Bổ sung vitamin, khoáng chất ngày càng phổ biến cùng với thuốc bệnh. Nhiều người băn khoăn trước 4-5 loại thuốc phải uống trong ngày, sáng trưa chiều tối, trước ăn sau ăn…, uống thế nào để có hiệu quả cao nhất, hạn chế tối đa tác dụng phụ (đau bụng, buồn nôn, táo bón), mà không bị tương tác giữa các loại thuốc, ví dụ giảm tác dụng sinh học hoặc tăng tác dụng phụ? Thực sự có một số loại thuốc tương tác với nhau khi uống cùng lúc, và có thế gây nhiều tác dụng phụ, thâm chí gây hại cho sức khỏe người dùng!
Khi bạn phải dùng nhiều loại trong ngày, lúc nào là cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, gút, loãng xương thiếu máu, thậm chí để tăng thành tích thể thao ,… thì tốt nhất là hỏi ý kiến bác sỹ đang điều trị của bạn.
Dưới đây là một số lời khuyên cơ bản của Chuyên gia Dinh dưỡng về bổ sung vitamin và chất khoáng để có hiệu quả cao, tránh tương tác với các thuốc khác.
Contents
Dùng Multi-vitamin (đa vitamin)
Uống vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày cũng được, nhưng sẽ có lợi nếu dùng cùng với thức ăn. Dùng trong hoặc sau bữa ăn có hai lợi ích: có thức ăn vào dạ dày có thể giúp bạn tránh khỏi cảm giác khó chịu và buồn nôn tại đường tiêu hóa, nhiều người hay gặp khi uống vitamin lúc bụng đói. Bữa ăn có thêm các chất dinh dưỡng khác như protein và chất béo, giúp hấp thu các vitamin tan trong chất béo tốt hơn như vitamin A, D, E và K , các vitamin này đóng vai trò quan trọng giúp tăng cường miễn dịch, thị lực, xương và tinh thần.
Tương tự, uống cùng với cốc nước sẽ giúp dễ nuốt hơn và các vitamin, khoáng hòa tan trong nước dễ hòa tan hơn khi vào dạ dày, cũng như hấp thu tốt hơn ở đường tiêu hóa.
Nhiều người có thói quen uống vitamin vào buổi sáng sau ăn, tuy nhiên các bằng chứng khoa học cho thấy bạn có thể dùng sau ăn trưa hoặc tối đều tốt, điều quan trọng là bạn phải dùng đều đặn phù hợp với thói quen và thời gian của bạn, không nên thay đổi hôm buổi sáng, mai buổi chiều, rất dễ quên và khó nhớ khi cùng lúc dùng mấy loại thuốc khác nhau. Cần chú ý đọc kỹ nhãn mác, liều lượng của viên bổ sung, ví dụ nhà sản xuất hướng dẫn dùng 3 viên/lần, nhưng ta có thể dùng 1-2 viên nếu chế độ ăn của bạn đã khá đủ và loại thuốc khác cũng có chữa một phần rồi!
Vitamin riêng lẻ tan trong nước, nhóm B & Vitamin C
Nên dùng nhóm B vào buổi sáng và chia nhỏ vitamin C làm vài lần trong ngày. Nhiều loại vitamin B (B1, B2, B3, pantothenic B5, B6, biotin B7, axit folic B9, cobalamin B12 và vitamin C đều cần nước để hấp thụ. Hãy nhớ uống chúng với một ly nước đây.
Bạn có thể uống vitamin nhóm B bất cứ lúc nào, tuy nhiên buổi sáng tốt hơn. Bởi vitamin B đóng một vai trò quan trọng cho chuyển hóa năng lượng, tăng thành tích thể thao và tăng cường sức bền, giúp ta hưng phấn khỏe mạnh cả ngày.
Đối với vitamin C, nguồn chính vitamin C từ rau quả nhưng bị phá hủy phần lớn khi nấu nướng, bảo quản, và không được dự trữ trong cơ thể, vì vậy bạn nên chia liều C nhỏ và dùng 2-3 lần trong ngày, cơ thể sẽ hấp thu và sử dụng tốt hơn. Lưu ý không nên quá lạm dụng liều cao vitamin C (1000–2000 mg mỗi ngày), vì thừa cơ thể sẽ thải ra ngoài, và có thể gây tác dụng phụ cho đường tiêu hóa.
Vitamin tan trong chất béo: Vitamin A, D, E và K
Nên dùng cùng với bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ có chứa chất béo. Chất béo đi cùng là cần thiết, giúp cho quá trình hòa tan và hấp thụ tốt hơn. Chất béo giúp cơ thể tăng bài tiết mật, giúp hấp thụ tối đa vitamin và chất béo. Một số nghiên cứu cho thấy khoảng 10g chất béo (1 thìa canh) có thể là lý tưởng để hấp thụ vitamin D.
Một số chất béo khác từ các loại quả, hạt có dầu cũng tốt, ví dụ quả bơ, hạt hạnh nhân, điều, hướng dương, lạc… Cơ thể bạn cần vitamin D để hấp thụ canxi, nhưng bạn không cần phải dùng hai chất bổ sung này cùng lúc để nhận được lợi ích. Bởi cơ thể bạn có nguồn dự trữ một số D, và nó sẽ được huy động để sử dụng hàng ngày, với điều kiện bạn không bị thiếu vitamin D.
Viên Canxi-khoáng
Bạn nên dùng canxi cùng với thức ăn, nhưng không quá 500–600 mg mỗi lần. Hãy cẩn thận vì chúng có thể tương tác với một số loại thuốc khác như sắt, kẽm…. Nếu bạn dùng với liều cao, ví dụ 1000mg/ngày thì nên chia ra làm 2 lần (sáng, trưa) sẽ giúp cơ thể hấp thu tốt hơn.
Nếu bữa sáng của bạn đã có nhiều thực phẩm giàu canxi (ví dụ sữa, pho mai, ngũ cốc có canxi, nước ấm), thì nên chuyển viên canxi sang bữa khác như trưa hoặc thời điểm khác để cơ thể hấp thu tối đa chúng.
Theo Viện Thực hành Thuốc An toàn (ISMP), rất nhiều thuốc bệnh khác, ví dụ như kháng sinh, động kinh, thuốc cho tuyến giáp .. thì nên cách xa dùng canxi trước hoặc sau khoảng 1-2 giờ.
Trong phác đồ điều trị loãng xương, các bác sĩ thường kê bổ sung canxi và vitamin D cùng với các thuốc bisphosphonate như alendronate (Fosamax, Binosto), ibandronate (Boniva), và Risedronate (Actonel, Atelvia). Nhưng dùng chúng cùng nhau có thể làm giảm sự hấp thụ thuốc. Nên dùng Canxi-vitamin D ít nhất 30 đến 60 phút sau bisphosphonate.
Sắt
Dùng sắt cùng với thực phẩm giàu vitamin C để hấp thụ tốt nhất. Thêm thức ăn để chống buồn nôn hoặc dùng trước khi đi ngủ. Hãy cẩn thận khi dùng cùng với một số loại thuốc vì có thể có sự tương tác. Nên uống sắt cùng với nước cam, hoặc sau ăn hoa quả nhiều vitamin C, không nên uống cùng với nước chè, uống sau ăn tối trước khi đi ngủ cũng có thể hạn chế cảm giác khó chịu.
Sắt có thể cản trở sự hấp thu thuốc levothyroxine (Levothroid, Levoxyl, Synthroid, Tirosint và Unithroid); bởi vậy nên dùng 2 loại này cách nhau 3-4 giờ.
Sắt cũng có thể can thiệp vào một số loại kháng sinh, như tetracycline và penicillin, các thuốc ức chế bơmproton như lansoprazole, omeprazole. Các thuôc ức chế thụ thể H2 cimetidine (Tagamet), famotidine (Pepcid) và nizatidine (Axid) có thể làm giảm sự hấp thu sắt. Bới vậy, nên cách nhau khoảng 2 giờ với những thuốc này, hoặc hạn chế dùng sắt khi đang dùng thuốc này.
Khoáng chất Magiê và kẽm
Chú ý thời điểm dùng vì tương tác với một số loại thuốc. Cả magiê và kẽm đều có thể cản trở sự hấp thụ của kháng sinh fluoroquinolone, tetracycline, penicilamine. Nên dùng kháng sinh ít 2 giờ trước hoặc sau khi bổ sung các chất khoáng này. Tương tự, nếu bạn sử dụng thuốc trị loãng xương bisphosphonate, nên cách 2 giờ với dùng magiê.
PGS.TS. BS. Nguyễn Xuân Ninh – Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM