Thiếu sắt ở phụ nữ: Dấu hiệu và cách nhận biết thiếu máu

19/03/2024 -  Chưa phân loại

Thiếu sắt và thiếu máu là những vấn đề sức khỏe thách thức đối với nhiều người, đặc biệt là với phụ nữ, những người trải qua kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Việc nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng thiếu sắt có thể giúp điều trị và phục hồi sức khỏe tốt hơn.

Thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là những người có kinh nguyệt nhiều hoặc mang thai. Nguyên nhân chủ yếu là do mất máu kinh nguyệt hoặc không hấp thu đủ sắt từ thực phẩm. Khi bị thiếu máu, cơ thể sẽ thiếu oxy, dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, nhịp tim nhanh, tay chân lạnh… 

Để bổ sung sắt và điều trị thiếu máu, bác sĩ thường kê đơn thuốc bổ sung sắt đường uống kết hợp với chế độ dinh dưỡng giàu sắt từ thực phẩm. Tuy nhiên cần ít nhất 3-4 tuần để mức sắt trong máu trở lại bình thường. Vì vậy, bệnh nhân cần kiên trì điều trị và khám sức khỏe định kỳ để theo dõi hiệu quả.

Sắt đóng vai trò gì trong cơ thể?

Sắt là yếu tố cần thiết cho việc sản xuất hồng cầu trong máu. Chúng ta cũng cần sắt cho mô và cơ khỏe mạnh. Nó rất quan trọng cho chức năng tế bào, phát triển thần kinh, tăng trưởng thể chất,…

Phụ nữ có kinh nguyệt cần nhiều sắt hơn những người khác, bởi họ phải bù lại lượng sắt thường xuyên bị mất đi do kinh nguyệt hàng tháng. Lượng sắt được khuyến nghị hàng ngày cho phụ nữ từ 19-50 tuổi là 18mg, so với chỉ 8mg ở nam giới cùng độ tuổi. Người mang thai cần nhiều sắt hơn nữa: ít nhất là 27mg mỗi ngày.

Thiếu máu, thiếu sắt, thiếu máu do thiếu sắt có giống nhau không?

Các thuật ngữ “thiếu máu”, “thiếu sắt” và “thiếu máu do thiếu sắt” thường được dùng thay thế cho nhau. Nhưng chúng không giống nhau.

  • Thiếu máu: Thiếu máu xảy ra khi bạn không có đủ tế bào hồng cầu, hoặc tế bào hồng cầu của bạn không vận chuyển oxy đến các cơ quan trọng cơ thể một cách bình thường. Có nhiều loại thiếu máu.
  • Thiếu sắt: Lượng sắt trong tủy xương giảm. Trong trường hợp thiếu sắt nhẹ, kho dự trữ sắt có thể cạn kiệt nhưng mức hemoglobin vẫn nằm trong giới hạn bình thường.
  • Thiếu máu do thiếu sắt: Loại thiếu máu phổ biến nhất, thiếu máu do thiếu sắt xảy ra khi cơ thể bạn không có đủ sắt để tạo ra hemoglobin. Các kho dự trữ sắt của bạn đã cạn kiệt.
  • Nồng độ ferritin thấp: Máu phụ nữ nên có 11-307 microgam ferritin trên một lít. Nếu xét nghiệm ferritin cho thấy mức ferritin trong máu thấp hơn bình thường, điều đó cho thấy lượng dự trữ sắt trong cơ thể bạn thấp và bạn đang bị thiếu sắt.

Nguyên nhân gây thiếu sắt ở phụ nữ

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), thiếu sắt là hình thức suy dinh dưỡng vi chất phổ biến nhất trên toàn cầu. Các yếu tố kinh tế và dinh dưỡng khiến phụ nữ thiểu số có nguy cơ thiếu sắt và các hậu quả sức khỏe liên quan cao hơn.

Phụ nữ có thể bị thiếu sắt vì nhiều lý do. Chảy máu dạ dày ruột, mang thai, kinh nguyệt nhiều hoặc một số vấn đề sức khỏe như bệnh celiac hay Crohn có thể làm giảm sắt. Xác định nguyên nhân thiếu sắt sẽ giúp xác định cách điều trị thích hợp nhất.

Thiếu sắt thường do chế độ ăn kém. Thức ăn có hai loại sắt – sắt heme và sắt không heme. Sắt heme có trong thịt, cá và gia cầm – dạng dễ hấp thu nhất. Ăn thịt thường tăng sắt nhiều hơn ăn sắt không heme có trong thực vật như trái cây, rau và các loại hạt.

Vì thịt là nguồn sắt tốt nhất nên những người ăn chay có nguy cơ thiếu sắt cao hơn. Do đó, họ cần cố ý và thường xuyên ăn các loại thực phẩm giàu sắt như đậu, ngũ cốc tăng cường sắt, rau lá xanh và các loại hạt khô.

Những người mang thai cũng có nguy cơ bị thiếu sắt cao hơn. Tại Mỹ, 1/6 phụ nữ bị thiếu sắt khi mang thai. Lý do là trong thai kỳ, thể tích máu tăng lên, cơ thể sử dụng sắt để tạo máu và cung cấp oxy cho em bé. Vì vậy nhu cầu sắt của phụ nữ mang thai cao hơn nhiều so với người không mang thai.

Thiếu sắt đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe

Thiếu sắt làm giảm số lượng tế bào hồng cầu mang oxy trong máu. Về lâu dài, máu mang ít oxy hơn sẽ gây ra các triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây đau thắt ngực, ngất xỉu, miễn dịch bị suy giảm nghiêm trọng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, thậm chí đe dọa tính mạng.

Đối với phụ nữ mang thai, tình trạng này vô cùng nguy hiểm. Theo CDC, thiếu máu nặng trong thai kỳ có thể dẫn đến suy dinh dưỡng cho thai nhi, sinh non, suy dinh dưỡng bào thai và tăng nguy cơ tử vong cho cả mẹ và con.

Triệu chứng thiếu sắt ở phụ nữ

Thiếu sắt nhẹ có thể không có triệu chứng rõ ràng. Khi thiếu sắt nặng hơn, khả năng xuất hiện triệu chứng tăng lên.

  • Mệt mỏi

Một trong những triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi. Mỗi người có cảm giác mệt mỏi khác nhau: có người quá mệt để tập thể dục, trong khi những người khác bị suy nhược thần kinh. Nhiều người cảm thấy buồn ngủ ban ngày mặc dù họ đã ngủ đủ giấc vào ban đêm.

  • Nhịp tim nhanh

Nhịp tim bình thường ở nữ giới là 70-90 nhịp/phút. Nhịp trên 100 nhịp/phút có thể cho thấy bạn thiếu sắt. Nhịp tim nhanh hoặc không đều, tim đập loạn, thậm chí bỏ nhịp có thể xảy ra.

  • Nhiễm trùng thường xuyên

Thiếu máu do thiếu sắt làm hệ miễn dịch suy giảm và có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng. Ngoài ra, một số triệu chứng khác của thiếu máu do thiếu sắt là suy nhược, khó thở, chóng mặt, đau đầu, bầm tím, khó tập trung, đau ngực, rét run, chân tay bứt rứt, ù tai,…

  • Rối loạn ăn uống Pica

Thiếu máu nặng có thể gây rối loạn ăn uống Pica, khi người bệnh ăn các vật không phải thực phẩm và không có giá trị dinh dưỡng đáng kể. Đây là dấu hiệu cơ thể đang cố gắng khắc phục thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng.

Các dấu hiệu khách quan khác bao gồm: da nhợt nhạt, móng dễ gãy, nứt ở khóe miệng, lưỡi sưng. Tuy nhiên, ở mức độ thiếu sắt nhẹ có thể không có dấu hiệu bệnh lý. Nếu bạn muốn biết cụ thể mức độ sắt của mình, cần làm xét nghiệm máu, lượng hemoglobin 10 gam/decilit (g/dL) được coi là thiếu máu, và mức hemoglobin 5 g/dL là thiếu máu nặng.

Điều trị thiếu sắt

May mắn là hầu hết các nguyên nhân gây thiếu sắt thường không nghiêm trọng và dễ điều trị.

  • Ăn thực phẩm giàu sắt

Sắt là khoáng chất tự nhiên có trong nhiều loại thực phẩm, đồng thời cũng được bổ sung vào một số sản phẩm. Nếu bạn bị thiếu sắt do chế độ dinh dưỡng kém, việc bổ sung đủ lượng thực phẩm giàu sắt hàng ngày sẽ giúp cải thiện tình trạng này.

Trứng, cá, thịt gia cầm, gan, thịt đỏ, các loại hạt, hoa quả sấy khô, rau lá xanh, đậu và ngũ cốc ăn sáng giàu sắt là những lựa chọn tốt cho người thiếu sắt. Bạn cũng nên ăn thực phẩm giàu vitamin C hàng ngày để tăng cường hấp thu sắt như cam, quýt, dâu tây, cà chua và các loại rau họ cải.

  • Thuốc hoặc thực phẩm chức năng bổ sung sắt

Thực phẩm bổ sung sắt là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho thiếu máu do thiếu sắt. Tuy nhiên đây không phải là giải pháp nhanh chóng. Theo các bác sĩ, thường mất 3 đến 6 tháng để khôi phục lượng sắt. Không nên tự ý dùng thực phẩm bổ sung sắt, vì dư thừa sắt có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác. Táo bón là tác dụng phụ thường gặp của viên sắt. Bác sĩ có thể kê thêm thuốc nhuận tràng cùng với thực phẩm bổ sung sắt.

  • Truyền sắt đường tĩnh mạch

Đối với trường hợp thiếu sắt nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được chỉ định truyền sắt tĩnh mạch. Sắt được truyền vào tĩnh mạch để tăng nồng độ sắt trong máu. Thường chỉ cần một hoặc vài liệu trình để khôi phục mức sắt.

Đối phó với tình trạng buồn ngủ do thiếu sắt

Do cần một khoảng thời gian để lượng sắt trở lại bình thường, tình trạng buồn ngủ và mệt mỏi do thiếu sắt sẽ không biến mất ngay lập tức. Trong thời gian chờ đợi, bạn nên có chế độ ngủ nhất quán mỗi đêm. Đi ngủ cùng một giờ và ngủ ít nhất 8 tiếng nếu có thể. 

Nếu vẫn cảm thấy mệt mỏi ban ngày, bạn nên ngủ 1-2 giấc ngắn khoảng 10 phút để tái tạo năng lượng. Bạn cũng nên tránh rượu và thuốc lá, vì chúng gây buồn ngủ và làm giảm chất lượng giấc ngủ. Một số việc có thể làm để giảm cảm giác mệt mỏi:

  • Uống đủ nước
  • Ăn nhẹ giữa ngày
  • Tập thể dục nhẹ nhàng
  • Thư giãn với yoga, thiền
  • Sử dụng tinh dầu bạc hà, chanh tươi để tỉnh táo hơn

Nhìn chung, thiếu sắt và thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng sức khỏe nghiêm trọng cần được chú ý. May mắn là hầu hết các nguyên nhân gây ra chúng đều có thể điều trị được. Khi bạn nhận thấy các triệu chứng như mệt mỏi bất thường, tim đập nhanh hoặc các triệu chứng khác của thiếu sắt, hãy đến khám bác sĩ. Các xét nghiệm đơn giản sẽ xác định mức độ thiếu sắt và chỉ định liệu pháp phù hợp để nhanh chóng khôi phục lượng sắt trong cơ thể.

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Hà Linh – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY