể hấp thụ sắt và tạo ra năng lượng,…
Cơ thể bạn không cần nhiều đồng, có thể nhiều người không nhận đủ đồng từ chế độ ăn uống, tuy nhiên rất hiếm khi cơ thể bạn thật sự thiếu đồng.
Đọc thêm tại bài viết: Tại sao cần đủ lượng đồng trong chế độ ăn uống
Các dấu hiệu thiếu đồng có thể bao gồm thiếu máu, nhiệt độ cơ thể thấp, gãy xương, loãng xương, số lượng bạch cầu thấp, nhịp tim không đều, mất sắc tố da và các vấn đề về tuyến giáp,…
Bệnh lý thiếu đồng có thể do nguyên nhân mắc phải hoặc di truyền.
Thiếu đồng mắc phải
Nếu cơ chế di truyền kiểm soát quá trình chuyển hóa đồng trong cơ thể là bình thường, thì tình trạng thiếu hụt đồng trong chế độ ăn uống hiếm khi gây ra tình trạng thiếu đồng đáng kể về mặt lâm sàng (trừ trường hợp dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch hoàn toàn không bổ sung đủ). Do đó, các nguyên nhân gây thiếu đồng mắc phải bao gồm:
- Thiếu protein nghiêm trọng ở trẻ em
- Tiêu chảy dai dẳng ở trẻ sơ sinh (thường liên quan đến chế độ ăn hạn chế sữa)
- Kém hấp thu nghiêm trọng (như trong bệnh sprue hoặc xơ nang)
- Phẫu thuật giảm béo bằng cách cắt 1 phần dạ dày (cũng có thể gây ra sự thiếu hụt vitamin B12)
- Lượng kẽm nạp vào quá nhiều
Thiếu hụt đồng có thể gây giảm bạch cầu trung tính, canxi hóa khiến xương suy yếu, bệnh tủy sống, bệnh thần kinh (có các triệu chứng tương tự như thiếu vitamin B12) và thiếu máu nhược sắc không đáp ứng với chất bổ sung sắt.
Việc chẩn đoán thiếu đồng mắc phải dựa trên nồng độ đồng và ceruloplasmin trong huyết thanh thấp, tuy nhiên các xét nghiệm này không phải lúc nào cũng đáng tin cậy.
Điều trị tình trạng thiếu đồng mắc phải hướng đến nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung đồng với liều lượng 1,5 đến 3 mg/ngày qua đường uống (thường là đồng sunfat).
Đọc thêm tại bài viết: Bệnh Wilson (Rối loạn chuyển hóa đồng)
Thiếu đồng di truyền (Hội chứng Menkes)
Thiếu đồng do nguyên nhân di truyền xảy ra ở trẻ sơ sinh nam thừa hưởng gen đột biến liên kết với nhiễm sắc thể X. Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1 trên 100.000 đến 250.000 trẻ. Bệnh gây ra sự thiếu hụt đồng trong gan, huyết thanh và các protein đồng thiết yếu bao gồm cytochrome-c oxidase, ceruloplasmin và lysyl oxidase.
Các triệu chứng và dấu hiệu của tình trạng thiếu đồng di truyền
Các triệu chứng của tình trạng thiếu đồng di truyền là khuyết tật trí tuệ nghiêm trọng, nôn mửa, tiêu chảy, hội chứng mất protein ruột, giảm sắc tố, thay đổi xương, vỡ động mạch, tóc thưa, cứng hoặc xoăn.
Hầu hết trẻ em bị thiếu đồng di truyền đều tử vong trước 10 tuổi.
Chẩn đoán thiếu đồng di truyền
Chẩn đoán thiếu đồng di truyền dựa trên nồng độ đồng và ceruloplasmin thấp trong huyết thanh. Vì việc chẩn đoán và điều trị sớm có vẻ như mang lại tiên lượng tốt hơn, nên rối loạn này lý tưởng nhất là phát hiện trước 2 tuần tuổi. Tuy nhiên, độ chính xác chẩn đoán của các xét nghiệm này còn hạn chế. Do đó, các xét nghiệm khác đang được phát triển để có thể chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
Điều trị thiếu đồng di truyền
Điều trị thiếu đồng di truyền bằng cách dùng đồng tiêm tĩnh mạch dưới dạng đồng histidine 250 mcg tiêm dưới da hai lần một ngày cho đến khi trẻ được 1 tuổi, sau đó tiêm dưới da 250 mcg một lần một ngày sau năm đầu tiên, trong quá trình điều trị cần chú trọng theo dõi chức năng thận của trẻ. Có thể sử dụng đồng bổ sung qua đường tĩnh mạch để điều trị tình trạng thiếu đồng nghiêm trọng.
Một điều cần lưu ý là mặc dù trẻ được chẩn đoán và điều trị sớm nhưng nhiều trẻ vẫn có sự phát triển thần kinh bất thường. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tình trạng của trẻ, hãy đưa trẻ tới gặp bác sĩ để được nghe tư vấn và đưa ra hướng xử trí phù hợp với trẻ.
Bs. Đoàn Thu Hồng – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM